Sáng ngày 10/12, kỳ họp lần thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa VIII bước vào ngày làm việc thứ 3 với phần chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến toàn bộ các vấn đề mà cử tri quan tâm từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Nhiều ý kiến của các đại biểu HĐND TP.HCM đã bày tỏ sự e ngại về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, và đề nghị cần phải có giải pháp để sớm giải quyết được vấn đề này.
Đại biểu Phạm Hưng Út nêu vấn đề: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu chợ truyền thống, khu công nghiệp hiện nay trên địa bàn TP.HCM là hết sức đáng báo động. Sở Công thương với lực lượng quản lý trong tay thì cần có biện pháp quản lý gì, nhằm làm cho người dân yên tâm hơn nữa?
Cũng theo đại biểu Út, HĐND TP.HCM trong kỳ họp lần này cần phải có một nghị quyết về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, do đây là vấn đề ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân.
Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Văn Khoa trả lời chất vấn đại biểu (ảnh: Lao động) |
Trả lời cho đại biểu về vấn đề này, ông Lê Văn Khoa – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, toàn bộ 240 khu chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM do các quận huyện quản lý, còn TP.HCM hiện có 5 doanh nghiệp, đã công bố 246 điểm bán rau củ quả, thịt gia súc và gia cầm an toàn, đúng theo tiêu chuẩn.
Trong thời gian sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai thêm nhiều điểm bán hàng đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều hơn nữa.
Theo người đứng đầu ngành Công thương TP.HCM, để giải quyết triệt để vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì cần phải có sự phối hợp liên ngành, như về cung cầu liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tiêu thục và mua bán thì liên quan đến ngành Công thương, còn liên quan đến hệ thống chợ là sự quản lý của tất cả các cơ quan, ban ngành…
Thấy câu trả lời chưa đúng vào trọng tâm của ông Khoa, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM đã đặt ngay câu hỏi: Cử tri và đại biểu đang quan tâm, đề nghị cần phải công khai danh tính các đơn vị có sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện những biện pháp mạnh như đóng cửa, cấm hoạt động có được không?
Hiện toàn bộ người dân ở TP.HCM đang rất lo, nên đề nghị các Sở cần phải có hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa.
Là một cơ quan quản lý việc cung cầu thực phẩm cho TP.HCM, ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định báo cáo ra những kết quả đã làm được trong thời gian vừa qua, thì bị bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở: Những gì các đồng chí đã làm được thì đại biểu đã thấy, không cần phải báo cáo lại.
“Cái cử tri cần biết là phần không làm được, nguyên nhân và giải pháp thực hiện, chứ không phải chỉ liệt kê thành tích ở đây” – bà Quyết Tâm nói tiếp.
Đại diện cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho rằng, nguyên nhân chính của việc chưa thể thực hiện mạnh mẽ việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là liên quan đến thể chế.
Các đại biểu HĐND TP.HCM tham dự kỳ họp lần thứ 20 lắng nghe phần chất vấn (ảnh: T.Q) |
TP.HCM đã rất nhiều lần phản ánh những bất cập giữa quy định của luật và trên thực tế, nhưng sau đó lại nhận được phần trả lời của cấp trên lại chính là bằng một văn bản mà thành phố đã nêu ra.
Ông Nguyễn Phước Trung nhấn mạnh: Hiện nay, các biện pháp xử phạt liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa đủ mạnh, đủ quyết liệt để răn đe, chế tài vi phạm.
Ví dụ, có những lần cán bộ của thành phố đi kiểm tra các lò giết mổ heo, nếu phát hiện thấy có chất cấm là tạm thời đình chỉ hoạt động ngay lập tức. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra thì thương nhân lại né tránh, chủ trại heo dời giờ mổ.
Trả lời tiếp đại biểu về vấn đề này, ông Phan Hoàn Kiếm – Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM thì lại nói, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian vừa qua đã có sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan, như đã xử phạt hàng trăm vụ vi phạm lớn nhỏ khác nhau, phạt gần 6 tỷ đồng.
Cùng tham gia trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh chia sẻ: Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm tại TP.HCM đã giảm so với yêu cầu của trung ương.
Trong thời gian sắp tới, ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại những khu vực bếp ăn tập thể, cung cấp thức ăn sẵn cho đông người.
Trước những phần trả lời của các Sở về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá: Các phần trả lời quá chung chung, chưa có một giải pháp cụ thể nào được đặt ra.
Bà Tâm đã đề nghị UBND TP.HCM cần chuẩn bị trả lời cho cử tri, đại biểu vấn đề này trong buổi chiều.