Công an Hưng Yên xin lỗi và bồi thường 2 nhà báo bị đánh ở Văn Giang

24/04/2013 14:05
XT (tổng hợp)
(GDVN) - Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Trọng Thành - phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên - cùng sự tham gia của ông Đỗ Ngọc Cự - phó trưởng Công an huyện Văn Giang, hai nhà báo đã nhận được lời xin lỗi trực tiếp của thượng úy Đặng Quang Hoàng, Công an huyện Văn Giang (người được xác định là một trong những cán bộ của đoàn cưỡng chế đã đánh phóng viên VOV).
Gần một năm sau vụ việc hai nhà báo VOV là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị Công an Hưng Yên đánh trong buổi cưỡng chế đất tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), CA Hưng Yên đã có lời xin lỗi đối với hai nhà báo.

Người dân Xuân Quan, Văn Giang trở lại trồng cây ngắn ngày trên đất đã bị cưỡng chế - Ảnh: Minh Quang - Giáo dục Việt Nam
Người dân Xuân Quan, Văn Giang trở lại trồng cây ngắn ngày trên đất đã bị cưỡng chế - Ảnh: Minh Quang - Giáo dục Việt Nam

Báo Tuổi trẻ vừa đưa thông tin này. Cũng theo báo Tuổi trẻ, ngoài việc xin lỗi bằng lời, ông Đặng Quang Hoàng và Công ty TNHH V&T cũng đã bồi thường thiệt hại danh dự, sức khỏe và tinh thần cho hai nhà báo bằng tiền, tuy nhiên số tiền không được tiết lộ.

Ông Nguyễn Minh Tiến - kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên, người được mời chứng kiến - cho biết tại buổi làm việc, sau lời xin lỗi của ông Đặng Quang Hoàng, hai bên thống nhất bỏ qua mọi khúc mắc của vụ việc diễn ra gần một năm trước.
Trước đó, ngày 8-5-2012, Đài Tiếng nói VN (VOV) đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin - truyền thông báo cáo vụ việc hai phóng viên của đài bị hành hung trong khi đang tác nghiệp tại cuộc cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) hôm 24-4.
Bà Nguyễn Lan Hương, trưởng ban thư ký biên tập và thính giả của VOV, cho biết văn bản của VOV khẳng định hai phóng viên Nguyễn Ngọc Năm (trưởng phòng phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế) và Hán Phi Long đi tác nghiệp tại Văn Giang theo chỉ đạo của lãnh đạo đài.
Theo bà Hương, hai phóng viên tham gia cuộc họp báo của tỉnh Hưng Yên trước hôm cưỡng chế nên đã thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh là không vào khu vực giải tỏa mà chỉ đứng ở nhà văn hóa để tác nghiệp. Tuy nhiên, khi anh Long đang tác nghiệp thì bị một nhóm người đến hỏi (có cả người mặc sắc phục công an) và nhóm người này sau đó đánh anh Long rất dã man. Thấy vậy, anh Năm từ trong nhà chạy ra hỏi lý do thì nhóm người này quay sang đánh anh Năm và còng tay đưa lên xe chở về trụ sở một cơ quan của huyện Văn Giang. Tại đây, anh Năm đã bị thu thẻ nhà báo, thẻ Đảng và bị tra hỏi.
Bà Hương cho biết, sau khi lấy cung anh Năm, buổi chiều cùng ngày công an huyện đã xin lỗi anh Năm và anh Long nhưng anh Năm vẫn làm đơn gửi giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ trách nhiệm của người ra lệnh đánh và bắt phóng viên, đồng thời đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên làm việc với lãnh đạo Trung tâm tin của VOV.
Sau đó, phía VOV có điện thoại cho Công an tỉnh Hưng Yên để hỏi về vụ việc nhưng do cơ quan này không có câu trả lời rõ ràng nên ngày 3-5, ông Nguyễn Hoài Thu, giám đốc Trung tâm tin, đã ký văn bản gửi giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc. 
Ngày 25/7/2012, theo báo Tuổi trẻ, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên có quyết định cách chức phó đội trưởng thuộc Công an huyện Văn Giang đối với thượng úy Đặng Quang Hoàng, đồng thời chỉ đạo Công an huyện Văn Giang xử phạt vi phạm hành chính đối với ba công nhân của Công ty V&T.

Ngoài ra, Công an huyện Văn Giang nghiêm khắc kiểm điểm công tác chỉ huy, điều hành của tổ công tác chốt 3, nơi hai phóng viên Đài Tiếng nói VN (VOV) bị đánh.

Báo Tuổi trẻ dẫn thông báo kết quả điều tra của Công an tỉnh Hưng Yên phát đi ngày 25-7 có đoạn, ông Hoàng là người trực tiếp dùng gậy cao su đánh phóng viên Nguyễn Ngọc Năm, đồng thời làm rõ ba công nhân hợp đồng của Công ty V&T có hành vi đánh hai phóng viên Năm và Hán Phi Long.

Thông báo cũng nêu rõ không đủ căn cứ để khởi tố những người này vì hai phóng viên đã kiến nghị không khởi tố và từ chối không đi giám định thương tích (theo quy định của điều 107 - Bộ luật hình sự, người bị thương phải có tỉ lệ giám định thương tật từ 31% trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự).

XT (tổng hợp)