Có ngân hàng đề thi chung sẽ dẹp được tâm lý đi học thêm GV dạy để "trúng tủ"

16/02/2025 06:38
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc xây dựng ngân hàng đề thi chung sẽ giúp đảm bảo công bằng trong kiểm tra, hạn chế tình trạng học thêm “ôn tủ” đề và thúc đẩy học sinh chủ động học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định mới về việc dạy thêm, học thêm, nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục và hạn chế tiêu cực, dạy thêm, học thêm tràn lan.

Dù vậy, nhiều giáo viên cho rằng, để ngăn chặn dạy thêm học thêm tràn lan thì cần có thêm những giải pháp cụ thể, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong kiểm tra, đánh giá.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều công văn, chỉ đạo sát sao sau Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, vẫn cần một thời gian nữa để thấy được bức tranh toàn cảnh giáo dục và những kết quả đạt được sau sự thay đổi này.

Tôi cho rằng, những quy định mới quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm là hoàn toàn hợp lý. Bởi hoạt động này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi giáo viên tận dụng các buổi học thêm để cho học sinh ‘ôn tủ’ trước tiết kiểm tra. Để giải quyết triệt để tâm lý muốn học thêm ‘để được quan tâm’, các trường cần kiểm soát chặt nội dung ra đề. Như vậy sẽ tạo sự công bằng trong học tập”, nữ hiệu trưởng nhận định.

a4.jpg
Cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lục Nam. Ảnh: Website Trường

Cô Lan cho biết, cần hướng tới giải pháp xây dựng ngân hàng đề kiểm tra chung, do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Theo nữ hiệu trưởng, đây là giải pháp giúp đảm bảo công bằng trong kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, đồng thời hạn chế những tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm.

“Hiện nay, các tổ chuyên môn trong trường đều sử dụng đề chung. Quy trình làm đề là mỗi giáo viên soạn một đề riêng, sau đó tổ chuyên môn sẽ chọn lọc những nội dung hay nhất, tiêu biểu nhất để tạo thành đề chính thức. Đây cũng là phương pháp phổ biến ở nhiều trường.

Việc có một ngân hàng đề rộng, mang tính tổng quát cao sẽ giúp nâng cao chất lượng kiểm tra. Tuy nhiên, số lượng đề hiện tại vẫn chưa nhiều, nên việc tham khảo đề từ các nguồn khác nhau là điều tất yếu”, cô Lan chia sẻ.

Nữ hiệu trưởng cho hay, để tránh tình trạng học sinh ôn “tủ đề” khi tham gia học thêm, khi kiểm tra, nhà trường đã thay đổi đề liên tục. Ngay cả giáo viên cũng không được tiết lộ trước nội dung đề kiểm tra.

“Làm như vậy sẽ giúp đảm bảo tính khách quan của quá trình kiểm tra, đánh giá. Dù có phần phức tạp hơn, nhưng các giáo viên trong trường đều đồng tình và phối hợp để thực hiện.

Khi sử dụng ngân hàng đề hoặc đơn giản là đổi đề giữa các trường trong khu vực, học sinh sẽ có cơ hội làm ít nhất hai dạng đề khác nhau. Thứ nhất, các em được làm đề do chính thầy cô của mình biên soạn. Thứ hai, các em được tiếp cận với đề từ trường khác. Đây là cách giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài, nâng cao tư duy”, cô Lan chia sẻ thêm.

Nữ hiệu trưởng nhấn mạnh, nếu có một ngân hàng đề dùng chung, không chỉ giữa các tổ chuyên môn trong trường mà ở quy mô toàn ngành, việc kiểm tra sẽ khách quan hơn. Đặc biệt, điều này cũng giúp hạn chế tình trạng học sinh đi học thêm chỉ để ôn trúng đề do giáo viên của mình cho trước.

Ngoài ra, khi giáo viên sử dụng đề kiểm tra, đề thi từ ngân hàng chung, học sinh sẽ có ý thức học toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào các nội dung được thầy cô gợi ý. Nếu thực hiện nghiêm túc, ngân hàng đề thi không chỉ giúp đánh giá học sinh công bằng hơn mà còn thay đổi dần dần cách học của học sinh.

Cô Phương Lan cũng khẳng định, để đề thi có chất lượng, các tổ chuyên môn vẫn cần phải rà soát kỹ càng, tránh sai sót.

Đồng tình với ý kiến trên, thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Trước đây, nhiều phụ huynh có tâm lý muốn cho con đi học thêm để được giáo viên nâng đỡ khi lên lớp hoặc tiết lộ trước dạng bài kiểm tra. Dù đây chỉ là một trong những nguyên nhân nhỏ, nhưng vẫn góp phần thúc đẩy xu hướng học thêm tràn lan.

Chính vì vậy, việc xây dựng một ngân hàng đề thi chung để các trường rút về sử dụng sẽ giúp giáo viên giảm áp lực ra đề, đảm bảo tính công bằng trong kiểm tra, đồng thời tác động đến tâm lý của phụ huynh”.

img-02521-638.jpg
Thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý. Ảnh: Ngọc Mai

Đánh giá về giải pháp này, thầy Bình cho hay đây là vấn đề đã được bàn luận nhiều. Việc xây dựng ngân hàng đề nên được quản lý bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cục Quản lý chất lượng, với nguồn đề được đóng góp từ giáo viên các trường.

Sau khi tổng hợp và kiểm duyệt, đề sẽ được phân bổ về các Sở Giáo dục và Đào tạo để các trường sử dụng. Khi áp dụng hệ thống này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có thể tổ chức ra đề chung cho toàn bộ học sinh trong tỉnh, giúp đảm bảo sự công bằng giữa các trường, hạn chế tình trạng “học tủ” hay luyện đề trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Thầy Bình cho hay, tâm lý phụ huynh và học sinh hiện nay vẫn còn “nặng” vấn đề học để kiểm tra. Vì vậy, nhiều phụ huynh mong muốn gửi gắm con em để thầy, cô dạy thêm.

“Hiện nay, các bài kiểm tra thường xuyên vẫn do giáo viên trực tiếp thực hiện qua các hình thức như hỏi đáp, kiểm tra miệng. Nhưng với bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, nên có nguồn đề từ hệ thống đề thi chung từ cấp Sở.

Khi đó, học sinh sẽ có thái độ học chủ động, đồng thời xây dựng phương pháp học tổng quan. Về phía giáo viên, ngân hàng đề thi chung cũng sẽ trở thành nguồn tài liệu để rèn luyện phương pháp dạy học hiệu quả”, thầy Bình chia sẻ thêm.

Vị hiệu trưởng cũng nhận định, ngoài yếu tố kiểm tra đánh giá, muốn giải quyết triệt để tâm lý “thích” học thêm, cần có những giải pháp đồng bộ hơn để thay đổi tâm lý phụ huynh.

“Nhiều người cho con đi học thêm không chỉ vì muốn con đạt điểm cao, mà còn vì nhu cầu quản lý con em. Với các học sinh trung học phổ thông, việc học thêm có thể đến từ mong muốn nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Nhưng với học sinh nhỏ hơn, đôi khi học thêm lại là giải pháp giúp phụ huynh yên tâm hơn khi bận rộn công việc.

Do đó, bên cạnh việc cải tiến hệ thống kiểm tra, đánh giá, các trường cần phát triển các hoạt động bổ trợ như câu lạc bộ học thuật, thể thao, văn hóa để học sinh có thêm lựa chọn ngoài việc đi học thêm”, thầy Bình nhấn mạnh.

Tại Trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), từ lâu, nhà trường đã chủ động siết chặt công tác kiểm tra, đánh giá, tránh phát sinh các tình huống tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

Thầy Mai Quảng Đại - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu cho hay: “Là giáo viên, chúng tôi luôn mong muốn đem đến chất lượng tốt nhất cho học sinh. Trước tiên, công tác quản lý dạy thêm, học thêm được nhà trường chú trọng và tuân theo các văn bản, quy định của Nhà nước.

Để hoạt động giảng dạy và học tập trong trường được công bằng, minh bạch, nhà trường thực hiện theo chủ trương chung của toàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã triển khai các buổi tập huấn rất kỹ lưỡng về nội dung liên quan đến tạo bộ đề kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra thường xuyên”.

Theo thầy Đại, các phụ huynh có tâm lý muốn cho con học thêm, để được “học tủ” là không hiếm. Tuy nhiên, nhà trường luôn nỗ lực để đảm bảo sự công bằng cũng như chất lượng học tập trong trường.

Vị hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã xây dựng các bộ câu hỏi cho từng bộ môn, sau đó trao đổi cùng các trường khác nhằm tham khảo lẫn nhau. Chủ trương này được tỉnh Nam Định thực hiện rất tốt.

Theo thầy Đại, để hạn chế tình trạng học sinh ôn “tủ đề”, nhà trường đã triển khai hình thức ra đề chéo, tức giáo viên giảng dạy không trực tiếp ra đề kiểm tra cho học sinh của mình. Các kỳ kiểm tra cũng được tổ chức tập trung nhằm đảm bảo khách quan. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tham khảo, trao đổi đề thi với các trường trong khu vực, từ đó xây dựng ngân hàng đề chung để sử dụng.

"Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã có chủ trương yêu cầu các trường đóng góp đề thi để xây dựng ngân hàng đề dùng chung toàn tỉnh. Việc này giúp thống nhất nội dung kiểm tra, đánh giá và hạn chế tình trạng giáo viên tiết lộ trước dạng bài cho học sinh”, thầy Đại chia sẻ.

Ngoài ra, thầy Đại cũng cho rằng, nếu ngân hàng đề thi chung ở cấp độ rộng hơn được triển khai hiệu quả, sẽ góp phần thay đổi tâm lý của phụ huynh và học sinh. Hoạt động dạy thêm, học thêm cũng nhờ đó mà trở nên thiết thực, minh bạch hơn.

Ngọc Huyền