Cô giáo Thiên Nga chọn bỏ cơ hội nghề nghiệp lương cao hơn vì yêu nghề dạy học

23/04/2023 06:29
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn lớn, cái duyên với nghề giáo đã mang đến cho cô Thiên Nga cơ hội “truyền lửa” đam mê về chế biến ẩm thực.

Cô giáo Tống Thiên Nga luôn nhận được sự tin yêu của học sinh và đồng nghiệp tại nơi công tác là Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh.

Thạc sỹ Mạc Thị Mận – giáo viên phụ trách khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh nhận xét cô giáo Thiên Nga là một giáo viên trẻ nhiệt huyết, năng động và yêu nghề.

Ngoài thời gian truyền thụ kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho học sinh trên lớp, cô còn tích cực tham gia hoạt động học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng tại các doanh nghiệp.

Từ đó, học sinh của cô luôn được cập nhật những kiến thức mới nhất về môn kỹ thuật chế biến món ăn. Các em không chỉ vững kiến thức, tay nghề mà còn vững niềm tin khi chọn nghề cho chính mình.

Trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Tống Thiên Nga chia sẻ về hành trình tìm kiếm và chinh phục ước mơ trở thành một đầu bếp “thực tâm – thực tài – thực nghề” và cái duyên với nghề giáo viên.

Cô giáo Tống Thiên Nga luôn nhận được sự tin yêu của học sinh và đồng nghiệp. (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Tống Thiên Nga luôn nhận được sự tin yêu của học sinh và đồng nghiệp. (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Thiên Nga kể lại: “Do gia đình tôi có rất nhiều người thân công tác trong quân đội nên từ nhỏ ước mơ của tôi là trở thành một sĩ quan quân đội.

Tuy nhiên, đến thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2007, do không đáp ứng được tiêu chí về thể chất nên tôi đành gác lại ước mơ của mình.

Cùng thời điểm đó, tôi tình cờ đọc được thông tin tuyển sinh ngành Kỹ thuật chế biến món ăn và rồi với suy nghĩ “thích ăn ngon”, tôi quyết định theo học ngành này tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long - nay là Trường Đại học Hạ Long.

Quá trình 3 năm gắn bó với nhà trường, tôi dần nhận ra mình thực sự yêu thích, đam mê việc nghiên cứu, tự tay chế biến ra những món ăn ngon, đặc sắc.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 2010, do ngành du lịch ở Quảng Ninh lúc đó đang phát triển mạnh mẽ nên tôi nhanh chóng tìm được công việc tại khách sạn 4 sao.

Từ công việc phụ giúp cho đến khi được thử sức với những vai trò mới như quản lý bếp ăn của một khu vui chơi, làm việc tại khách sạn 5 sao đã giúp tôi đã tích luỹ được cho bản thân kinh nghiệm và kỹ năng nhất định, nhận được sự tin tưởng của doanh nghiệp.

Đặc trưng của ngành chế biến món ăn là vừa làm vừa học tập, trau dồi nên suốt hơn 10 năm làm đầu bếp, dù ở cương vị nào tôi cũng chưa từng ngừng nghỉ nghiên cứu và học hỏi”.

Hành trình trở thành người “truyền lửa” đam mê vốn không dễ dàng

Cứ miệt mài như vậy, cô giáo Thiên Nga cho rằng bản thân sẽ gắn bó và cống hiến với công việc đầu bếp cho đến khi về hưu nhưng đến năm 2021, gia đình cô chào đón thành viên mới. Một lần nữa, cô phải gác lại công việc để có thời gian chăm sóc con nhỏ.

Từ một đầu bếp với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn lớn, cái duyên với nghề giáo đã mang lại cho cô Thiên Nga (đứng thứ hai từ trái sang, hàng trên) cơ hội “truyền lửa” đam mê chế biến ẩm thực cho học sinh, sinh viên. (Ảnh: Phạm Linh)

Từ một đầu bếp với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn lớn, cái duyên với nghề giáo đã mang lại cho cô Thiên Nga (đứng thứ hai từ trái sang, hàng trên) cơ hội “truyền lửa” đam mê chế biến ẩm thực cho học sinh, sinh viên. (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Thiên Nga chia sẻ về cái duyên với nghề giáo viên: “Khi con cứng cáp hơn và có nhu cầu tìm việc làm, tôi tình cờ tìm thấy thông tin đăng tuyển giáo viên của Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh và đây là cơ hội đưa tôi bắt đầu một hành trình mới.

Mặc dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn lớn nhưng giỏi nghề và truyền nghề lại hoàn toàn khác nhau.

Lúc đầu, tôi rất băn khoăn liệu mình có làm được không, trở thành giáo viên vậy làm sao để thiết kế một bài giảng, làm sao để truyền đạt giúp học sinh hiểu và thấy được sự thú vị khi tiếp cận với một công thức món ăn mới,…rất nhiều câu hỏi và tôi cũng đã có lúc nghĩ có lẽ bản thân chưa trang bị đủ để trở thành một giáo viên.

Rất may mắn, khi được nhận công tác tại nhà trường tôi có cơ hội gặp lại cô giáo của mình khi học cao đẳng. Vừa là thầy vừa là đồng nghiệp, một lần nữa, cô giúp tôi từng bước trang bị những kỹ năng sư phạm cần thiết và tìm ra cách để “truyền lửa” đam mê chế biến món ăn của tôi tới học sinh.

Tôi đã phải học, hoàn thiện từng kĩ năng sư phạm, bắt đầu bằng những việc như nói chuyện với học sinh, viết giáo án, hồ sơ.

Trước đây, cách nói chuyện có thể thoải mái hơn nhưng ở cương vị một giáo viên tôi phải chọn cách diễn đạt phù hợp”.

Cô giáo Thiên Nga chia sẻ: "Khi bạn bè hay người thân thắc mắc tại sao tôi không quay lại với công việc đầu bếp để có mức lương cao hơn tôi lại cười nói bản thân đã trót yêu bục giảng, yêu góc bếp nơi cô và trò cùng nhau sáng tạo ra những món ăn ngon và yêu cảm xúc khi được học sinh gọi là ‘cô giáo Nga’ mất rồi!” (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Thiên Nga chia sẻ: "Khi bạn bè hay người thân thắc mắc tại sao tôi không quay lại với công việc đầu bếp để có mức lương cao hơn tôi lại cười nói bản thân đã trót yêu bục giảng, yêu góc bếp nơi cô và trò cùng nhau sáng tạo ra những món ăn ngon và yêu cảm xúc khi được học sinh gọi là ‘cô giáo Nga’ mất rồi!” (Ảnh: Phạm Linh)

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất từ khi trở thành một giáo viên đến nay, cô giáo Thiên Nga chia sẻ: “Trở thành giáo viên, tôi như quay trở lại thời còn đi học. Bản thân tôi đã trải qua rất nhiều lần đầu tiên như: lần đầu đứng lớp, lần đầu thị phạm chế biến món ăn trước hàng chục học sinh và còn cả lần đầu tham gia hội giảng của trường.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên lên lớp, theo thói quen khi còn làm việc ở khách sạn, việc đầu tiên khi tôi vào lớp là cúi người chào học sinh. Em nào cũng hết sức ngỡ ngàng khi trò chưa kịp chào cô đã chào trước.

Rồi lần đầu tiên tham gia hội giảng do khoa tổ chức bản thân rất run, thậm chí lúc đầu không nói được câu hoàn chỉnh. Cảm giác lúc ấy tôi như quay trở thời học sinh bị thầy cô gọi lên bảng vậy!

Mỗi ngày khi đến trường, tôi lại tích luỹ cho bản thân kinh nghiệm truyền thụ kiến thức và thật nhiều kỷ niệm khó quên.

Đến giờ, bản thân tôi hiện tại hoàn toàn tự tin khi "bắt tay, chỉ việc" cho học sinh và đóng góp một phần công sức nhỏ cho sự phát triển của khoa, của nhà trường.

Hiện tại, khi bạn bè hay người thân thắc mắc tại sao tôi không quay lại với công việc đầu bếp để có mức lương cao hơn tôi lại cười nói bản thân đã trót yêu bục giảng, yêu góc bếp nơi cô và trò cùng nhau sáng tạo ra những món ăn ngon và yêu cảm xúc khi được học sinh gọi là ‘cô giáo Nga’ mất rồi!”.

Phạm Linh