Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hiện là thành viên duy nhất trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc bị tin đồn tấn công. |
Đa Chiều ngày 27/1 đưa tin, từ cuối năm 2014 đến nay trên mạng internet và truyền thông người Hoa hải ngoại liên tục xuất hiện tin đồn ông Lý Khắc Cường sắp mất chức Thủ tướng Trung Quốc vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên ông Cường không lên tiếng mà để Tân Hoa Xã, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đưa tin, đưa ảnh về các hoạt động bận rộn của mình để gián tiếp phủ nhận tin đồn. Cũng là nạn nhân của tin đồn chính trị, ông Lý Nguyên Triều - Phó Chủ tịch nước thì chọn cách công khai phản bác.
Mặc dù không mấy người tin vào những tin đồn về Lý Khắc Cường "ốm yếu, khó ngồi 2 nhiệm kỳ Thủ tướng", nhưng dư luận lại bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao trong số 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đầy quyền lực, chỉ có mỗi mình ông Lý Khắc Cường trở thành nạn nhân của tin đồn?
Tất cả các tin đồn về ông Cường đều chỉ tập trung vào vấn đề sức khỏe và nhà mục đích muốn ông rời ghế Thủ tướng Trung Quốc. Cuối năm 2014 tạp chí Minh Kính dẫn "nguồn tin riêng" nói rằng Lý Khắc Cường có vấn đề về sức khỏe, mắc chứng tiểu đường song công việc đối nội đối ngoại bận rộn liên tục càng làm ông mệt mỏi. Điều này thì chả mấy ai tin.
Gần đây tin đồn Thủ tướng Trung Quốc sắp mất chức lại rộ lên trên internet, ai là kẻ giấu mặt tung tin đồn bôi nhọ ông Cường? Nếu là tin đồn nhằm vào các lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu như ông Giang Trạch Dân thì không có gì lạ, vì có những dấu hiệu khiến dư luận có thể bán tín bán nghi.
Điển hình như việc người thân của ông Dân bị điều động ngồi chơi xơi nước hoặc về hưu, các thủ hạ thân tín của ông thủa trước bị điều tra, bắt giữ. Nhưng tin đồn cứ bám lấy ông Lý Khắc Cường thì đúng là chuyện lạ, và lạ hơn nữa là trong Thường vụ Bộ chính trị 7 người thì chỉ ông Cường là nạn nhân.
Giới truyền thông Hồng Kông phân tích, Trung Quốc quản lý rất chặt chẽ báo chí, nhưng lại thường xuyên "phao tin cho truyền thông người Hoa hải ngoại" qua các kênh phi chính thức để nhằm thăm dò phản ứng của quốc tế cũng như trong nước về các chính sách lớn hoặc các thay đổi nhân sự quan trọng.
Đồng thời trong những giai đoạn đấu tranh quyền lực giữa các phe nhóm trở nên kịch liệt, người ta cũng có thể dùng thủ đoạn này để bôi nhọ và hạ bệ đối thủ chính trị của mình. Trong các trường hợp trở thành nạn nhân của tin đồn, các quan chức thường lựa chọn đối sách im lặng.
Ông Lý Nguyên Triều, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc thì phản ứng với tin đồn sắp bị điều tra bằng cách công khai bác bỏ nó. |
Với ông Lý Khắc Cường, liên tiếp bị tin đồn sắp mất chức bủa vây là do Trung Nam Hải muốn ném đá dò đường xem dư luận nghĩ gì hay có kẻ tung tin mưu đồ bôi nhọ ông? Nếu là khả năng thứ nhất thì rủi ro chính trị sẽ rất lớn, bởi Trung Nam Hải lâu nay không bao giờ hành sự bất cẩn, quyết định những điều mình không chắc chắn khi lấy chuyện này để làm mồi thử.
Nhưng việc truyền thông Hồng Kông vừa tiết lộ Trung Quốc sẽ tổ chức duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít thì lại nhanh chóng được Bắc Kinh xác nhận, nên không thể loại trừ khả năng từ Trung Quốc đại lục đã có kẻ "tung tin qua tường lửa" cung cấp cho truyền thông bên ngoài.
Khả năng thứ hai về một thế lực chính trị nào đó muốn bôi nhọ ông Cường thì hiện Đa Chiều rất khó có thể đưa ra kết luận, bởi cục diện chính trị Trung Quốc là khá phức tạp. Nhưng theo Đa Chiều có thể khẳng định, những tin đồn nhằm vào Lý Khắc Cường chắc chắn không phải vô cớ, nhất định có kẻ đứng sau giật dây, nếu không truyền thông nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã đã không cần phải ồ ạt đưa tin về các hoạt động của Thủ tướng như cách để xóa bỏ tin đồn.
Tuy nhiên Đa Chiều cho rằng việc Tân Hoa Xã liên tục đưa tin về hoạt động của Thủ tướng cho thấy ông Cường rất khỏe mạnh và bận rộn suốt ngày cũng chỉ là hạ sách. Trung Nam Hải vốn đặc biệt quan tâm theo dõi dư luận về hoạt động của mình không thể không biết những tin đồn ác ý nhằm vào ông Lý Khắc Cường.
Nhưng việc không trực tiếp đối diện với nó mà chỉ tìm cách dập tin đồn, khoanh vùng phạm vi ảnh hưởng của tin đồn lại càng làm cho nó lan rộng hơn. Khoanh tay ngồi nhìn không làm gì với những tin đồn này cũng không xong nên đành chọn cách đưa tin ồ ạt về Lý Khắc Cường. Nhưng rồi cách này cũng làm các tin đồn về ông từ truyền thông hải ngoại xâm nhập vào trong nước nhanh hơn.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng đang trong tâm điểm của tin đồn. |
Đa Chiều bình luận, mặt dù không mấy người tin Lý Khắc Cường sắp mất chức Thủ tướng vì sức khỏe, nhưng Trung Nam Hải cũng có thể rút bài học kinh nghiệm từ việc đối phó với những tin đồn này. Để xóa bỏ tận gốc tin đồn theo Đa Chiều không gì bằng tăng cường minh bạch. Tò mò luôn luôn là bản tính của con người, cái gì càng cấm đoán người ta càng tìm kiếm thông tin về nó. Một khi Trung Nam Hải công khai các hoạt động của mình thì những tin đồn như thế này tự động sẽ không còn đất sống.
Từ vụ việc của Lệnh Kế Hoạch, Bạc Hy Lai cho đến Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu đều rộ lên những tin đồn suốt một khoảng thời gian, có khi là cả năm trời trước khi Bắc Kinh chính thức công bố họ bị bắt vì điều tra tham nhũng. Thậm chí truyền thông Trung Quốc không có một dòng nào nói về vụ tai nạn siêu xe Farrari của con trai Lệnh Kế Hoạch làm chệch hẳn hướng đi quan lộ của ông năm 2012, thì sau khi ông Hoạch bị bắt, chính truyền thông Trung Quốc đã xác nhận điều này. 2 năm trước đó Washington Post và sau đó là South China Morning Post đưa tin thì vẫn được cho là "tin đồn".
Trong vài năm qua đã có những tin đồn "kinh hoàng" hơn nhiều liên quan đến nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc, bắt đầu từ tin đồn "Giang Trạch Dân giả chết" năm 2011, "chính biến Trung Nam Hải" 19/3/2012 khi Bạc Hy Lai bị điều tra.
Chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi do ông Tập Cận Bình phát động nhắm tới một loạt các quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước và quân đội càng làm cho tin đồn chính trị mọc lên như nấm sau mưa. Có những tin đồn 1, 2 năm sau mới được xác nhận là đúng như vụ điều tra Chu Vĩnh Khang hay Từ Tài Hậu, nhưng cũng có những tin đồn không thể kiểm chứng một khi Bắc Kinh không lên tiếng.