Đà Nẵng nói gì về việc tạm dừng dự án bên sông Hàn?

08/05/2019 06:14
TẤN TÀI
(GDVN) - Thành phố sẽ đàm phán với nhà đầu tư phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, để tăng được diện tích không gian công viên, cây xanh, cảnh quan ven sông...

Đó là thông tin do ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra tại hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự án ven sông Hàn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 7/5.

Hai dự án có trong quy hoạch chung do Thủ tướng phê duyệt

Phó Chủ tịch Đà Nẵng ghi nhận những kiến nghị, ý kiến đóng góp của cộng đồng, của truyền thông, các nhà khoa học…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ tiến hành đàm phán với doanh nghiệp để điều chỉnh quy hoạch nhằm tăng diện tích cây xanh, không gian công cộng... Ảnh: TT
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ tiến hành đàm phán với doanh nghiệp để điều chỉnh quy hoạch nhằm tăng diện tích cây xanh, không gian công cộng... Ảnh: TT

Đặc biệt là những kiến nghị xung quanh công tác bảo vệ môi trường, tăng không gian công viên cây xanh và các công trình công cộng phục vụ cho lợi ích cộng đồng.

Ông Dũng cũng thừa nhận trong quá trình phát triển thì bên cạnh những thành tựu đạt được thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận về những vấn đề còn tồn tại (về quy hoạch) cần phải quan tâm khắc phục.

Với quyết tâm hình thành thêm các không gian công cộng cho người dân như: mở rộng công viên APEC, giữ lại ghềnh đá Nam Ô, mở thêm các lối xuống biển... 

Niềm tin của nhà đầu tư tạo nên thương hiệu Đà Nẵng, đừng đánh mất

Thành phố đã nhận được sự chia sẻ và đồng thuận của các nhà đầu tư và doanh nghiệp thông qua việc hoán đổi, thu hồi và điều chỉnh dự án

Đối với dự án Marina Complex và dự án Olalani, ông Dũng cho biết đã có trong quy hoạch chung do Thủ tướng phê duyệt năm 2013.

Và đã được thành phố cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và Bán đảo Sơn Trà do thành phố phê duyệt năm 2017.

Dự án đã hoàn thành các đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính, các quy hoạch chi tiết.

Ranh giới phần lấn sông của dự án được xác định trên cơ sở của tuyến kè Mân Quan nối tiếp tuyến kè Bạch Đằng Đông là dự án được thực hiện theo chương trình phòng chống Biến đổi khí hậu, chống sạt lở toàn bộ khu vực bờ sông phía Đông sông Hàn.

Dự án đã được sự thống nhất các sở, ban ngành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở khu đô thị Mân Quang và Nại Hiên Đông.

Các hình ảnh quá trình phát triển dự án tại khu vực này cho thấy trước đây là hiện trạng phần đất xây dựng các cơ sở sản xuất thủy hải sản, khu nhà tạm để tái định cư làng chài Nại Hiên Đông.

Dự án Marina Complex và dự án Olalani đã nằm trong quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013. Ảnh: TT
Dự án Marina Complex và dự án Olalani đã nằm trong quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013. Ảnh: TT

Sẽ đàm phán với doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Đà Nẵng cho biết:  “Trước những kiến nghị của người dân, của các nhà khoa học và dư luận, thành phố kịp thời tạm dừng các dự án này để rà soát.

Mục đích nhằm tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian đáp ứng được nguyện vọng của người dân theo đúng tinh thần của thông báo 331 của Thành ủy Đà Nẵng.

Đó là nhất quán quan điểm phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Trên cơ sở sẽ sớm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng pháp luật hiện hành”.

Đà Nẵng nói gì về dự án Bến du thuyền ở quận Sơn Trà?

Ông Dũng chia sẻ thêm, thành phố sẽ đàm phán với nhà đầu tư một phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, làm thế nào đó để tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn;

Và đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Phó Chủ tịch Đà Nẵng cũng chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư và rất mong nhận được sự hợp tác đối với quyết sách của thành phố.

“Quy hoạch đô thị và quá trình xây dựng thành phố mặc dù được khen ngợi, nhưng hôm nay nhìn lại thì chúng ta cũng đã nhận ra nhiều bất cập, tồn tại cần sớm được điều chỉnh.

Vừa qua Chính phủ cho phép thành phố nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch  phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chúng ta cũng đã thuê đội ngũ tư vấn nước ngoài thực hiện nhiệm vụ này.

Đây chính là cơ hội để chúng ta đánh giá tổng thể sự phát triển đô thị trong thời gian qua, kịp thời điều chỉnh, khắc phục những tồn tại để hướng đến đạt mục tiêu mà Nghị quyết 43 đề ra cho thành phố.

Đó là trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045.

Hơn lúc nào hết, sau những khó khăn mà thành phố đã trải qua và đang tiếp tục đối diện xung quanh các vi phạm trong quản lý về đất đai thì rất cần sự chia sẻ của mọi người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và tất cả những ai yêu mến Đà Nẵng”, ông Dũng cho cho hay.

TẤN TÀI