Có phải cán bộ không bố trí được vào đâu nữa thì đưa về Hội đồng nhân dân?

25/04/2016 13:25
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt ra câu hỏi này tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (25/4).

Cụ thể khi thảo luận về về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có một thực trạng là cứ cán bộ yếu, hoặc cán bộ không bố trí được vào đâu thì đưa về Hội đồng nhân dân.

“Có phải cán bộ không bố trí được vào đâu nữa thì đưa về Hội đồng nhân dân không? Kỳ tới chúng ta phải chuẩn bị người có năng lực thì mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Chúng tôi trưởng thành từ địa phương nên biết thực trạng của Hội đồng nhân dân”, bà Ngân nói.

Trước thực trạng ấy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải chuẩn bị người có năng lực thì mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu hội đồng nhân dân. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu hội đồng nhân dân. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.

Đối với vấn đề chính sách bảo đảm hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân, theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết có 2 vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Thứ nhất, về mức hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân                  các cấp (Quỹ hoạt động phí được tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng, khi điều chỉnh tăng mức lương cơ sở thì Quỹ hoạt động phí tăng tương ứng).

Phương án 1: Giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí theo phương án 2 là 1.461,4 tỷ đồng/năm.

Thực hiện phương án này bảo đảm được tương quan với mức phụ cấp trách nhiệm cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương và mức phụ cấp trách nhiệm công việc cao nhất quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ nhưng sau hơn 10 năm thực hiện nhiều địa phương đề nghị tăng thêm để góp phần động viên, khuyến khích các đại biểu khi mức lương cơ sở còn thấp.

Phương án 2: Tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, cụ thể: 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí chi cho đại biểu Hội đồng nhân dân theo phương án 1 là 1.932,6 tỉ đồng/năm.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, thực hiện phương án này thì mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân tăng lên sẽ động viên, khuyến khích đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 

Tuy nhiên, ngân sách nhà nước phải bố trí tăng thêm khoảng 471,2 tỷ đồng/năm và mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ phát sinh bất hợp lý (cao hơn) với mức phụ cấp trách nhiệm của cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương.

Trước các thông tin này, Chủ tịch Quốc hội nhận định, bây giờ tăng ngân sách là trái nguyên tắc, nên chỉ có thể cho phép Chính phủ quy định mức phí để phù hợp với chính quyền đô thị. Tùy vào ngân sách cụ thể, Chính phủ có thể có quyền phụ cấp thêm cho các cơ sở.

Ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giữ nguyên các quy định hiện hành như phương án 1, và sẽ có điều chỉnh phù hợp với những phát sinh thực tế. 

Ngọc Quang