Ông Tất Phúc Kiếm. |
Tờ South China Morning Post ngày 10/4 đưa tin, tờ Thanh tra Kỷ luật Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài xã luận lên án ông Tất Phúc Kiếm, biên tập viên nổi tiếng của đài truyền hình quốc gia CCTV trong vụ hát nhạc chế nói xấu Mao Trạch Đông.
"Một đảng viên của đảng không bao giờ được phép phát ngôn hay hành động bôi xấu đảng. Tất Phúc Kiếm đã mua vui cho bản thân và một nhóm nhỏ bạn bè bằng cách bêu riếu nhà lãnh đạo của đảng và quân đội. Hành động của Tất Phúc Kiếm đã phá hoại hình ảnh của đảng. Có vẻ như ông ta rất khoái chí và không hề tỏ ra xâu hổ", bài xã luận viết.
Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương nói rằng, hành động của Tất Phúc Kiếm là biểu hiện của "chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân", xu hướng chính trị mà ông Tập Cận Bình nói rằng đảng phải loại bỏ trong một bài phát biểu năm ngoái. Ngày thứ 4 sau khi video "nói xấu" Mao Trạch Đông bị rò rỉ trên mạng, Tất Phúc Kiếm đã chính thức lên tiếng.
Hôm Thứ Năm ông Kiếm viết trên trang weibo cá nhân rằng: "Tôi thành thật gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất đến công chúng. Là một người của công chúng, tôi sẽ rút ra bài học sâu sắc từ việc này và rèn luyện kỷ luật tự giác, kiềm chế một cách nghiêm túc nhất". Lời xin lỗi của Tất Phúc Kiếm nhanh chóng nhận được hàng ngàn ý kiến ủng hộ trên trang cá nhân, nhưng sau đó lực lượng kiểm duyệt đã xóa bỏ chúng và người sử dụng weibo không còn chia sẻ hay nhận xét gì được với nội dung này.
Theo Đa Chiều ngày 10/4, không chỉ truyền thông nhà nước Trung Quốc vào cuộc lên án, mà lực lượng ủng hộ Mao Trạch Đông đã sử dụng diễn đàn mạng xã hội đồng loạt tấn công Tất Phúc Kiếm và đòi biến sự kiện này thành hoạt động "đấu tranh chính trị loại bỏ mưu đồ thủ đoạn của phương Tây nhằm phủ định vai trò lịch sử của Mao Trạch Đông".
Những nhóm ủng hộ Mao Trạch Đông trên mạng có đông thành viên theo dõi như Ô Hữu, Mã Bình Bang liên tục có bài công kích và đòi "trừng trị" Tất Phúc Kiếm. Những người này cho rằng không thể xin lỗi hay cách chức là xong! Một nhóm người ủng hộ Mao Trạch Đông ở Miên Dương, Tứ Xuyên đã mang theo ảnh Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình đi biểu tình với khẩu hiệu: "Yêu cầu Trung ương thanh trừng quốc tặc Hán gian trong đài CCTV".
Những người núp dưới vỏ bọc bảo vệ Mao Trạch Đông muốn làm "Cách mạng Văn hóa lần 2"? |
Đa Chiều bình luận, trong toàn bộ sự kiện Tất Phúc Kiếm có thể dễ dàng nhận thấy sự trỗi dậy của một lực lượng chính trị mới ủng hộ Mao Trạch Đông. Chỉ 2 tháng trước đó, những người ủng hộ Mao Trạch Đông từ 13 tỉnh thành đã tập trung về Lạc Dương, Hà Nam mở hội nghị kêu gọi "làm cách mạng, cách mạng toàn diện, cách mạng triệt để".
Trước đó năm 2011 Bạc Hy Lai cũng đã sử dụng lực lượng chính trị này để phát động phong trào "cờ hồng" và coi bản thân như "truyền nhân chính thống" của Mao Trạch Đông. Dưới ngọn cờ này, Bạc Hy Lai bắt đầu tấn công vào khối doanh nghiệp tư nhân núp dưới danh nghĩa truy quét tổ chức tội phạm xã hội đen. Bóng dáng của Cách mạng Văn hóa sau thời Mao Trạch Đông có dấu hiệu quay trở lại sau hơn 30 năm vắng bóng.
Nhưng khi Bạc Hy Lai bị dẹp và phải ra trước vành móng ngựa, lực lượng chính trị này cũng theo đó xẹp xuống. Tưởng rằng những người lợi dụng ngọn cờ Mao Trạch Đông để làm chính trị đã hết đất sống, từ nay không còn cơ hội để gây sóng gió dư luận thì lại xảy ra vụ Tất Phúc Kiếm "chế" Mao Trạch Đông. Lực lượng này đã chớp cơ hội và không buông tha biên tập viên này của nhà đài trung ương.
Đa Chiều bình luận, lực lượng chính trị này đang kêu gọi làm "Cách mạng Văn hóa lần 2", nhưng đó chắc chắn không phải điều 1,3 tỉ dân Trung Quốc mong muốn. Cách mạng Văn hóa "lần 1" đã làm Trung Quốc tụt hậu cả chục năm và để lại nhiều hệ lụy. Mặt khác xã hội Trung Quốc ngày nay không còn nền tảng để có thể xảy ra Cách mạng Văn hóa "lần 2". Nhưng điều này không có nghĩa là "gen" Cách mạng Văn hóa đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trần Tiểu Lỗ, con trai Nguyên soái Trần Nghị từng công khai tuyên bố rằng, "gen" Cách mạng Văn hóa chư bao giờ bị loại bỏ triệt để. Bản thân là một đại diện điển hình của Hồng Vệ binh thời Cách mạng Văn hóa, Trần Tiểu Lỗ nhắc lại rằng, trong các cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật Bản năm 2011, nhiều kẻ đã xông vào tấn công đánh đấm túi bụi những ai đi ô tô Nhật trước bàn dân thiên hạ mà không một ai can ngăn, có thể thấy một nhóm người đã "khống chế" được cả dư luận đám đông.
Hai năm trước, một giáo sư Trung Quốc tranh luận với một nhóm cư dân mạng nhưng không lại, còn bị lực lượng này lôi ra công viên đấu tố. Hình ảnh Hồng Vệ binh điên cuồng, mù quáng và kích động năm nào vẫn lảng vảng xuất hiện. Đa Chiều cho rằng, mặc dù rất khó có thể xảy ra Cách mạng Văn hóa "lần 2", nhưng đúng như Trần Tiểu Lỗ nhận xét, thông qua sự kiện Tất Phúc Kiếm có thể thấy những trái bom "Cách mạng Văn hóa" để lại vẫn có thể phát nổ bất cứ lúc nào, mà sức sát thương của nó thì khó có thể tưởng tượng.