Ông Tập Cận Bình. |
Đa Chiều ngày 4/2 bình luận, hiện tượng các nhà lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu của đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào chính sự, còn gọi là "nguyên lão tham chính" đã đến lúc chấm dứt. Vài tháng trở lại đây Tập Cận Bình thường xuyên nhắc tới cụm từ "quy tắc chính trị" khiến giới quan sát khó có thể lĩnh hội hết thâm ý của ông đằng sau cụm từ này.
Đúng lúc đó truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra lý giải khá rõ: đảng Cộng sản Trung Quốc cần bước vào quy tắc/luật chơi mới để lấp khoảng trống sau khi các lão thành cách mạng rút lui triệt để khỏi thượng tầng quyền lực.
Ông Tập Cận Bình thúc đẩy "luật chơi" mới
Giới phân tích cho rằng, câu này đã bộc lộ thực tế hiện tượng "nguyên lão tham chính" tồn tại lâu năm trong đảng Cộng sản Trung Quốc giờ đây đã kết thúc. Đặc biệt kể từ sau đại hội 18, ông Tập Cận bình đã thể hiện rõ sức lôi cuốn chính trị lần lượt đẩy các nguyên lão thường can thiệp chính trường rời khỏi vũ đài Trung Nam Hải, trong đó 3 quân Át chủ bài là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" được xem như 3 nhân tố quyết định không thể xem thường.
Hiện nay "quy tắc" hay "luật chơi" trở thành từ khóa quan trọng hàng đầu về các hoạt động thượng tầng của Trung Nam Hải trong năm 2015, nói chính xác hơn là "quy tắc/luật chơi chính trị". Tờ Liên Hợp của Singapore ngày 23/1 cho biết, trước khi đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc 2 ngày hồi tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: Điều lệ đảng là "luật chơi chung" mà toàn đảng Cộng sản Trung Quốc phải tuân thủ.
Tuy nhiên giới chức cấp cao Trung Nam Hải còn giải thích một cách rõ ràng và trực diện hơn nhiều về "luật chơi chính trị" mới, đặc biệt kể từ tháng 10/2014 trở lại đây.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng đưa tin, sau khi bế mạc hội nghị trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương tuyên bố: "Cán bộ đảng viên đặc biệt là lãnh đạo cần tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị của đảng". Tiếp đó, dịp cuối năm 2014 ông Tập Cận Bình chủ trì họp Bộ chính trị hôm 29/12 chỉ thị: "Kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị phải nghiêm minh, trong đảng quyết không cho phép kết bè kéo cánh, băng đảng tư lợi".
Hội nghị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương từ ngày 12 đến 14/1 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã dành nhiều thời gian phân tích về kỷ luật chính trị, quy tắc/luật chơi chính trị, yêu cầu coi trọng hơn nữa công tác giữ nghiêm kỷ luật và quy định.
Cụm từ "quy tắc/luật chơi chính trị" lại tiếp tục được ông Bình đưa ra trong hội nghị Thường vụ Bộ chính trị hôm 16/1, trong đó nội hàm không chỉ dừng lại ở chống kéo bè kết cánh, mà còn phải "kiên trì nguyên tắc Ban chấp hành trung ương lãnh đạo tập trung thống nhất là một quy tắc chính trị cơ bản".
Đáng chú ý là hiện tượng "kết bè kéo cánh" theo truyền thông Trung Quốc đang ngày càng đe dọa đến uy tín của đảng Cộng sản Trung Quốc, do đó cần phải dùng quy tắc mới để lấp khoảng trống sau khi các "lão thành cách mạng" rút lui triệt để khỏi vũ đài quyền lực.
Nhấn mạnh việc xây dựng quy tắc chính trị là động thái cho thấy ông Tập Cận Bình muốn xây dựng nó thành chế độ. Đa Chiều cho rằng, hiện tượng "nguyên lão tham chính" lâu nay đã trở thành "đá tảng buộc chân" các nhà lãnh đạo đương nhiệm, không những thế nó còn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Hai cựu nguyên thủ Trung Quốc được cho là đã "rút lui triệt để", ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào. |
Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào chủ động rút lui triệt để
Lâu nay cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân thường trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi nhắc tới đề tài "nguyên lão tham chính. Sau khi nghỉ hưu ông Dân vẫn cứ liên tục tham gia các hoạt động của bộ máy cầm quyền kế nhiệm, nhất là dưới thời ông Hồ Cẩm Đào. Thời kỳ này mỗi khi xuất hiện những động thái mới dù nhỏ trên vũ đài chính trị Bắc Kinh người ta đều thấy ông Giang Trạch Dân xuất hiện trước truyền thông, không biết do vô tình hay là hữu ý.
"Nguyên lão tham chính" không phải điều gì mới lạ đối với nền chính trị Trung Quốc, từ thời phong kiến cổ đại chính trường nước này đã thường xuyên xuất hiện các trường hợp "buông rèm nhiếp chính". Trước đó Đa Chiều đã dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, từ tháng 1/2013 ông Giang Trạch Dân đã có đơn "thỉnh cầu" Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc từ đó về sau hãy xếp ông ngang hàng với các cựu lãnh đạo khác trong các dịp khánh tiết quan trọng mà ông xuất hiện.
Sau đó ông Dân còn nhờ người chuyển lời đến Tập Cận Bình đại ý rằng, khi ông 85 tuổi có góp ý gì phải thì ông Bình có thể tham khảo, trái thì đừng nghe. Khi đã 90 tuổi trở đi, Giang Trạch Dân có góp ý dù đúng hai say, ông Tập Cận Bình cũng không cần để ý.
Tờ The Mainichi của Nhật Bản hôm 19/1 bình luận, vị trí xếp hạng của hai cựu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã tụt xuống rõ rệt trong thời gian gần đây. Truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó khi nhắc tên 2 ông thường đặt sau 7 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm, nhưng hiện nay tên hai nhà lãnh đạo này thường được nhắc đến sau cả 25 ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm. The Mainichi bình luận, đối với phong cách chính trị Bắc Kinh coi trọng các bậc lão thành tiền bối thì đây là một bước thay đổi "long trời lở đất".
Ví dụ gần đây nhất khi nêu danh sách các lãnh đạo, cựu lãnh đạo cấp cao dự lễ truy điệu cựu Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Giang Tô hôm 9/2 vừa qua, tờ Tân Hoa nhật báo của tỉnh này đã xếp tên tuổi ông Hồ Cẩm Đào sau cả ông Triệu Lạc Tế, ủy viên Bộ chính trị - Trưởng ban Tổ chức trung ương. Ngay cả tờ Thanh niên Trung Quốc, cơ quan ngôn luận trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc từng do ông Đào phụ trách quản lý bây giờ cũng có hẳn một bài tựa đề "Trạng thái mới về thứ tự các đồng chí lãnh đạo" để nói về chuyện này.
Đa Chiều cho rằng mặc dù không vui khi thấy cơ quan ngôn luận của Trung ương đoàn xếp hạng mình thấp như vậy, nhưng chính ông Hồ Cẩm Đào cũng là người có quan điểm "trưởng lão hồi hưu bất tham chính sự". Đầu năm 2013, Tân Hoa Xã công bố ông Giang Trạch Dân đã chủ động yêu cầu truyền thông xếp tên ông sau các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm trong lễ truy điệu Dương Bạch Băng, cựu Thư ký Quân ủy trung ương.
Có thể thấy rằng việc một số "nguyên lão" hàng đầu Trung Quốc chủ động rút lui khỏi chính trường đã tạo cho Tập Cận bình mộ ưu thế chính trị quan trọng về "nhân hòa" và giúp ông Bình kết thúc một thời kỳ dài các vị "nguyên lão" can dự chính sự.