Bộ Giáo dục và Đào tạo ban đã hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng trong quá trình triển khai gặp nhiều rắc rối, phức tạp.
Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục hướng dẫn chuyển xếp hạng chung chung, giao trách nhiệm cho mỗi địa phương thực hiện phương án, bổ nhiệm, xếp lương giáo viên theo các chùm Thông tư trên đã dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, trăm hoa đua nở, bất công giữa địa phương này và địa phương khác,...
Tiếp theo là những lần hướng dẫn theo kiểu các địa phương, cá nhân hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trả lời, nhưng cũng không chi tiết, không mang tính pháp lý để có thể cho các địa phương khác có thể áp dụng.
Giáo giới cả nước đặc biệt quan tâm đến hướng dẫn tại công văn 1077, 1099 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc (không được đăng tải trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo), nội dung trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời cho ông Nguyễn Tuấn Minh (Hà Giang) đang giữ chức vụ phó hiệu trưởng được đăng tải ngày 02/11 trên Báo điện tử Chính phủ, chuyên mục Trả lời công dân. [1]
Phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục càng khiến nhà giáo chúng tôi thấy rối hơn, các địa phương khó thực hiện hơn khi các hướng dẫn trên chỉ là trả lời câu hỏi của 1 công dân, 1 địa phương cụ thể trong khi nhiều thầy cô, nhiều địa phương đang vướng mắc nhưng không được hướng dẫn thống nhất trên cả nước.
Hơn nữa, nội dung hướng dẫn, trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo với ông Nguyễn Tuấn Minh, Công văn 1077 và 1099 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lại không rõ ràng, nhiều chi tiết trái với chùm thông tư nêu trên cũng như trái với chính các hướng dẫn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trước đó.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Cơ quan nào có thẩm quyền quy đổi nhiệm vụ cho giáo viên hạng II mới?
Phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo với ông Nguyễn Tuấn Minh [1] và các công văn 1077, 1099 có nội dung về phần nhiệm vụ được hướng dẫn:
“Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ; nếu không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường tiểu học công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan.”
Nội dung trả lời trên không đúng với hướng dẫn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tại công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD và ngay tại Thông tư 02/2021 được tác giả Bùi Nam phân tích trong bài viết “Bổ nhiệm hạng II, tôi thấy trả lời của Bộ và Cục Nhà giáo không đúng Thông tư” [2].
Tôi là một nhà giáo công tác hơn 20 năm, giữ nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn 15 năm, tôi chưa từng thấy có quy định việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, chức danh nào nhưng lại không căn cứ vào nhiệm vụ đang giữ và nếu được không phân công nhiệm vụ thì sẽ được quy đổi nhiệm vụ khác tương đương.
Vấn đề đặt ra ở đây là, việc quy định "hiệu trưởng báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan", như vậy cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào? Các cơ quan này sẽ dựa vào văn bản, quy định nào để "quy đổi"?
Từ thực tế giảng dạy, quan sát và thực hiện các công việc thường xuyên của nhà giáo, cá nhân người viết nhận thấy hướng dẫn như vậy là bất khả thi, xưa nay chưa có cơ quan nào hướng dẫn nhiệm vụ nào được quy đổi sang các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II như:
Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;
Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;
Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;
Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có). (Trích nhiệm vụ giáo viên hạng II – Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT).
Người viết cũng đã tìm hiểu các quy định mà không thấy, hỏi các vị cán bộ quản lý giáo dục nơi mình công tác về "quy đổi nhiệm vụ" và các văn bản căn cứ, không ai trả lời được.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan cao nhất về chuyên môn cũng chưa có hướng dẫn nào về quy đổi nhiệm vụ trên.
Ngay như việc quy đổi tiết dạy trực tuyến sang tiết dạy trực tiếp để tính thừa giờ cho giáo viên trong suốt 2 năm diễn ra dịch Covid-19 mà đến thời điểm này, Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương, các nhà trường không có cơ sở quy đổi cho giáo viên, mỗi nơi làm một kiểu và nhiều thầy cô rất thiệt thòi.
Ở nhiều nơi, 2 lớp nhập làm 1 lớp, giáo viên dạy rất vất vả, chấm bài mỗi lớp cả trăm học sinh nhưng chỉ qui đổi 1 tiết trực tuyến bằng có 1 tiết trực tiếp là không phù hợp.
Gần như 100% giáo viên hạng II cũ sẽ sang hạng II mới?
Có thể nói trong các tiêu chuẩn của giáo viên hạng II thì tiêu chuẩn về nhiệm vụ là tiêu chuẩn khó đạt nhất.
Các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định rõ ràng nhiệm vụ giáo viên hạng II ở các cấp học, bậc học cũng như nguyên tắc bổ nhiệm, nhưng lại có trả lời, hướng dẫn 1 cá nhân giáo viên và 1 sở giáo dục trái với quy định tại chính những thông tư này là một việc vô cùng khó hiểu.
Không thể có việc bổ nhiệm giáo viên hạng II mới không căn cứ nhiệm vụ đang đảm nhận, sau khi bổ nhiệm xong hạng mới rồi mới phân công, cũng giống như việc bổ nhiệm một giáo viên chưa đủ chuẩn làm hiệu trưởng sau đó mới cho đi học lớp cán bộ quản lý, học trung cấp chính trị, học đại học,… việc này quá vô lý.
Hơn nữa, nếu chuyển xếp hạng theo như hướng dẫn của Cục Nhà giáo cho Sở Giáo dục Vĩnh Phúc tại công văn 1077 và 1099 thì điều này sẽ dẫn đến bất công với nhiều giáo viên giỏi, công tác tốt đang giữ hạng III đã có trình độ đại học nhiều năm chưa được chuyển hạng, không công bằng với nhiều giáo viên vì từ hạng II cũ sang hạng II mới của bậc trung học cơ sở, tiểu học vì có việc giáo viên có hệ số lương từ 2,67 đến 3,99 đều qua bậc 1 của hạng II mới có hệ số lương 4,0.
Việc chuyển xếp lương giáo viên cả nước đang rất cần một hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho từng cấp học, bậc học để các địa phương có thể triển khai thực hiện tránh việc bổ nhiệm xếp lương mỗi nơi một kiểu là rất vô lý, không công bằng giữa giáo viên cả nước.
Nếu Thông tư mới có nhiều điều chưa hợp lý, bất công mà Bộ Giáo dục và Đào tạo khó hướng dẫn thống nhất và thực hiện chung cả nước thì xin ban hành văn bản tạm dừng việc bổ nhiệm, xếp lương mới để điều chỉnh những điểm chưa hợp lý để khi xếp lương phải đảm bảo khoa học, công bằng và thống nhất cả nước.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/tieu-chuan-bo-nhiem-giao-vien-tieu-hoc-hang-ii/451660.vgp
[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-nhiem-hang-ii-toi-thay-tra-loi-cua-bo-va-cuc-nha-giao-khong-dung-thong-tu-post222132.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.