Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc. |
Tờ Đa Chiều ngày 10/12 bình luận, đằng sau Tập Cận Bình nếu như 6 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị còn lại tạo thành thê đội quyền lực số 1 Trung Quốc thì một nhóm quan chức nội các "chinh chiến lâu năm" đang trở thành thê đội quyền lực số 2, trực tiếp tham mưu và hoạch định các chiến lược quan trọng cho thường vụ Bộ chính trị. Điển hình cho thê đội quyền lực số 2 là Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, ngoài ra còn có Cao Hổ Thành - Bộ trưởng Thương mại, Từ Triệu Sử, một thuộc hạ thân tín lâu năm của Ôn Gia Bảo nay đang phục vụ trong "doanh trướng" của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.
Tháng 4/2001, vừa nhậm chức Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Dương Khiết Trì đã lên CNN công kích Washington vụ máy bay Mỹ - Trung chạm trán ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ khi đó George Bush đã gọi Dương Khiết Trì là hổ, nhưng hổ Dương để lại ấn tượng khá mạnh với phong cách của một nhà Nho.
Tuy nhiên người kế nhiệm Dương Khiết Trì, Vương Nghị còn "hổ" hơn nhiều. Đa Chiều bình luận, ông Nghị có mắt hổ mày đao, lời nói có gang có thép, chưa phẫn nộ đã tỏ uy phong nên dễ để lại ấn tượng đặc biệt với người đối diện ngay từ lần gặp đầu tiên. Tướng tự tâm sinh, vì vậy không mấy ngạc nhiên khi thấy rằng chính sách ngoại giao Vương Nghị theo đuổi khá cứng rắn, cương mãnh và rõ ràng.
Trong kỳ họp lưỡng hội (Quốc hội và Chính hiệp) Trung Quốc tháng 3 năm nay, Vương Nghị khi nói về tranh chấp Senkaku với Nhật Bản đã tuyên bố: "Năm 2014 không phải 1914, 2014 càng không phải 1894, so sánh với nước Đức trước Thế chiến I hẳng bằng lấy nước Đức sau Thế chiến II làm tấm gương. Chúng tôi quyết không ỷ lớn hiếp nhỏ, nhưng quyết không để nước nhỏ làm trò ăn vạ."
"Trong vấn đề liên quan đến lãnh thổ và chủ quyền, lập trường kiên định của Trung Quốc rất rõ ràng: Cái gì không phải của chúng tôi, một tấc không lấy. Nhưng cái gì thuộc về chúng tôi, một tấc cũng phải bảo vệ", Đa Chiều bình luận phát biểu này cho thấy rõ "hổ tính" của Vương Nghị rõ nhất.
Vương Nghị tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật đại học Ngoại ngữ Quốc gia số 2 Bắc Kinh khóa đầu tiên sau đại Cách mạng Văn hóa. Theo Đa Chiều, luận văn tốt nghiệp của Vương Nghị so sánh lịch sử Trung Quốc với lịch sử Nhật Bản đã làm hội đồng chấm luận văn "cứng miệng" không nói được gì thêm. Vừa vào Bộ Ngoại giao, Vương Nghị đã được giao chắp bút viết diễn văn cho Hồ Diêu Bang chuẩn bị thăm Nhật Bản.
3 ông Vương Nghị, Tập Cận Bình và Dương Khiết Trì. |
Ngoài việc xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm ngoại giao, bố vợ Vương Nghị là ông Tiền Gia Lạc khi xưa là Thư ký ngoại vụ của Chu Ân Lai kiêm Vụ trưởng Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao. Bà Trần Diễm, mẹ vợ ông Nghị cũng từng giữ chức Vụ phó Vụ Châu Á nên sau này việc Vương Nghị tiếp quản vụ này cũng không có gì kỳ lạ.
Từ vị trí Chuyên viên lên Vụ trưởng, năm 2001 thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Vương Nghị mất 19 năm. Hầu như mỗi chức vụ Vương Nghị kinh qua đều xác lập kỷ lục là người trẻ nhất. Đến năm 2013 khi Lý Khắc Cường tổ chức nội các đã xuất hiện một cuộc đua giữa Thứ trưởng Thường trực Trương Chí Quân và Thứ trưởng Vương Nghị vào ghế Ngoại trưởng thay Dương Khiết Trì. Ông Nghị đã thắng, trong đó "hổ tính" trở thành ưu thế và thêm điểm không ít cho ông.
Nếu Dương Khiết Trì từng có kinh nghiệm giao thiệp với phương Tây khi làm Đại sứ tại Mỹ thì Vương Nghị hai lần đi sứ đều qua Tokyo nên một số quan điểm lo ngại ông Nghị thiếu kinh nghiệm làm việc với Mỹ. Nhưng không thể đòi hỏi một quan chức ngoại giao có kinh nghiệm với cả thế giới.
Từ năm 2010 khi Mỹ theo đuổi chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng cân nhắc sức mình sau một thời gian trỗi dậy và quyết định thay đổi tư duy chiến lược ngoại giao. Đặc biệt kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức đã nhanh chóng tìm cách "bình thường hóa môi trường ngoai giao", đồng thời mở rộng không gian thông qua hơn 10 chuyến xuất ngoại, thay đổi căn bản chiến lược giấu mình chờ thời, di sản từ thời Đặng Tiểu Bình để lại.
Chiến lược ngoại giao mới cần Trung Quốc tận dụng mọi trường hợp và hoàn cảnh để thể hiện tư duy mới, quyết tâm cũng như ý đồ chiến lược của mình, từ hội nghị Xây dựng lòng tin và hợp tác châu Á cho đến hội nghị thượng đỉnh APEC đã cho thấy sự chủ động sắm vai nước lớn của Trung Quốc. Phong cách ngoại giao "cương mãnh" của Vương Nghị hiển nhiên phù hợp với tư duy chuyển biến đại cục ngoại giao toàn cầu của Tập Cận Bình.
Đa Chiều bình luận, Trung Quốc "trỗi dậy" tạo thành xung đột với Mỹ trong vai trò bá chủ toàn cầu, Tập Cận Bình muốn đột phá tất nhiên cần phải có những trợ thủ chiến lược. Vương Nghị và Dương Khiết Trì tuổi tác tương đương nhau, nhưng nếu Dương Khiết Trì phù hợp với chính sách giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình hơn thì Vương Nghị càng phù hợp với vai trò mới.
Mặc dù Dương Khiết Trì trở thành ủy viên Quốc vụ viện, về chức vụ cao hơn hẳn Vương Nghị và được cho là người nắm ngoại giao chỉ sau Tập Cận Bình, nhưng thực tế với cá tính của Vương Nghị hiện nay thì ông Nghị mới thực sự là nhân vật số 1 của ngoại giao Trung Quốc, áp đảo Dương Khiết Trì, Đa Chiều nhấn mạnh.