Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới so với chương trình giáo dục phổ thông 2006, trong đó phải nhắc đến việc tích hợp môn Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Điều này cũng đặt ra không ít thách thức với đội ngũ biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lí.
Quy trình 8 bước biên soạn, đảm bảo chất lượng sách giáo khoa
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lí sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, quá trình biên soạn sách giáo khoa được trải qua 8 bước gồm:
- Nghiên cứu chương trình giáo dục quốc gia, xây dựng mô hình cấu trúc sách giáo khoa
- Biên soạn bài mẫu và dạy thử nghiệm
- Biên soạn, biên tập, thiết kế, chế bản và minh hoạ, hình thành bản thảo gốc
- Lấy ý kiến góp ý
- Thẩm định quốc gia và hoàn thiện bản mẫu sau thẩm định quốc gia
- Hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa giao in
- Tổ chức in và phát hành
- Lưu giữ hồ sơ xuất bản phẩm
Thầy Hùng khẳng định, quy trình nghiêm ngặt này là cần thiết cho việc xuất bản 1 bộ sách giáo khoa, hướng đến việc đảm bảo chất lượng.
Đề cập đến tính mới của cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng cho hay, đó là việc chuyển từ cách tiếp cận nhằm phát triển kiến thức và kỹ năng cho học sinh sang cách tiếp cận hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất.
Thực hiện đúng tinh thần của cả bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhóm tác giả đã biên soạn cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí với hướng tiếp cận giúp người học giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, nội dung cuốn sách cũng được cập nhật thêm nhiều kiến thức đương đại.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng, bước Biên soạn, biên tập, thiết kế, chế bản và minh hoạ, hình thành bản thảo gốc là công đoạn khó khăn nhất, tốn nhiều thời gian và công sức của đội ngũ biên soạn.
Thầy Hùng cho biết: “Vấn đề biên soạn nội dung không khó, nhưng trở ngại ở điểm cần phổ thông hoá kiến thức. Tôi và các cộng sự kỳ vọng sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý sẽ giúp học sinh có thể tự học, chủ động khai thác nội dung. Nhóm tác giả đã làm việc ngày đêm, thường xuyên họp nhóm, dành nhiều thời gian và toàn bộ tâm huyết cho cuốn sách để tìm thấy phương thức triển khai phù hợp. Tập thể tác giả cố gắng biên soạn ngắn gọn, cô đọng, không gây quá tải cho học sinh. Cuối cùng, sau 2 năm “đứa con tinh thần” của chúng tôi đã được hoàn thành”.
Phát triển năng lực đặc thù thông qua hệ thống câu hỏi luyện tập
Bên cạnh việc cần triển khai nội dung kiến thức theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, 1 khó khăn khác mà đội ngũ biên soạn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí phải vượt qua là việc đưa ra các câu hỏi sau mỗi đơn vị kiến thức.
Những câu hỏi này nhằm giúp học sinh đảm bảo các yêu cầu cần đạt và phát triển năng lực đặc thù của môn học. Đó là nhận thức khoa học địa lí, nhận thức và tư duy lịch sử. Học sinh cần có khả năng tìm hiểu lịch sử - địa lý thông qua hệ thống các biểu đồ, bản đồ, atlat địa lí, lát cắt địa hình, trục thời gian…
Thầy Hùng nêu: "Chúng tôi thiết kế câu hỏi luyện tập theo hướng tích hợp, liên môn. Ví dụ, học sinh có thể vận dụng kiến thức toán học thông qua mô tả thống kê với hệ thống bảng số liệu, vẽ biểu đồ. Từ đó, các em phát triển năng lực tìm hiểu địa lí và nhận thức khoa học địa lí.
Ngoài ra, câu hỏi vận dụng luôn gắn với đặc trưng địa phương, gần gũi với bản thân học sinh nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức kỹ năng đã học, giúp các em kết nối tri thức với cuộc sống xung quanh. Đồng thời, thông qua các câu hỏi này học sinh cũng phát triển được các năng lực chung như làm việc nhóm, thuyết trình...".
Đặc biệt, việc phát triển năng lực đặc thù của môn học cần có sự liên kết giữa các cấp học. Vừa là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lí, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí cho cấp tiểu học, trung học cơ sở vừa là tác giả sách giáo khoa Địa lí cho cấp trung học phổ thông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng hiểu hơn ai hết yêu cầu này.
Thầy Hùng chia sẻ: "Với nội dung Địa lí ở cấp tiểu học, chúng ta cần phát triển năng lực đặc thù cho học sinh ở khía cạnh nhận diện, nhận thức ban đầu với phương pháp dạy học đơn giản.
Bước sang cấp trung học cơ sở, học sinh được học tập ở mức độ cao hơn, yêu cầu mức hiểu, biết, sử dụng được biểu đồ, bản đồ, atlat địa lí, trục thời gian, bắt đầu tìm hiểu thông qua internet, các tình huống thực tế.
Với cấp trung học phổ thông, học sinh cần hiểu sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và các yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa trong bối cảnh toàn cầu, sử dụng thành thạo biểu đồ, bản đồ, atlat địa lí, có khả năng vận dụng, kết nối tri thức với cuộc sống cao hơn các cấp học dưới".
Nói thêm về các bước khác trong quá trình biên soạn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Hùng cho biết, thầy đã trực tiếp tới dự giờ một số lớp thực nghiệm sách để điều chỉnh nội dung sách giáo khoa cho phù hợp với tâm lý học sinh.
Ngoài ra, vị Tổng Chủ biên cũng nhấn mạnh: “Việc cập nhật kiến thức trong sách giáo khoa là điều đặc biệt cần thiết. Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống có những nội dung được bổ sung, làm mới trên Hành trang số. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, có thể sử dụng các tư liệu trên để giảng dạy cho học sinh, phù hợp với những thay đổi của thực tiễn".