Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn 1099/NGCBQLGD-CSNGCB có tiêu đề triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Việc này tiếp tục gây thắc mắc, băn khoăn khi Cục Nhà giáo chỉ hướng dẫn riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc, tức công văn chỉ có giá trị cho giáo viên đang công tác tại Vĩnh Phúc?
Các địa phương khác rất khó áp dụng công văn này khi Cục Nhà giáo không công khai, cũng không gửi cho các sở giáo dục còn lại.
Bên cạnh đó, theo người viết hiểu thì hướng dẫn của Cục Nhà giáo lại có “sạn” khi cả trong công văn công văn 1077, 1099 này ở mục 4 có đoạn: “Theo đó, giáo viên trung học cơ sở hạng III mã số V.07.04.12 được bổ nhiệm vào giáo viên trung học cơ sở hạng II…”.
Thông tin này gây hiểu nhầm giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ có thể được huyển sang hạng II mới.
Rồi việc chuyển xuống hạng, xuống hệ số lương của giáo viên mầm non từ hạng II có hệ số lương 2,34 - 4,98 xuống hạng III (hệ số lương 2,1-4,89) thì dựa vào quy định nào?
Bên cạnh đó, hàng loạt bất cập về việc có hay không chuyển xếp lương hệ số lương hạng II cũ từ 2,67 – 3,99 cùng qua hệ số lương hạng II mới 4,0 (bậc 1), rồi quy định việc giữ hạng III mới phải từ 9 năm cho những giáo viên có trình độ thạc sĩ, cử nhân cách đây khoảng 10 năm; quy định việc xuống hạng;… là những câu hỏi đến giờ này chưa được giải đáp cụ thể. Cục Nhà giáo vẫn im lặng đến khó hiểu.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Chuyển xếp lương cả nước không thể để mỗi nơi một kiểu
Chùm Thông tư xếp lương mới ảnh hưởng đến 100% giáo viên cả nước mà đến giờ này về hướng dẫn xếp hạng chung chỉ duy nhất chỉ có công văn số: 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ngày 12/3/2021 rất chung chung.
Còn lại là những lần các địa phương hỏi, Cục Nhà giáo giải đáp giống như công văn 1077, 1099 vừa qua.
Ngay tại công văn 971 Cục Nhà giáo yêu cầu “Các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021” giống như là việc giao các địa phương tự lên phương án, bổ nhiệm xếp lương mà không phải là hướng dẫn triển khai việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mới.
Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 phải được Cục Nhà giáo tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hoặc văn bản hướng dẫn xếp lương chung, thống nhất trong cả nước thì Cục Nhà giáo lại “đá” trách nhiệm giao các Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương thực hiện phương án.
Chính việc bất nhất này đã dẫn đến việc các địa phương đến nay chưa thể thực hiện được việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư trên, mỗi địa phương hiểu theo cách khác nhau thì áp dụng khác nhau mỗi nơi mỗi kiểu, trăm hoa đua nở,…
Do đó mới dẫn đến việc địa phương nào có thắc mắc thì gửi văn bản về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Cục Nhà giáo trả lời cho địa phương đó.
Ban hành chùm Thông tư mới liên quan đến hàng triệu giáo viên, có hiệu lực từ 20/3 đến nay nhưng giáo viên chưa được chuyển lương mới, việc xếp lương giao các địa phương tự xây dựng phương án, tự quyết thời điểm bổ nhiệm, chuyển xếp lương,… là việc làm chưa từng có tiền lệ.
Liên quan chính sách lương nên các địa phương không dám tự ý quyết định việc chuyển xếp lương?
Trong bài viết “Chuyển hạng giáo viên cả nước băn khoăn, sao Cục Nhà giáo mách riêng Vĩnh Phúc?” của tác giả Bùi Nam đã có nêu câu hỏi khá hay là “Tuy nhiên việc các địa phương tự thực hiện thì sau này khi thanh tra, kiểm tra các địa phương bổ nhiệm, xếp lương không đúng thì bị xử lý kỷ luật, nếu số tiền chi sai quá lớn thì có thể phải thu hồi, khởi tố,… rất nguy hiểm.”
Thực tế là chùm Thông tư đã có hiệu lực ngày 20/3 đến nay là hơn 7 tháng đáng lý giáo viên cả nước được chuyển và hưởng lương mới từ rất lâu nhưng việc chuyển xếp lương mới vẫn chưa nhận được một hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên các địa phương cũng không dám tự ban hành quyết định chuyển xếp lương khi nó có quá nhiều bất cập và không thống nhất cả nước.
Bên cạnh đó quan trọng nhất là chùm Thông tư liên quan đến tài chính thì việc ban hành quyết định không đúng sẽ có thể ảnh hưởng quyền lợi giáo viên, gây bất mãn cho giáo viên cũng có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Trong thực tế đã có nhiều trường hợp chi chế độ chính sách sai đã bị xử lý trong thời gian qua.
Nếu người ban hành quyết định (chủ tịch huyện/ tỉnh) sai, không thống nhất giữa các địa phương gây ảnh hưởng quyền lợi giáo viên thì giáo viên có thể khởi kiện đòi quyền lợi còn nếu người ban hành quyết định sai gây thiệt hại cho nhà nước thì bị thu hồi, kỷ luật, xử lý theo quy định của pháp luật.
Do vậy, không dễ để các địa phương ban hành quyết định chuyển xếp lương nhà giáo cả nước khi mà có hàng chục, hàng trăm bài viết phản ánh về bất cập, bất hợp lý của chùm Thông tư trên, khi mà mỗi người, mỗi nơi hiểu một kiểu khác nhau.
Do đó, việc các địa phương cả nước chưa ban hành quyết định chuyển xếp lương mới cũng có lý của họ đa số đều chờ các địa phương khác thực hiện và chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mới có việc quá chậm trễ trong việc chuyển xếp lương giáo viên cả nước gây nhiều bức xúc.
Thực tế thì công văn 1099 của Cục Nhà giáo được nhiều diễn đàn mạng xã hội chia sẻ nội dung “…khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình” khiến nhiều giáo viên cả nước khấp khởi mừng thầm vì mình sẽ được chuyển sang hạng I, II mới mà không cần điều kiện, tiêu chuẩn, nhiệm vụ,… nhưng thực tế không phải vậy do còn nhiều tiêu chuẩn và quy định chưa được cụ thể hóa trong chùm Thông tư trên và công văn 1099 này chỉ gửi cho tỉnh Vĩnh Phúc không phải là công văn hướng dẫn triển khai và xếp lương chung cho cả nước.
Bên cạnh đó, người viết cũng như các địa phương, giáo viên cả nước mong chờ một hướng dẫn chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký để các địa phương áp dụng nếu tình hình này đến hết năm 2021 và qua năm 2022 giáo viên cũng chưa thể hưởng lương theo chùm Thông tư mới.
Hoặc nếu các địa phương thực hiện chuyển xếp lương xong có sai sót, thưa kiện, thu hồi quyết định,… vô cùng phức tạp về pháp lý nếu không có văn bản thống nhất cả nước.
Khi đó, sai sót về lương, tài chính với số tiền rất lớn ai sẽ chịu trách nhiệm, các lãnh đạo địa phương không thể gánh trách nhiệm quá lớn này khi chùm Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhiều bất cập.
Do đó, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn, tập huấn chuyển xếp lương chung cho các địa phương và thực hiện việc chuyển xếp lương thống nhất cả nước đảm bảo quyền lợi giáo viên đừng để mỗi nơi, mỗi kiểu như hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.