Sách ôn thi đánh giá năng lực, tư duy: Có thí sinh vừa mua đã vội rao bán lại

19/02/2025 06:45
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thí sinh hoang mang khi sách ôn thi đánh giá năng lực, tư duy bị bán lại ồ ạt, tài liệu online chứa sai sót, chưa kiểm chứng.

Thị trường sách, tài liệu ôn tập “mua đi, bán lại” nhộn nhịp

Nhiều thí sinh vừa mua sách ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chưa kịp “cầm nóng tay” đã vội rao bán lại. Trên các hội nhóm ôn thi, không khó để bắt gặp hàng loạt bài đăng chuyển nhượng sách với đủ lý do: mua nhầm, không hợp phương pháp học, hoặc đơn giản là “mua thừa”.

Một số thí sinh khi rao bán, sẵn sàng cam kết “sách mới 100%” và chịu bán lại với mức giá rẻ hơn đáng kể so với giá gốc.

Nam sinh L.H.H.A (Hà Nội) bày tỏ: “Em thấy nhiều bạn mua sách ôn thi xong chưa dùng đã vội bán lại, thậm chí có người còn gom cả chục cuốn nhưng rồi lại hoang mang không biết học theo cái nào. Vào các hội nhóm, em thấy không ít bài đăng bán lại sách còn nguyên, có khi chưa lật trang nào.

Điều này làm em băn khoăn, không biết sách có thực sự hữu ích không, hay chỉ là do tâm lý sốt sắng mua theo số đông nên các bạn mới bán lại như vậy. Nhiều lúc em cũng muốn mua thêm tài liệu, nhưng thấy tình trạng này lại sợ phí tiền mà không tận dụng hết”.

đánh giá năng lực (7).png
Nhiều sĩ tử "chốt" sách trong vội vàng rồi bán lại chóng vánh. Ảnh chụp màn hình

Tham gia hội nhóm có tên “Góc ôn thi Đánh giá tư duy - Đánh giá năng lực - THPTQG” trên mạng xã hội, chỉ trong vài ngày, số lượng bài đăng bán sách xuất hiện dày đặc, với nhiều nội dung lặp đi lặp lại như bán lại do mua nhầm, mua thừa, thí sinh đổi nguyện vọng, đổi hướng nên hết nhu cầu…

Nữ sinh Lam Anh (Nghệ An) cho biết: “Thấy mọi người mua sách hướng dẫn thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều, em cũng vội vàng đặt hàng. Sau đó vài ngày, em nghiên cứu lại định hướng và quyết định không tham gia thi đánh giá năng lực nữa, mà sẽ chuyển nguyện vọng sang ngành khác và dùng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tuy nhiên cùng lúc đó, sách giao về đến tay. Vì muốn ‘gỡ vốn’, em đăng bài lên các hội nhóm ôn thi của học sinh, hy vọng sẽ bán lại được. Cũng mất 3 - 4 ngày, mới có bạn liên hệ em để mua sách. Giá sách ban đầu là 170.000 đồng, em chịu lỗ để bán lại với giá 130.000 đồng”.

Số lượng bài đăng bán lại rất nhiều, nhưng số người hỏi mua lại ít ỏi. Dưới mỗi bài đăng bán sách, lại có những bình luận bày tỏ sự nghi ngờ về chất lượng của các đầu sách ôn thi đánh giá năng lực này.

Nam sinh Quang Linh (Lớp 12, Trường Trung học phổ thông Quan Hóa, Thanh Hóa) cho hay: “Em thấy nhiều bạn rao bán sách với lời nhấn mạnh rằng sách còn mới, hàng chính hãng. Điều đó khiến em băn khoăn, không biết bên trong những cuốn sách ấy có gì mà lại bị ‘sang tay’ nhiều đến vậy.

Khi tìm hiểu trong các bình luận trên hội nhóm, em thấy nhiều bạn nhận xét rằng nội dung trong sách phần lớn đã có trong hướng dẫn trên website của các trường đại học. Bên cạnh đó, các bộ đề ôn luyện cho kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực cũng có thể tìm thấy miễn phí qua các tài liệu online. Có lẽ đây chính là lý do khiến nhiều bạn quyết định bán lại sách với giá rẻ”.

Phạm Trường Giang (Sinh viên năm nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng bày tỏ: “Em từng tham gia kỳ thi đánh giá tư duy TSA của Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo kinh nghiệm bản thân, em nhận thấy các thí sinh hoàn toàn có thể tìm kiếm các tài liệu online, tuy nhiên phải tìm ở nguồn uy tín.

Nếu các bạn muốn hiểu rõ cấu trúc đề thi đánh giá tư duy, có thể tìm mua các đầu sách hỗ trợ. Lúc này, hãy tận dụng mọi thứ mà sách đem lại, nghiền ngẫm nó để khai thác được nhiều nhất có thể. Tốt nhất, để hạn chế tình trạng mua vội - bán nhanh, các sĩ tử nên tìm hiểu kỹ về đầu sách trước khi xuống tiền”.

Tài liệu ôn thi trôi nổi tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bên cạnh thị trường sách ôn thi sôi động, nhiều thí sinh còn tìm đến các hội nhóm kín trên mạng xã hội để chia sẻ tài liệu miễn phí. Không ít bộ đề thi thử, tài liệu tổng ôn, thậm chí cả nội dung từ một số cuốn sách luyện thi cũng được chia sẻ công khai trong các nhóm này.

Để lấy được tài liệu từ các hội nhóm này, các thí sinh phải đăng ký qua gmail chính thức, đồng thời xin cấp quyền xem từ quản trị viên. Không ít sĩ tử đã thành công săn tài liệu miễn phí về ôn tập.

Nam sinh Nguyên Vũ (Hà Nội) bày tỏ: “Em thấy thấy các tài liệu ôn thi miễn phí được chia sẻ trong các nhóm học tập rất hữu ích, giúp học sinh có thêm nguồn luyện đề mà không tốn chi phí. Nhiều bộ đề được tổng hợp khá đầy đủ, bám sát cấu trúc kỳ thi, thậm chí có cả hướng dẫn giải chi tiết. Tuy nhiên, em nghĩ mọi người cũng cần chọn lọc trước khi sử dụng”.

Ôn tập bằng bản pdf online trên một website cung cấp tài liệu miễn phí, mới đây, một thí sinh đã “tá hỏa” khi phát hiện tài liệu có sai sót nghiêm trọng, đặc biệt trong môn Lịch sử.

Thí sinh này đăng tải dòng trạng thái hoang mang, kèm theo ảnh chứng minh trong hội nhóm.

Phóng viên cũng đã thử tìm kiếm các tài liệu ôn thi miễn phí trên mạng và phát hiện lỗi sai này. Cụ thể, trong một bản tài liệu pdf được chia sẻ rộng rãi, nội dung phần Lịch sử có sự sai sót. Đáng nói, tài liệu này không có tên, nguồn gốc cụ thể. Điều này khiến nhiều thí sinh dễ bị học sai kiến thức, dẫn đến kết quả thi có thể bị ảnh hưởng.

N.M.C (nữ sinh lớp 12 tại Hà Nội) chia sẻ: “Thí sinh tìm càng nhiều tài liệu được đăng tải trên mạng sẽ càng hoang mang, lo lắng. Nhất là khi tài liệu bị sai, sẽ gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình ôn tập. Em nghĩ khi tìm tài liệu ôn thi trên mạng, mọi người nên cẩn thận, đặc biệt với những file scan hay tài liệu chia sẻ miễn phí.

Nếu chỉ học theo mà không kiểm tra lại, rất dễ mắc sai sót trong bài thi. Tốt nhất, với các kiến thức nền, các sĩ tử nên học trong sách giáo khoa. Chỉ nên tham khảo các tài liệu trên mạng như đề thi thử, đề minh hoạ để luyện đề, nhằm nhớ kiến thức lâu hơn”.

Càng đến gần kỳ thi, các thí sinh lại càng tìm kiếm nhiều tài liệu khác nhau. Tâm lý muốn ôn luyện đúng trọng tâm, không bỏ sót kiến thức quan trọng khiến nhiều sĩ tử sẵn sàng chi tiền để sở hữu những bộ tài liệu được quảng cáo là “sát" đề thi thật.

Những ngày qua, trong các hội nhóm ôn thi đánh giá năng lực, thông tin về một bài đăng khiến nhiều thí sinh hoang mang. Cụ thể, chủ tài khoản tiết lộ thông tin về đề thi thử “nội bộ” của Đại học Quốc gia và so sánh độ khó với bộ đề của một trung tâm luyện thi.

Từ đó, cá nhân này khẳng định, đang làm 100 câu “học tủ” để tặng cho học viên nào bình luận dưới bài viết.

đgnl.jpg
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng cảnh báo thí sinh về các thông tin sai lệch. Ảnh chụp màn hình

Ngay sau đó, fanpage của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng đăng tải thông tin đính chính: “Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh không ban hành các tài liệu ôn tập dưới mọi hình thức, không tổ chức luyện đề thi, không cung cấp đề thi thử cho bất kỳ cá nhân nào.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đưa ra cấu trúc đề thi, mô tả đề thi và 1 đề thi minh hoạ để thầy/cô, học sinh biết được dạng đề thi đánh giá lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Mọi hành vi mạo danh, sử dụng hình ảnh, logo kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo để quảng bá luyện thi là phạm pháp”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Ngoài các đầu sách của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều đơn vị khác cũng tiến hành biên soạn và phát hành sách ôn thi đánh giá năng lực. Thí sinh có thể tìm mua các tài liệu có nguồn gốc, rõ tên nhà xuất bản để ôn tập. Bởi trong sách, tất cả thông tin về kỳ thi sẽ được tổng hợp thay vì đăng tải lẻ tẻ trên website, giúp sĩ tử dễ dàng theo dõi và học tập.

Tuy nhiên, trên không gian mạng cũng tồn tại rất nhiều tài liệu dưới dạng pdf. Tôi cho rằng, thí sinh tuyệt đối không nên sử dụng các tài liệu trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ. Kể cả những đơn vị luyện thi, nếu muốn phát hành sách hướng dẫn, sách ôn thi cũng cần tuân theo quy trình kiểm định mà nhà nước đã quy định".

Ngọc Huyền