Cuộc tiếp xúc cử tri này được Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM tổ chức nhằm lắng nghe những kiến nghị của cử tri về dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và dự án xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án sân bay Long Thành thiếu thực tế
Một trong hai vấn đề quan trọng của cuộc tiếp xúc cử tri lần này là góp ý cho dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết nhất của các cử tri. Trong đó, phần lớn các ý kiến nêu ra đều rất băn khoăn về tính khả thi và sự thiếu thực tiễn của dự án này. Theo các cử tri, việc dừng dự án xây dựng sân bay Long Thành ở thời điểm này là cần thiết cho đến khi có nhu cầu.
Dùng nguồn vốn vay 13 tỷ USD để xây dựng sân bay Long Thành được cảnh báo sẽ là một sự lãng phí cực lớn. |
Lý giải cho kiến nghị dừng dự án của mình, cử tri Nguyễn Đăng Diệp (quận Tân Bình) cho rằng, không nên xây dựng sân bay Long Thành vì nhiều lý do như: số vốn đầu tư quá lớn (trên 13 tỷ USD) trong lúc nước ta còn quá nghèo, nợ công lớn; tiếp nữa, hiện nay sân bay nước ta còn quá nhiều so với các nước Đông Nam Á và có nhiều sân bay vẫn chưa sử dụng hết công suất như sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh.
“Tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà lại lấy đất làm sân golf? Tại sao không sử dụng và mở rộng sân bay Biên Hòa (đã có sẵn và diện tích rất lớn). “Đã có nhiều chuyên gia đề xuất việc này, chỉ mất khoảng 1 tỷ USD nhưng Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu lại cho rằng, sân bay Biên Hòa nhiễm dioxin. Thật phi lý vì sân bay Đà Nẵng nhiễm nhiều hơn, ta vẫn làm được” – cử tri Nguyễn Đăng Diệp quả quyết.
Còn ý kiến của cử tri Nguyễn Quang Thái thì cho rằng: “Sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong nội thành đông dân cư ở TP. HCM nên quan điểm di dời là đúng nhưng vấn đề là di dời lúc nào? Việc xây dựng sân bay Long Thành là quy hoạch lâu dài, có thể bàn ở 30 - 50 năm sau, chứ không phải thời điểm này.”
Riêng cử tri Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP. HCM) nhận định, không nên xây dựng Long Thành quá sớm như hiện nay vì như thế không hiệu quả kinh tế. “Cần có cơ quan chức năng kiểm chứng dự báo tốc độ tăng trưởng ngành hàng không, thời điểm di dời sân bay Tân Sơn Nhất và hiệu quả kinh tế ra sao? Trước mắt nên tiếp tục sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất và mở rộng để nâng cao năng lực.” – GS Nguyễn Thiện Tống nêu giải pháp.
GS Nguyễn Thiện Tống cho biết, số liệu về sản lượng hàng không của sân bay Tân Sơn Nhất trong Niên giám Thống kê của Cục Thống kê TP. HCM từ năm 2005 đến 2012 khác hẳn số liệu được dùng để lập dự án.
Cụ thể, số liệu của Cục Thống kê TP. HCM cho thấy trong 8 năm qua, số lượng khách quốc tế giảm xuống tuyệt đối, số lượng khách nội địa tăng lên, số lượng vận tải hàng hóa không tăng. Như vậy, cơ sở để dự báo mấy triệu tấn hàng hóa vào năm 2050 cho sân bay Long Thành là mục tiêu quá xa vời.
“Theo kết quả dự báo trong dự án xây dựng sân bay Long Thành, đến năm 2015, số lượng hành khách sẽ là 18.827.000 và số lượng hàng hóa 458.005 tấn. Rõ ràng người ta đã cố tình phóng đại số liệu để xây sân bay Long Thành. Sự khác biệt giữa 2 kết quả tính toán trên rất lớn. Vì thế, dự báo về sản lượng hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất cần phải được kiểm chứng một cách độc lập. Điều này là cần thiết nhằm tránh lãng phí lớn khi xây dựng sân bay mới” – GS Nguyễn Thiện Tống nói.
Trong khi đó, cựu phi công Từ Để (nguyên Cục phó Cục Tác chiến), thì luôn lập lại khẳng định của mình là: “Không thể tin được những số liệu trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành. Đây là những dự báo tào lao, họ cần số liệu nào thì lấy số liệu ấy đem vào báo cáo. Người ta đang cố tình tính toán sai, đưa vào những số liệu ảo nhằm lừa phỉnh để đạt được mục đích của mình”.
Làm sân golf trong sân bay là “hổng giống ai”
Vấn đề xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất một lần nữa được gợi lên, và trong cuộc họp tiếp xúc cử tri lần này, các đại biểu được dịp đồng lòng nêu quan điểm kiến nghị dừng ngay dự án này lại.
Cử tri Lê Văn Sang cho rằng, quan điểm xây sân golf là không được sử dụng đất lúa, đất quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng và địa điểm xây dựng sân golf chủ yếu là ở vùng trung du miền núi, vùng bãi cát ven biển khu vực miền Trung… nhưng nay Bộ Giao thông vận tải lại xây dựng trong khu sân bay Tân Sơn Nhất là không thể chấp nhận được.
Dãy công trình của dự án sân golf đang xây trong sân bay Tân Sơn Nhất mà các cử tri đồng lòng kiến nghị dỡ bỏ. |
“Cử tri chúng tôi rất lấy làm đau buồn khi sân bay Tân Sơn Nhất thời mở cửa lại thu hẹp để làm sân golf kiếm lời. Trên thế giới chẳng có nước nào lại đưa sân golf vào trong sân bay như nước mình. Liệu có khuất tất gì hay không về “lợi ích nhóm” trong dự án này?” – cử tri Lê Văn Sang bức xúc nêu ý kiến.
Tán thành quan điểm trên, cử tri Nguyễn Đăng Diệp khẳng định, ông không hiểu tại sao Việt Nam lại xây dựng nhiều sân golf đến vậy? (hiện đã có trên 140 sân – PV).
Cử tri Nguyễn Đăng Diệp, (hiện là Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học nông nghiệp) cho rằng, sân golf nên làm ở nơi đất xấu, xa dân, vì tốn nhiều nước tưới, sử dụng thuốc diệt cỏ dại, thuốc trừ sâu gây độc hại cho nguồn nước ngầm.
Song song đó, nhiều ý kiến của các cư tri khác cũng cho rằng, sân golf chiếm đất quá lớn và sẽ gây uy hiếp cho an toàn bay.
Theo cử tri Đào Khắc Khởi: “Đất sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Quốc phòng quản lý. Vì vậy, nếu sử dụng không hết hoặc làm xong nhiệm vụ thì bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Tại sao lại giao cho công ty thuê 50 năm?”
Ông Khởi cũng kiến nghị, TP..HCM nên tổ chức thanh kiểm tra sân golf. Nếu thấy vi phạm pháp luật, trái quy định quản lý nhà nước thì thu hồi sân golf giao cho cơ quan chức năng mở rộng sân bay vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.
Phát biểu tổng kết buổi tiếp xúc với các cử tri, đại biểu Võ Thị Dung - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, đây là những ý kiến xác đáng và cũng là những thông tin cần thiết để Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM đưa ra trước nghị trường trong Kỳ họp thứ 6 sắp khai mạc vào cuối tháng này.