Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;
Công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Ảnh minh họa: Báo Đại biểu nhân dân |
Xét báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Phó Thủ tướng về cơ bản, đồng ý với nội dung tại Báo cáo số 98/BC-BTP ngày 29/4/2020 của Bộ Tư pháp.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;
Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Cần Thơ, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Lâm Đồng, Nam Định, Hà Giang, Đắc Lắk, Hải Dương khẩn trương xử lý dứt điểm 21 văn bản có nội dung trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận;
Báo cáo kết quả xử lý, lý do chậm xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản, kết quả khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm;
Gửi kết quả đến Bộ Tư pháp trước ngày 30/8/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, Tài chính theo dõi, đôn đốc các cơ quan nêu trên xử lý triệt để các văn bản có nội dung trái pháp luật đã được kết luận.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hà Nội, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Thái Bình khẩn trương xử lý dứt điểm 17 văn bản có quy định trái pháp luật;
Báo cáo kết quả xử lý, lý do chậm xử lý nội dung trái pháp luật của văn bản, kết quả khắc phục hậu quả và xử lý trách nhiệm; gửi kết quả đến Bộ Tư pháp trước ngày 30/8/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn việc quản lý, vận hành thống nhất, bảo đảm việc kết nối và chia sẻ của các cơ sở dữ liệu về pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót trong công tác xây dựng, ban hành văn bản văn bản quy phạm pháp luật tổng hợp kết quả xử lý các văn bản trái pháp luật báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.