Cô giáo Sơn La vượt đèo, leo dốc mỗi tuần 120km “gieo chữ” cho trẻ em vùng cao

17/08/2024 06:54
Thu Thủy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không ngại mưa bão, sạt lở, cô giáo Hòa Thị Vì vẫn miệt mài tự chạy xe máy hơn 3 tiếng đồng hồ để mang con chữ đến với trẻ em dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La.

Quyết định ngược đời của nữ giáo viên, mỗi tuần vượt 120km đến trường

Năm 2020, sau khi đã có 10 năm gắn bó với Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cô giáo Hòa Thị Vì (39 tuổi) đã quyết định xin chuyển công tác về Trường Mầm non Bình Minh Co Mạ (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu) - một trong những trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, cũng là nơi cô sinh ra và lớn lên.

“Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên nên tôi hiểu được cuộc sống khắc nghiệt mà người dân phải trải qua. Tôi mong muốn góp sức mình đem con chữ đến các em nhỏ”, cô giáo Vì tâm sự.

Sau 1 năm chuyển về công tác về huyện Thuận Châu, đến năm 2021, cô Vì được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ Mường Bám (xã Mường Bám, huyện Thuận Châu).

Cô Vì chia sẻ thêm, cả gia đình cô đều đã chuyển về thành phố sinh sống. Do đó, mỗi tuần, cô phải tự đi xe máy từ nhà đến điểm trường hết gần 120km. Nếu không có mưa bão, sương mù dày đặc, cô mất ít nhất hơn 3 tiếng đồng hồ để di chuyển.

Cô vẫn như như in, thời điểm mới về trường nhận nhiệm vụ, hình ảnh thực tế về ngôi trường hoàn toàn khác xa so với tưởng tượng của bản thân.

“Gọi là trường nhưng thực chất chỉ là căn nhà tạm bợ để che nắng, che mưa. Bên trong gần như đủ tiêu chí “3 không”: Không trang thiết bị, không cây cảnh, không tranh ảnh như đại đa số các trường mầm non khác. Thậm chí ở một số bản làng còn không có lớp học, chúng tôi cùng phụ huynh phải tự chia ngăn nhà văn hóa để mượn làm lớp học”, cô Vì nhớ lại.

anh1.PNG
Cô giáo Hòa Thị Vì quyết định chuyển công tác lên vùng cao của tỉnh Sơn La. (Ảnh: NVCC)

Có một công việc tử tế, đóng góp giá trị cho xã hội đã là điều may mắn

Không chỉ gặp rào cản về khoảng cách địa lý, cô Vì còn phải đối diện với những hiểm nguy rình rập trên đoạn đường đến trường.

“Hôm nào trời mưa lớn, mỗi lần đến đoạn dốc cao, tôi phải xuống xe để nhặt thêm cành cây ven đường rồi buộc vào sau xe, giúp giảm độ trơn trượt của đường đèo. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng “hạ cánh” an toàn. Có những lần tôi không thể xuống dốc được do hạ tầng giao thông trên vùng cao còn nhiều hạn chế. Nếu may mắn gặp phụ huynh hoặc người ở bản đi qua, họ sẽ giúp tôi dắt xe, ngược lại thì chỉ trông chờ vào số mệnh của bản thân”, cô giáo vùng cao tâm sự.

Cô Vì cũng tâm sự thêm, ngay tháng 8 vừa qua, tỉnh Sơn La có khoảng 20 điểm sạt lở và không may một cô giáo trẻ bị ngã trên đường đi dạy học về. Sau khi đưa đến viện, cô giáo này được chẩn đoán là gãy xương bánh chè, khả năng cao phải nằm viện vài tháng.

Mặc dù khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập nhưng cô Vì vẫn quyết tâm bám trụ với nghề bởi theo cô, khi bản thân có một công việc tử tế, đóng góp giá trị cho xã hội đã là điều may mắn hơn nhiều người khác.

“Tôi từng suy nghĩ và tính đến chuyện nghỉ dạy trẻ để chuyển hướng sang một công việc nhàn hạ, bớt vất vả hơn. Nhưng sau nhiều lần suy nghĩ, đắn đo tôi nhận thấy thương các trò nhỏ không được đến trường, đến lớp hơn.

Bản thân tôi nhận ra, những người được ăn học đầy đủ như chúng tôi còn làm việc rất vất vả. Sáng dạy học, tối về soạn bài, lập kế hoạch, làm đồ chơi để hôm sau lên lớp dạy. Nếu những “búp măng non” không được tiếp bước đến trường thì tương lai sau này sẽ đi về đâu”, nữ giáo viên trăn trở.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, muốn cho con em nghỉ học. Lúc này, nữ giáo viên cùng các đồng nghiệp phải thay nhau động viên, tiếp thêm nghị lực cho học sinh cũng như gia đình để con em được đến lớp.

"Có lần phụ huynh không cho con em mình đi học tiếp vì nhà nghèo, ăn chưa no làm sao dám nghĩ tới việc học. Không ít lần tôi đã chủ động gọi điện cho phụ huynh để động viên, khích lệ các em tiếp tục đi học”, cô Vì tâm sự.

anh2.PNG
Con đường dẫn đến điểm trường mà cô Vì đang công tác. (Ảnh: NVCC)

Nhận nuôi 6 học sinh tại trường, chăm sóc như “con đẻ”

Thương các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Vì chủ động xin một phần kinh phí từ dự án Nuôi em Mộc Châu để nhận nuôi 6 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vừa lo ăn vừa lo học cho các em tại trường.

Nữ giáo viên chia sẻ, cả 6 em nhỏ đều thuộc diện hộ nghèo của xã nên gia đình không đủ sức trang trải cho các em tới trường.

“Hơn nữa, nhà các em ở rất xa điểm trường, đi lại vô cùng khó khăn, nếu không nhận nuôi thì không còn cách nào khác để các em được tiếp tục đi học. Vì thương nên chúng tôi thay phiên nhau nấu ăn, chăm sóc và dạy học để bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình các em”, cô Vì cho hay.

anh3.PNG
Nhiều phụ huynh đã hỗ trợ giáo viên lập vách ngăn của nhà văn hoá để làm lớp học. (Ảnh: NVCC)

Học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú. Hiện tại, ngoài 6 em nhỏ trên, cô Vì và nhà trường cũng chủ động khích lệ, động viên tất cả các học sinh. Nhà trường thường xuyên phân công các thầy cô giáo đến tận nhà vận động cha mẹ học sinh cho con đến lớp.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ với học trò, cô Vì không khỏi xúc động trước bó hoa tự làm của các em nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Bó hoa đơn giản gồm cỏ lau, dã quỳ, tàu bay, cành dương xỉ và hoa ngũ sắc nhưng ấm áp tình yêu thương của học sinh.

“Tôi nhớ ngày hôm đấy tôi đang đi dự giờ, một em nhỏ chạy ra tặng bó hoa này khiến tôi khá bất ngờ. Tôi không nghĩ một em bé mới vài tuổi đã hiểu được ý nghĩa của ngày 20/11”, cô Vì chia sẻ.

anh4.PNG
Hiện cô Vì phối hợp với nhà trường nhận nuôi 6 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Những món quà tuy giản đơn nhưng đã trở thành động lực giúp các giáo viên vùng cao như cô Hòa Thị Vì vững bước trên con đường đã chọn.

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ Mường Bám cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ, cải thiện cơ sở vật chất, đồng thời tăng mức hỗ trợ đối với giáo viên vùng cao, tạo động lực để các thầy cô yên tâm công tác.

“Ngoài ra, nhà trường cũng mong muốn địa phương có thêm nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường sẵn sàng về quê hương công tác để bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ. Từ đó, đảm bảo giáo viên có thể cống hiến lâu dài cho hoạt động giáo dục tại địa phương”, cô Vì bày tỏ.

Thu Thủy