Có ít nhất 5 lợi ích khi cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý

10/09/2022 06:44
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trình độ cao đẳng là gì thì chủ yếu được quy định qua mục tiêu đào tạo, vừa khó tường minh lại rất khó phân biệt được các trình độ.

Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có thống nhất các trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và cao đẳng theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Trong nhiều năm qua, hệ thống các trường cao đẳng ra đời trên cơ sở của đề án đào tạo kỹ thuật viên cao cấp và làm thí điểm trong một số trường - chủ yếu thuộc Bộ Công thương. Về sau này, đào tạo trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học và có quy định chương trình đào tạo với tỷ lệ lý thuyết/thực hành là 50/50. Trình độ cao đẳng chính thức được quy định tại Luật Giáo dục 1998, tuy nhiên trình độ cao đẳng là gì thì chủ yếu được quy định qua mục tiêu đào tạo, vừa khó tường minh lại rất khó phân biệt được các trình độ.

Chương trình đào tạo kéo dài 3 năm sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông... đã gây ra sự lãng phí lớn cho đến ngày hôm nay xét trên bình diện chi phí cơ hội (ra trường muộn hơn so với các quốc gia khác 1 năm); chi phí nhân lực đội ngũ thầy cô giáo, chi phí cơ sở vật chất và chiếm chỗ học của hàng trăm nghìn người học mỗi năm.

Ảnh minh họa: nguồn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

Ảnh minh họa: nguồn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

Khi quy mô giáo dục phổ thông tăng nhanh, tạo nên sức ép của giáo dục sau trung học để tiếp nhận học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều trường cao đẳng được nâng cấp từ các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc thành lập mới. Do điều kiện nguồn lực không đủ, lại kéo dài 3 năm, nên hầu hết các trường cao đẳng dạy nặng về lý thuyết và ít thực hành. Có thể xem chương trình cao đẳng là chương trình “em” của chương trình đại học.

Điều đáng tiếc là khi thiết kế trình độ cao đẳng lại không tiếp cận từ phía thị trường lao động để có chương trình hợp lý.

Sự "rối" hệ thống tăng lên khi Luật Dạy nghề 2006 đưa ra 3 trình độ đào tạo của dạy nghề (gồm: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề). Như vậy có nghĩa, cao đẳng nghề là một trình độ đào tạo của dạy nghề.

Kể từ đó, hệ thống giáo dục bị “nhiễu” khi xuất hiện một bên là cao đẳng nghề, một bên là cao đẳng "không nghề" trong khi thị trường nhân lực thực chất chỉ cần một loại trình độ. Điều đó gây ra những vấn đề về tính thống nhất, tính hệ thống, liên thông và phân luồng...

Hiện tại có thể kể ra rất nhiều ngành nghề mà người lao động tốt nghiệp trình độ cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp được sử dụng gần như nhau, không có phân biệt thật rõ ràng tại doanh nghiệp hay cơ sở sử dụng lao động.

Sở dĩ có chuyện này là vì khi thiết kế trình độ, các nhà thiết kế bỏ qua nhu cầu thị trường lao động. Nói cách khác chúng ta thiết kế trình độ theo quy trình ngược, giáo dục "đẻ" ra các trình độ và "ép buộc" nhà sử dụng phải thừa nhận và dùng.

Lẽ ra phải đi từ thị trường lao động để phân loại các nghề nghiệp, từ đó ứng với mỗi nghề nghiệp đòi hỏi năng lực khác nhau và tùy theo tính phức tạp của năng lực đòi hỏi mà chia ra các trình độ. Giáo dục khi đó phải đáp ứng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi đề xuất trình độ cao đẳng nghề còn nhờ các chuyên gia thiết kế dự án về giáo dục nghề nghiệp của Đức xác định xem cao đẳng nghề là gì?

Có lẽ nhiều người đã hiểu đào tạo nghề sau trung học là cao đẳng nghề. Thực chất các quốc gia khác và cả ở Việt Nam có chương trình đào tạo kỹ năng cho người sau tốt nghiệp trung học phổ thông một thời gian ngắn (thường gọi là some college/no degree) mà chưa đạt đến một trình độ cao đẳng (associate degree). Để biết cao đẳng là gì rất cần so sánh chương trình đào tạo của cao đẳng nghề và cao đẳng ở các nước khác về mục tiêu, khung thời gian, cấu trúc chương trình, chuẩn đầu ra, đo lường đánh giá và đầu ra của người tốt nghiệp thì mới thấy rõ sự bất cập.

Nếu so sánh chương trình cao đẳng cộng đồng của Hoa Kỳ và chương trình cao đẳng nghề của chúng ta thì rõ ràng chúng ta đang thiếu phần kiến thức tổng quát mang tính nền tảng cho một trình độ. Có lẽ vì lý do đó mà chương trình gọi là chất lượng cao “nhập khẩu” của Úc, Đức về áp dụng ở Việt Nam, người tốt nghiệp không được cấp trình độ ở cấp 5 (advanced diploma - cao đẳng).

Tóm lại, trong khi nhu cầu trình độ nhân lực ở thị trường lao động chỉ có một loại trình độ như khung các trình độ quốc gia ở nhiều nước quy định, nhưng chúng ta có hai loại trình độ trong một cấp trình độ.

Việc hợp nhất cao đẳng nghề và cao đẳng (nên do một cơ quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý - tất nhiên phải có sự thay đổi tư duy đào tạo cao đẳng) có ít nhất 5 lợi ích sau:

Thứ nhất, khắc phục được yếu kém của mỗi trình độ cao đẳng. Một bên thì đào tạo quá hẹp, tập trung vào tay nghề (cao đẳng nghề), một bên quá tập trung vào lý luận do thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy thực hành.

Thứ hai, đảm bảo được tính chuẩn hóa của trình độ. Khi đó sẽ giúp dễ hiểu đối với người sử dụng lao động, dễ hội nhập quốc tế về giáo dục và trao đổi lao động theo hướng đổi mới giáo dục (chuẩn hóa, hiện đại hóa...). Sự việc loạn tên trường cao đẳng y, dược cũng như quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước nhất là ở địa phương là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - vốn không phải là những người có kinh nghiệm trong giáo dục - rất dễ xảy ra sự cố trong bối cảnh phân cấp quản lý.

Thứ ba, xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực và tập trung được nguồn lực để thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng hiệu quả (tiết kiệm được nguồn lực đất đai vốn đang thiếu thốn, nguồn lực tài chính và sức người không dàn trải ở cùng một địa bàn).

Thứ tư, điều chỉnh xu hướng của đa số thanh niên chỉ muốn theo học hệ cao đẳng (thực tế cho thấy cao đẳng nghề không cần thi tuyển nhưng rất khó tuyển sinh, trong khi cao đẳng đã có nhiều năm thi tuyển khá cạnh tranh - cho thấy xu hướng lựa chọn lệch của thanh niên hiện nay).

Thứ năm, thực hiện liên thông và phân luồng học sinh dễ dàng hơn, do tính chuẩn hóa của trình độ và chương trình đào tạo cũng như đầu mối thông tin về một chỗ thì có điều kiện điều tiết được cơ cấu trình độ cao đẳng, đại học cũng như những chính sách khác.

Xu hướng giáo dục sau trung học đang trở nên phổ biến khi tiến tới phổ cập giáo dục trung học phổ thông và nhu cầu nhân lực đòi hỏi ít nhất người lao động có trình độ trung cấp.

Giáo dục sau trung học cũng rất đa dạng từ việc đào tạo cấp chứng chỉ kỹ năng đến văn bằng cao đẳng (tạm gọi là phó cử nhân). Để có bằng cao đẳng, hầu hết các quốc gia chỉ đào tạo có 2 năm và nhấn mạnh tính thực hành ứng dụng của chương trình, gắn chặt chẽ với các chuẩn năng lực nghề. Cơ cấu nhân lực ở nhiều quốc gia phát triển là cơ cấu hình trống, tức là tỷ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ trung cấp sẽ chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 45% đến trên 50%, như của Hoa Kỳ chẳng hạn.

Mặc dù về hình thức, hiện nay trình độ cao đẳng tại Việt Nam đã thống nhất nhưng nếu tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt nam thì trình độ đào tạo này khó gọi là cao đẳng và những người từng quản lý và đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp trước đây hoàn toàn bối rối vì "nhiễu" hệ thống.

Có hiệu trưởng họp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nói: "Trường tôi cấp bằng công nhận kỹ sư thực hành cho hệ cao đẳng nghề vậy khi liên thông lên đại học thì gọi là kỹ sư gì?".

Ai có thể trả lời được?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT)