Việt Nam có đầy đủ những chứng cứ lịch sử xác định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Cần nhanh chóng phổ biến những tài liệu đó ra cộng đồng quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của những người yêu chuộng hòa bình trên khắp năm châu và ngay tại chính Trung Quốc. Ngay sau khi báo chí đăng bài Bản đồ Trung Quốc ghi đảo Hải Nam là cực nam, đông đảo ý kiến của độc giả cho rằng cần nhanh chóng công bố tài liệu quan trọng này rộng rãi ra thế giới để chứng minh chủ quyền biển đảo của nước ta.
Tấm bản đồ cổ có tên Hoàng trực tỉnh địa toàn dư toàn đồ chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa không phải của Trung Quốc |
Độc giả Nguyễn Thiện Trường bày tỏ: “ Tôi vô cùng cảm ơn tiến sĩ Mai Hồng, tấm bản đồ cổ của nhà Thanh (Trung Quốc) do ông sưu tầm, gìn giữ và trao lại cho Bảo tàng Quốc gia Việt Nam là một tài sản vô giá, đây là báu vật quốc gia, cần phải bảo vệ, bảo quản giữ gìn nghiêm ngặt”.
Nhiều bản đồ khẳng định TQ không có Hoàng Sa, Trường Sa
Toàn đồ địa lý Trung Quốc 'xác nhận' Trường Sa, Hoàng Sa thuộc VN
“Kính đề nghị Nhà nước, Chính phủ cho phép và tạo mọi điều kiện để các cơ quan truyền thông công bố tấm bản đồ này cùng với nội dung của nó ra nhiều thứ tiếng. Cần khẩn trương đăng tải để không chỉ nhân dân Trung Quốc mà toàn thể thế giới biết được càng sớm càng tốt. Đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của toàn thế giới đối với chúng ta. Cần in tấm bản đồ này kèm lời thuyết minh và gửi đến các tổ chức quốc tế càng sớm càng tốt”. Còn bạn đọc Việt Hưng thốt lên: “Đây đúng là báu vật, tấm bản đồ là minh chứng hùng hồn, chứng minh rằng Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Nên công bố trên toàn thế giới bằng nhiều thứ tiếng”. “Ngoài ra, cũng nên tranh thủ sự đóng góp của tất cả các nhà sưu tầm, nhà khoa học trên thế giới về những cứ liệu minh chứng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt nam” – độc giả này kêu gọi. Độc giả Nguyễn Quang Huy thì cho rằng: “Hiện nay nhiều người dân Trung Quốc vẫn luôn nghĩ Trường Sa, Hoàng Sa là của họ, vì vậy chúng ta cần nhanh chóng tuyên truyền sâu rộng khắp Trung Quốc để nhân dân của họ biết rõ. Vì tôi tin, người Trung Quốc họ cũng có trái tim và lý trí”. Nhiều bạn đọc khác kiến nghị nên chụp tấm bản đồ này với độ phân giải cao và phổ biến trên Internet, bên cạnh đó chúng ta cũng phải dịch ra nhiều thứ tiếng để tất cả mọi người trên thế giới đều đọc được. Độc giả Phạm Phú Quốc lại lo lắng cho sự an nguy của tấm bản đồ: “ Đây là một tài liệu quý giá, cần phải canh giữ nghiêm ngặt để tránh việc kẻ gian đánh cắp hoặc phá hỏng. Tấm bản đồ là chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta cần phải công bố rộng rãi để nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết và ủng hộ”. Bạn đọc Trần Thiên Ân - một sinh viên trẻ góp ý: “Xin trân trọng cám ơn tiến sĩ đã có công sưu tầm và gìn giữ một tài liệu quý cho đất nước, cá nhân tôi mong muốn các tổ chức thanh niên, sinh viên liên kết với các viện bảo tàng giúp phổ biến hiện tình và các chứng cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và chia sẻ những bài viết, hình ảnh, video, tư liệu lịch sử xác minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Theo Vnexpress