Với truyền thống văn hóa người Việt, gia đình, dòng họ là thành tố có kết cấu bền vững, ổn định.
Trong thời đại hội nhập, không ít giá trị truyền thống mang bản sắc gia phong đã phai nhạt. Kết cấu truyền thống của gia đình, dòng họ có sự thay đổi nhất định.
Với truyền thống văn hóa người Việt, gia đình, dòng họ là thành tố có kết cấu bền vững, ổn định.
Trong thời đại hội nhập, không ít giá trị truyền thống mang bản sắc gia phong đã phai nhạt.
Kết cấu truyền thống của gia đình, dòng họ có sự thay đổi nhất định. 45 năm sau ngày đất nước thống nhất, kiều bào trên thế giới đã phát triển đến thế hệ thứ ba, thứ tư. Số lượng du học sinh và người lao động Việt Nam ở các nước ngày càng đông.
Để bảo vệ thành quả cách mạng cha ông đã đổ máu xương giành được, chúng ta phải có chiến lược chấn hưng văn hóa, củng cố trận địa tư tưởng ngay từ mỗi gia đình, dòng họ…
Khơi dậy mạnh mẽ mạch nguồn truyền thống
Phát huy thành quả vĩ đại của Chiến thắng 30/4/1975, suốt 45 năm qua, thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu luôn là nơi khởi phát, sáng tạo các mô hình của công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển thành phố” do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát động.
Tại cuộc hội thảo khoa học về chủ đề này, các nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò đặc biệt to lớn của trận địa gia đình, dòng họ.
Đây là nhân tố quyết định của mặt trận “nổi dậy”, kết hợp chặt chẽ với “tổng tiến công”, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 chấn động địa cầu.
Đến nay, hệ thống các di tích của những “vùng lõm chính trị”, cơ sở cách mạng trong lòng địch và mạch nguồn truyền thống yêu nước, lòng trung thành vô hạn với cách mạng của đồng bào Sài Gòn-Gia Định nói riêng, vùng đất Nam Bộ thành đồng nói chung đã trở thành di sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc.
Xin đơn cử một câu chuyện truyền thống từ Di tích lịch sử Quán Nhan Hương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên. Đây là cơ sở cách mạng ngay sát trung tâm đầu não của địch ở Sài Gòn.
Suốt những năm tháng cam go, gian khổ, một gia đình và những người bà con họ hàng thân thích dưới vỏ bọc là một quán nhậu đã nuôi giấu hàng trăm lượt cán bộ, cung cấp cho cách mạng những thông tin quan trọng do đám sĩ quan, binh lính Mỹ, ngụy đến ăn nhậu để lộ.
Hiểm nguy rình rập, có thể bị địch thủ tiêu cả dòng họ bất cứ lúc nào nếu bị lộ, nhưng họ đã giữ lòng trung thành vô hạn, đức kiên trung tuyệt đối với Đảng.
Những cơ sở như thế trong lòng Sài Gòn có đến hàng nghìn địa chỉ, họ là những người dân rất đỗi bình thường, hiền lành, chất phác.
Đó là những giá trị truyền thống kết thành sức mạnh vô song, vượt lên mọi sức mạnh của đạn bom, vũ khí tối tân, kỹ thuật hiện đại của địch.
Giới nghiên cứu kiến nghị, muốn khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển đất nước trong thời đại ngày nay, chúng ta phải tạo nên trường văn hóa, trường giáo dục bền vững từ mỗi gia đình, dòng họ.
Đó là nơi khởi phát, hội tụ và tiếp biến mọi khuynh hướng tư tưởng, mọi trào lưu văn hóa.
Trong môi trường hội nhập, chúng ta phải chấn hưng các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành trì tư tưởng vững chắc ngay từ trận địa gia đình, dòng họ, với dòng chảy chủ đạo là tinh thần yêu nước, lòng trung thành vô hạn với Đảng, sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ thành quả cách mạng mà tổ tiên, ông bà, cha anh đã đổ xương máu lập nên.
Đây là vấn đề có tính chiến lược, vừa bao quát, vừa cụ thể, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài, bền vững…
Điểm phát gạo miễn phí cho người nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa/baotintuc.vn. |
Những ngày qua, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thành phố mang tên Bác lại là địa phương tiên phong làm sống dậy, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp giống như thời đất nước có chiến tranh.
Những mô hình nhân ái như máy cấp gạo miễn phí tự động, “quán ăn 0 đồng”, các phong trào thiện nguyện… được khởi phát từ chính những gia đình có tấm lòng thơm thảo.
Hình ảnh những bà mẹ tuổi thượng thọ cần mẫn may khẩu trang ủng hộ bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch gợi cho chúng ta nhớ đến câu chuyện cảm động “Tấm áo mẹ vá năm xưa” trong thời kháng chiến.
Việc hàng trăm gia đình tình nguyện ủng hộ hàng chục tấn gạo, những em bé đập heo đất tiết kiệm ủng hộ chống dịch, hàng nghìn bạn trẻ làm đơn tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch… là sự tái hiện sinh động khí thế toàn dân kháng chiến chống giặc năm xưa, mà điểm khởi phát chính là mỗi gia đình.
Người người kết nối, nhà nhà hưởng ứng, nét đẹp truyền thống được khơi dậy mạnh mẽ, phát triển thành phong trào yêu nước trong thời đại mới của toàn dân. Đó là niềm tự hào to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, được thế giới ngưỡng mộ, nể phục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã bày tỏ lời cảm ơn trân trọng, đánh giá cao sự hỗ trợ và hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Đây chính là những cơ sở góp phần đập tan những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam.
Cần nhiều hơn những hành trình trở về nguồn cội
Khi bàn về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, sách lược căn cơ chính là chúng ta phải củng cố cho nội lực đất nước hùng mạnh, cả về chính trị tư tưởng và kinh tế, quốc phòng.
Khi chúng ta mạnh, chúng ta sẽ có sức đề kháng, “miễn dịch” với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù từ bên ngoài. Ông bà mình đã đúc kết “Trong ấm ngoài êm” chính là thế.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, là dòng dõi con Lạc cháu Hồng, ai cũng thấy rõ niềm tự hào to lớn về diện mạo, vị thế của đất nước hôm nay.
Phản biện xã hội tiêu cực, ai đang nuôi dưỡng? |
Vậy nhưng, với một bộ phận nhỏ kiều bào xa Tổ quốc, ít có cơ hội tiếp cận thông tin từ quê nhà, lại bị các phần tử thù địch nhồi nhét tư tưởng hận thù, khó tránh khỏi những cái nhìn phiến diện, thái độ cực đoan.
Thời gian gần đây, công chúng mạng xã hội YouTube rất có thiện cảm với các chương trình truyền hình của nhà báo Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường.
Ông đã dành nhiều tháng trời trở về Việt Nam tìm gặp các cựu tù chính trị, cựu tù binh, các địa danh lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để tái hiện ký ức.
Những cuộc phỏng vấn thực tế với các nhân chứng lịch sử giúp ông và công chúng, nhất là đông đảo kiều bào có cái nhìn khách quan, chân thực về lịch sử với những góc nhìn cận cảnh, thời sự sau 45 năm chấm dứt chiến tranh.
Chia sẻ trên truyền thông, ông thổ lộ, bản thân là con của gia đình quân nhân chế độ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975; sang Mỹ định cư đã mấy chục năm, ông cùng bạn bè, người thân chịu sự giáo dục nhồi nhét những tư tưởng cực đoan, thù hận.
Sau khi đi làm báo, ông tự nhủ phải thay đổi tư duy, nhìn nhận sự vật, hiện tượng một cách khách quan, công bằng.
Ông trở về Việt Nam thực hiện ý định của mình nhằm góp phần thức tỉnh những cái đầu bảo thủ, mông muội của một bộ phận người Việt mang tư tưởng cực đoan ở hải ngoại.
Thực tế cho chúng ta thấy, hiện thực khách quan của đất nước, nếu nhìn qua lăng kính bảo thủ, tư tưởng thù hận từ mỗi gia đình như vậy thì trắng hóa đen, tốt thành xấu.
Với thế hệ trẻ của kiều bào sinh ra và lớn lên ở nước sở tại, ý thức về quê cha đất tổ, tình nghĩa với quê hương, họ hàng đều phụ thuộc vào cái nôi giáo dục, định hướng ở mỗi gia đình.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học hàng đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay kể rằng, ông đã đi tìm hiểu, nghiên cứu đời sống kiều bào ở nhiều nước trên thế giới.
Thực tế chứng minh, kiều bào càng sống xa Tổ quốc, nhu cầu và khát vọng bảo tồn bản sắc văn hóa cha ông càng lớn, vai trò của gia đình, dòng họ trong đời sống kiều bào càng quan trọng.
Rất nhiều gia đình, dòng họ đã phát triển đến thế hệ thứ 4, con cháu chưa một lần trở về quê hương, nhưng các cháu nhỏ đang tuổi học sinh vẫn nói được tiếng Việt, vẫn có tình yêu sâu đậm với các sinh hoạt văn hóa phong tục được ông bà, cha mẹ truyền dạy.
Đó là những chất liệu, là cơ sở tuyệt vời để chúng ta có chiến lược bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào.
Tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc là giá trị cốt lõi trong đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt xa quê.
Củng cố trận địa tư tưởng từ mỗi gia đình, dòng họ vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước phải là sự kết nối thường xuyên, liên tục, sâu rộng giữa đồng bào, chiến sĩ trong nước và kiều bào ở nước ngoài dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cần nhiều hơn những hành trình trở về nguồn cội dành cho thế hệ trẻ kiều bào, để họ thấy rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn hiện thực đất nước sau 45 năm thống nhất.
Với cách tiếp cận mới, tư duy mới, với sự tương tác mạnh mẽ của công nghệ thông minh, chính thế hệ trẻ sẽ định hình ý thức hệ mới, tiến bộ, xóa bỏ tư tưởng cổ hủ, lạc hậu mang màu sắc thù hận, thù địch trong một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài ngay từ mỗi gia đình, dòng họ.