Cử tri kỳ vọng Quốc hội Khóa XIV sẽ dẹp được quốc nạn tham nhũng

09/05/2016 10:35
Theo Người đại biểu Nhân dân
(GDVN) - Khi mà tham nhũng đang được coi là một quốc nạn, thì việc đẩy lùi tham nhũng là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Không khoan nhượng với quốc nạn tham nhũng
 
Trong bản chương trình hành động của mình, các ứng cử viên đã thể hiện quyết tâm cũng như những lời hứa trước cử tri rằng, nếu trở thành ĐBQH sẽ tham gia vào xây dựng các dự án luật, các chính sách liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, đến an ninh quốc gia đến chiến lược bình đẳng giới để nâng cao vị thế của người phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.
 
Khi mà tham nhũng đang được coi là một quốc nạn, thì việc đẩy lùi tham nhũng là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Một trong 3 nhiệm vụ chủ yếu mà ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh đó là, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chống cho được tham nhũng, lãng phí, tình trạng xuống cấp, hư hỏng, suy thoái trong nội bộ, làm cho tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh. 

Đánh giá cao các ứng cử viên qua những bản chương trình hành động cụ thể, cử tri Nguyễn Văn Hiệp, Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, những bản chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV đã thể hiện được lời hứa tâm huyết của người đại biểu nhân dân.

Tuy ở các cương vị và lĩnh vực hoạt động khác nhau song tất cả các ứng cử viên đều có chung một điểm là lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp, đặt quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết.
 
Ông Hiệp cũng gửi gắm mong muốn của mình cũng như của nhiều cử tri tới các ứng cử viên, tới ông Nguyễn Phú Trọng, “với vai trò là người giữ cương vị cao nhất, quan trọng nhất của Đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mong đồng chí tiếp tục không khoan nhượng với quốc nạn tham nhũng, trong đó có vấn đề lợi ích nhóm đã và đang làm tổn hại không nhỏ tới danh dự và uy tín của Đảng, Nhà nước trong con mắt của người dân”. 

Hội nghị tiếp xúc cử tri với ứng cử ĐBQH Khóa XIV tại quận Ba Đình
Hội nghị tiếp xúc cử tri với ứng cử ĐBQH Khóa XIV tại quận Ba Đình

Cho rằng, vấn đề chống tham nhũng là yêu cầu quan trong, nhiều cử tri của Quận Tây Hồ cho rằng, mặc dù công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã được quan tâm và đạt được kết quả nhất định, song các cử tri cũng thấy “hơi tiếc” là trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII số ĐBQH nói về vấn đề này ở diễn đàn Quốc hội chưa nhiều. Do vậy, cử tri Ba Đình mong muốn, trong thời gian tới nếu các ứng cử viên trúng cử ĐBQH Khóa XIV thì các đại biểu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chống tham nhũng. 
 
ĐBQH nghe được, thấy được, cảm được cuộc sống thật nhất của các tầng lớp nhân dân.
 
Một trong những nội dung xuyên suốt trong chương trình hành động của các ứng cử viên đều thể hiện việc xây dựng mối quan hệ gắn kết với cử tri.

Các ứng cử viên đã thể hiện được mối quan hệ đặc biệt với cử tri, các đại biểu mong muốn rằng, khi trở thành ĐBQH, những lời hứa hôm nay sẽ được các đại biểu thực hiện xuyên suốt trong quá trình làm đại biểu dân cử của mình. Đồng thời, cử tri đặt ra nhiều trọng trách cho các ứng cử viên, cho QH Khóa XIV tới. 

Cử tri kỳ vọng Quốc hội Khóa XIV sẽ dẹp được quốc nạn tham nhũng ảnh 2

Không có phản động đứng sau người ứng cử Đại biểu Quốc hội

Cử tri Trương Đức Ngãi, phường Cống Vị, Ba Đình mong muốn, ĐBQH phải là người  thực sự gần dân, hiểu dân, nghe dân và lo cho dân thì mới thực sự là người đại biểu của dân ở cơ quan quyền lực cao nhất.

Ông cho rằng, muốn yên dân thì ai ứng cử phải phát huy vai trò của đại biểu, có những chủ trương, chính sách lo cho dân sinh.

Đồng thời, diệt trừ nạn tham nhũng, tệ lãng phí, lợi ích nhóm ra khỏi đời sống.
 
Là một cử tri rất tâm huyết và quan tâm đến đến hoạt động của QH, ông Nguyễn Văn Hiệp, phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm mong rằng, QH Khóa XIV cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để nhà nước Việt Nam thực sự là một nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước của dân, do dân, vì dân. ĐBQH phải gần dân hơn, hiểu dân hơn, vì dân hơn.

Cần phải đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri hơn nữa để cho các ĐBQH nghe được, thấy được, cảm được cuộc sống thật nhất của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động như công nhân, nông dân, người nghèo thành thị mà không bị qua bất kỳ lăng kính nào, ông Hiệp bày tỏ mong muốn.
 
Cùng với nhiều cử tri, ông Hiệp cũng mong muốn cần tăng cường giám sát hơn nữa của Quốc hội, đặc biệt là giám sát các dự án lớn, dự án có yếu tố nước ngoài, không để tiền của Nhà nước mà thực chất là tiền của dân bị một số “con sâu” giả danh quyền lợi của nhân dân đục khoét.

Để ngăn chặn được tình trạng này, phải giám sát từ khi mới hình thành dự án, tránh để tình trạng tiền trảm, hậu tấu, đặt QH vào thế đã rồi, ông Hiệp đề xuất.

Về vấn đề giám sát, ông Trần Văn Tiếp, Phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm cho rằng, ông và cử tri quận Hoàn Kiếm mong muốn hoạt động giám sát của QH phải gắn kết đồng bộ, chặt chẽ, với phương pháp kiểm tra, giám sát của Đảng, của MTTQ, các đoàn thể.

Tập trung giám sát những vấn đề lớn những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế xã hội, những vấn đề dân sinh, những vấn đề bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Là cử tri thay mặt cho khối giáo dục, bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Quận Hoàn Kiếm cũng gửi đến các ứng cử viên ước nguyện công cuộc đổi mới giáo dục, đào tạo sẽ thành công tốt đẹp, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Từ thực tiễn hoạt động, bà Huyền đề nghị các ứng cử viên nếu trúng cử cần quan tâm đến việc đổi mới thì phải bền vững và có tính hệ thống, có sự liên thông từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, kể cả các trường sư phạm – là những “máy cái” cần phải cập nhật tinh thần đổi mới để khi sinh viên tốt nghiệp ra trường các em có thể giảng dạy ngay được, không phải đào tạo lại. 

Theo Người đại biểu Nhân dân