CT Vĩnh Phúc hơn 50% phiếu tín nhiệm thấp: Cần làm rõ bất thường hay bình thường

19/12/2023 06:40
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Ngô Văn Sửu, trong thực tiễn, không phải lần lấy phiếu tín nhiệm nào cũng có kết quả xác đáng, nếu không xem xét, đánh giá kỹ sẽ làm thui chột người tài.

Vừa qua, Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc đã đăng tải kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có 19 phiếu tín nhiệm cao (40,43%); 2 phiếu tín nhiệm (4,26%) và 25 phiếu tín nhiệm thấp (53,19%). Theo kết quả này, ông Lê Duy Thành là người có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất và phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất. Ông cũng là trường hợp duy nhất trong tỉnh nhận quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp.

Theo VnExpress, ông Lê Duy Thành cho rằng, kết quả 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp ông nhận được quá bất thường so với những lần lấy phiếu trước đây và Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, cũng khẳng định không nghĩ đến kết quả như vậy. [1]

Theo tienphong.vn, ngày 16/12, một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 28 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bầu, hai cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem xét lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì có dấu hiệu bất thường. [2]

Thiết kế: Thành An.

Thiết kế: Thành An.

Hiện tại, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Lê Duy Thành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Nếu nghi ngờ kết quả, hoàn toàn có quyền nói lên tiếng nói của mình

Liên quan đến nội dung lấy phiếu tín nhiệm, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội chia sẻ quan điểm: “Trước hết, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một chủ trương rất đúng đắn. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Nghị quyết số 96/2023/QH15 (Nghị quyết 96) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã có quy định rất cụ thể liên quan đến nội dung này.

Nếu cán bộ nhận được tín nhiệm cao thì rất tốt, phải tiếp tục phát huy vai trò của mình; tuy nhiên, nếu cán bộ đó nhận được tín nhiệm thấp, thì phải tự “soi” lại mình, phải nỗ lực hơn nữa, có những chương trình hành động, hoạt động tích cực hơn...

Còn đối với những trường hợp như đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, tôi cho rằng, bản thân ông Lê Duy Thành cũng phải xem lại, tại sao mình lại nhận được kết quả tín nhiệm thấp như vậy?

Nếu bản thân vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ấy còn có những băn khoăn, nghi ngờ về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, hoàn toàn có quyền nói lên tiếng nói của mình. Bởi việc đề nghị phúc tra, kiểm tra lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm là quyền lợi của mỗi người. Tuy nhiên, nếu quy trình đã chặt chẽ, bỏ phiếu công tâm, khách quan và đã công khai minh bạch, thì việc phúc tra lại cũng không hề đơn giản”.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Mộc Trà.

Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị quyết 96 quy định về Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm như sau: 2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc không xin từ chức, thì Hội đồng nhân dân sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, với hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Đối với lần bỏ phiếu tín nhiệm này, tôi cho rằng, phải làm thật nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình. Ban kiểm phiếu cũng phải công khai, minh bạch. Thành phần của ban kiểm phiếu cũng phải chọn được những người rất vô tư, khách quan, trong sáng, bởi người được lấy phiếu/bỏ phiếu hoàn toàn có thể nghi ngờ kết quả do có sự “tính toán nhầm” chẳng hạn.

Nếu diễn ra lần bỏ phiếu tín nhiệm tới đây, cần phải tiến hành thực sự cẩn trọng. Để dù có kết quả như thế nào, bản thân người được bỏ phiếu cũng cảm thấy “tâm phục, khẩu phục”, không còn điều gì phải lấn cấn, băn khoăn”.

Cán bộ làm tốt mà tín nhiệm thấp, dễ khiến người tài nhụt chí

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cũng bày tỏ: “Thông qua một số kỳ lấy phiếu tín nhiệm trước đây, tôi cho rằng, chúng ta cũng đã ít nhiều kinh nghiệm để làm sao tiến hành mang lại kết quả tương đối chất lượng, bởi việc lấy phiếu tín nhiệm thực ra cũng có thể gây những băn khoăn.

Trong thực tiễn, không phải lần lấy phiếu tín nhiệm nào cũng có kết quả xác đáng, nhiều vị nhận về kết quả hầu hết là phiếu tín nhiệm cao, nhưng vẫn xảy ra sai phạm, thậm chí vướng vòng lao lý; còn có những người nhận được tín nhiệm thấp nhưng thực chất chưa hẳn là năng lực, trình độ yếu kém, mà thậm chí có khi lại làm được việc...Quan trọng là xem xét có yếu tố nào khác "tác động" đến kết quả bỏ phiếu không?

Vì vậy, khi từng đơn vị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, phải xem xét kỹ lưỡng những người được cầm lá phiếu để đánh giá cán bộ, có thực sự chất lượng hay không? Tức là người đó có trung thực, khách quan hay không, cách xem xét, đánh giá một con người của bản thân những người đó có toàn diện hay không, hay chỉ nhìn một cách phiến diện... Nếu thực sự chất lượng tốt, thì kết quả lấy phiếu mới có thể khách quan, xem xét một cách đầy đủ, toàn diện và đánh giá một cách xác đáng, đúng với từng nhân vật được bầu. Như thế mới có những lá phiếu đáng tin cậy.

Thứ hai, phải xem bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm là người như thế nào. Không thể nhìn vào một góc mà đánh giá cán bộ, phải có cái nhìn tổng thể, khách quan, toàn diện, nhìn vào cả quá trình công tác, với năng lực, trình độ và đạo đức như thế nào... thì mới có những đánh giá đúng và trúng. Như vậy, mới không có những sai sót trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Đồng thời, phải có sự kết hợp với sự đánh giá từ thực tiễn cống hiến của cấp có thẩm quyền đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, như vậy mới có thể đảm bảo tương đối chính xác”.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Bên cạnh đó, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cũng chia sẻ thêm: “Có những cán bộ mặc dù có năng lực thực sự, làm được việc, nhưng lại không khéo léo trong ứng xử, không “khôn ngoan” lắm, thậm chí vụng về, đụng chạm người này, người kia, thành ra có thể không được lòng những người cầm lá phiếu, dẫn đến đâu đó có trường hợp lựa chọn theo cảm tính hoặc có gì đó ngoài năng lực "tác động" đến lá phiếu.

Theo tôi, trường hợp của vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc này, cũng cần nhìn vào toàn bộ các yếu tố trình độ, năng lực, đạo đức, nhìn vào cả quá trình phấn đấu, tu dưỡng... để đánh giá một cách tương đối chuẩn xác.

Nếu một cán bộ làm tốt trong thực tiễn, lại nhận về hơn 50% phiếu tín nhiệm thấp, vô tình lại khiến người ta nhụt chí. Mặc dù có thể có một vấp váp nhỏ, lại trở thành “đặt nặng vấn đề”, chỉ nhìn vào điểm đó mà đánh giá cả một quá trình, khiến cán bộ chán nản, thậm chí có thể khiến người đó không còn muốn phấn đấu, chỉ âm thầm “giữ mình”, trăn trở về cái nhìn của mọi người đối với mình...”.

“Trước đây, câu chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc cũng là một bài học đáng nhớ trong công tác cán bộ. Mặc dù mỗi thời kỳ mỗi khác, song, tôi cho rằng, công tác cán bộ phải làm một cách hết sức cẩn trọng, hết sức công tâm, nếu không, có thể sẽ có những câu chuyện tương tự, “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Nếu để những chuyện như vậy xảy ra, thì sẽ thành thui chột người tài, ảnh hưởng cả một phong trào. Nhiều khi, thiểu số chưa hẳn là xấu, và đa số chưa hẳn đã là tốt” - ông Ngô Văn Sửu phân tích thêm.

Thực tiễn đã từng có yếu tố che khuất đi sự trung thực của việc lấy phiếu

Ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: “Lấy phiếu tín nhiệm cũng là một trong số những kênh để đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cũng còn có nhiều tác động dẫn đến nhiều khi, mặc dù có nhiều số phiếu tín nhiệm cao chưa hẳn đã tốt và ngược lại, nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng chưa hẳn là xấu. Cho nên, theo tôi, trường hợp như thế này cũng cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Thời gian qua, cũng có một số trường hợp cán bộ có phiếu tín nhiệm rất cao nhưng vẫn bị khởi tố, điều đó chứng tỏ như đang có một điều gì đó che khuất đi những lá phiếu trung thực, che khuất sự trung thực của cuộc lấy phiếu... Điều đó dẫn đến những bất thường. Nếu có băn khoăn, hay còn uẩn khúc nào cần phải cân nhắc, xem xét lại trước khi quyết định. Tuy nhiên, nếu như việc lấy phiếu tín nhiệm hoàn toàn được tổ chức một cách khách quan, công tâm và minh bạch, thì không có gì để nghi ngờ.

Việc phúc tra kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng cần căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, nếu có bằng chứng nào cho thấy có sự tác động bên ngoài vào kết quả, thì mới có cơ sở. Hoặc bản thân người được lấy phiếu có thể chứng minh được mình là người có năng lực, có trình độ, có trách nhiệm với công việc của mình... như thế nào, thì mới có căn cứ để nghi ngờ kết quả lấy phiếu”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/chu-tich-vinh-phuc-ket-qua-tin-nhiem-thap-voi-toi-qua-bat-thuong-4689438.html

[2] https://tienphong.vn/ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-chu-tich-tinh-vinh-phuc-co-bat-thuong-post1596323.tpo

Thành An