Thời gian qua, một số phụ huynh đã chia sẻ đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam những trải nghiệm mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu qua các sàn thương mại điện tử.
Những câu chuyện này không chỉ phản ánh thực trạng đáng lo ngại, mà còn cảnh báo về những rủi ro khi lựa chọn sách không rõ nguồn gốc.
Mua nhầm sách giáo khoa giả vì đặt qua sàn thương mại điện tử
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường chưa gặp phải tình trạng mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu, hay nhận được phản hồi tiêu cực về vấn đề này.
Từ đầu năm học, nhà trường đã gửi thông tin về các đầu sách được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt để phụ huynh nắm rõ. Phụ huynh dựa vào danh sách này để mua sách giáo khoa cho các con, giúp đảm bảo chất lượng sách học tập. Nhờ vậy, hầu hết học sinh của trường đều sử dụng sách giáo khoa từ nguồn chính thống, không gặp phải vấn đề về sách giả hay sách lậu.
Việc chủ động thông báo, cung cấp thông tin đầy đủ cho phụ huynh đã giúp nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc lựa chọn sách chất lượng. Nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh không mua sách từ các nguồn không rõ ràng, đặc biệt, trên các sàn thương mại điện tử, nơi sách giả dễ dàng bị phát tán”.
Ghi nhận từ thực tế, học sinh là đối tượng chịu thiệt thòi nhất từ vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu.
Chị Nguyễn Thu Bảo Linh - phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Nguyễn Phúc (tỉnh Yên Bái) trăn trở khi mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu cho con: “Từ đầu năm học, Trường Tiểu học Nguyễn Phúc đã có kế hoạch tuyên truyền mua sách giáo khoa đến học sinh và phụ huynh một cách rõ ràng, cụ thể.
Tuy nhiên, khi con gái tôi học được nửa học kỳ I, con thông báo đã làm mất sách giáo khoa môn Âm nhạc lớp 5. Vì bận rộn công việc, tôi không thể đến hiệu sách. Mặt khác, tôi thấy sách trên các sàn thương mại điện tử có giá rẻ hơn, chỉ 10.000 đồng (giá bìa 16.000 đồng - phóng viên), đặc biệt, vào ngày hội giảm giá, lại được miễn phí tiền vận chuyển. Vì vậy, tôi quyết định đặt mua luôn cho tiện”.
Tuy nhiên, khi nhận sách, chị Bảo Linh đã bắt đầu nghi ngờ về chất lượng. Chị Linh nhớ lại: Hộp đựng sách bị móp méo, có hơi ẩm, sách không có mùi thơm của giấy mới, có mùi lạ, hơi hôi. Bìa sách mỏng, không bóng, có nhiều đoạn chữ bị in mờ. Khi mở sách ra, phần keo dán bị bong, không giống sách giáo khoa mua trực tiếp từ nhà trường.
Lúc đó, tôi nghĩ, có thể do vận chuyển gặp chút vấn đề hoặc do trời mưa gió, nên không quá để tâm, nghĩ rằng hình thức không quan trọng, miễn sao nội dung vẫn đúng.
Nhưng vài ngày sau, khi con gái tôi kể lại, tôi mới biết, sách bị sai lệch nghiêm trọng về dòng kẻ khuông nhạc và nốt nhạc. Sách của con không giống sách của các bạn ở lớp, thậm chí, con hát theo sách bị sai, không đúng nốt nhạc... Lúc ấy, tôi mới nhận ra mình đã mua nhầm sách giả”.
Câu chuyện của chị Linh chỉ là một trong số những trường hợp phụ huynh gặp phải khi mua sách giáo khoa qua các sàn thương mại điện tử, nơi sách giáo khoa giả, sách in lậu dễ dàng len lỏi, trà trộn, được rao bán với giá thậm chí rẻ hơn giá bìa sách thật.
Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh.
Sự phối hợp giữa nhà trường - phụ huynh là chìa khóa để ngăn chặn sách giáo khoa giả
Cùng bàn về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Mậu Lâm 2 (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Tại nhà trường, hiện chưa xuất hiện tình trạng học sinh, phụ huynh mua nhầm các loại sách giáo khoa không đảm bảo chất lượng. Nhà trường luôn đặt sách từ các đơn vị xuất bản uy tín, phụ huynh cũng rất đồng tình khi đăng ký mua tập trung tại trường. Điều này giúp phụ huynh, học sinh tránh được tình trạng mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu”.
Bên cạnh đó, nữ giáo viên cũng nhận định về rủi ro nếu phụ huynh mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu trên các sàn thương mại điện tử: “Nếu chẳng may, phụ huynh học sinh mua phải sách giáo khoa giả, có thể sẽ gặp phải sách có chất lượng hình ảnh kém, nội dung bài tập có nguy cơ bị sai lệch so với sách giáo khoa thật, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh”.
Để vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu sớm được giải quyết, cô Thủy cho rằng: “Về giải pháp lâu dài, các nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, thông báo, tổ chức các buổi họp phụ huynh, cung cấp thông tin chi tiết về các nhà xuất bản chính thống và quy trình đặt mua sách; đồng thời, khuyến nghị phụ huynh không nên mua sách từ các nguồn không rõ ràng.
Đây là cách tốt nhất để hỗ trợ phụ huynh và ngăn chặn tình trạng sách giả xâm nhập vào môi trường giáo dục. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng sách, mà còn xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng phụ huynh”.
Cùng bàn thêm về giải pháp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhà trường nên tổ chức các buổi họp phụ huynh định kỳ để cung cấp thông tin về các nhà xuất bản uy tín và khuyến nghị phụ huynh không mua sách từ các nguồn không rõ ràng.
Thứ hai, nên đăng ký mua sách tập trung thông qua nhà trường hoặc các công ty phát hành sách được phê duyệt là cách hiệu quả để đảm bảo chất lượng.
Thứ ba, phụ huynh cần kiểm tra kỹ thông tin, nguồn gốc về nhà xuất bản và tem chống hàng giả trước khi mua sách, đặc biệt khi mua trên các sàn thương mại điện tử.
Thứ tư, phát động phong trào sử dụng sách chính hãng, nhà trường và các tổ chức địa phương có thể phối hợp tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của sách giả, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng”.
Cũng theo nữ Hiệu trưởng, việc phối hợp giữa nhà trường - phụ huynh là chìa khóa quan trọng để ngăn chặn sách giáo khoa giả. Việc đảm bảo học sinh sử dụng sách giáo khoa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả học tập, mà còn tạo nên môi trường giáo dục minh bạch, lành mạnh.