Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Nhiều nhà đầu tư lao đao, kêu vì Đà Nẵng tiền hậu bất nhất” và “Nếu Đà Nẵng cứ hành xử thế này, ai còn dám đến làm ăn nữa?” nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp trước những quyết định của chính quyền địa phương.
Đó là việc một số dự án ven sông Hàn bị tạm dừng để rà soát các thủ tục pháp lý và môi trường, dù rằng các dự án này đã được phê duyệt quy hoạch từ hơn 10 năm trước khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa phương này lo lắng.
Đồng thời, sự việc cũng đưa ra những cảnh báo, nếu không có sự cải thiện quan điểm từ nhà quản lý; sự coi trọng và các biện pháp thu hút đầu tư; thậm chí là sự tuân thủ pháp luật từ người cầm cân nảy mực thì nhà đầu tư sẽ tìm miền đất mới.
Một dự án lấn sông Hàn được cấp phép từ nhiều năm trước. Ảnh: TT |
Doanh nghiệp gặp bất lợi
Tại hội thảo “cơ chế, chính sách thí điểm nhằm nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung” ngày 4/5, với sự tham gia của một số thành viên thuộc Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, một doanh nghiệp đã chia sẻ sự lo lắng về thay đổi chính sách liên tục của các cấp chính quyền: “Doanh nghiệp sợ nhất là sự thay đổi của chính sách. Sự sợ hãi đi liền với giết chết mọi sáng tạo. Có dự án người ta làm 3-5 năm rồi tự dưng có anh nhảy vào, thế là dừng, xong hủy. Nó gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn”.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng cho rằng, chính quyền cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, chứ không phải xem doanh nghiệp như “người bị quản lý” để áp đặt các quy định, chính sách.
Nếu Đà Nẵng cứ hành xử thế này, ai còn dám đến làm ăn nữa? |
Trao đổi bên lề hội thảo về những quyết định “tiền hậu bất nhất” của chính quyền Đà Nẵng liên quan đến dự án ven sông Hàn khiến nhiều doanh nghiệp kêu khổ, Tiến sĩ Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, việc Đà Nẵng cho tạm dừng dự án ven sông Hàn đã được phê duyệt quy hoạch từ nhiều năm trước đó để kiểm tra, rà soát, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Bây giờ chúng ta phải phải tính toán. Có dư luận, có thông tin này kia thì thành phố phải rà lại. Nhưng cũng xét đến yếu tố lịch sử của nó và phải bảo đảm cái quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Việc rà soát phải làm nhanh.
Nếu có gì yêu cầu phải chỉnh sửa hay điều chỉnh thì làm nhanh để doanh nghiệp thực hiện dự án. Bởi những dự án này đã kéo dài, đổ vào đó khá nhiều tiền của rồi nên nếu thành phố ứng xử không đúng sẽ rất bất lợi”, ông Lịch nói.
Theo ông Trần Du Lịch, những dự án này vốn đã có trong kế hoạch triển khai rồi, giờ đúng sai thế nào thì làm rõ để khắc phục, triển khai làm nhanh.
Một nhà đầu tư cũng chia sẻ, chính quyền dũng cảm quyết định để doanh nghiệp triển khai các dự án khi đã có quy hoạch, đánh giá, thẩm định của các Bộ, ngành trung ương.
"Có nhiều luồng thông tin không chính xác nên chính quyền cần thẩm định và bảo vệ các chính sách, quyết định đúng đắn.
Nếu các dự án đúng quy hoạch, đúng pháp luật thì nên cho triển khai để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và nhà nước", nhà đầu tư này nói.
Cần khẩn trương và không gây khó cho doanh nghiệp
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương) cho biết: “Theo như báo chí phản ánh về dự án gần sông Hàn thì Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến xem xét, xử lý.
Nhiều nhà đầu tư đang lao đao, kêu vì Đà Nẵng “tiền hậu bất nhất" |
Có điều chính quyền cần rút kinh nghiệm ở đây là trước khi có những quyết định quản lý hành chính như dừng dự án thì phải có sự giám định của một hội đồng độc lập, để cho nó khách quan, minh bạch”.
Còn về chủ đầu tư, nếu họ đã làm theo đúng các quyết định, quy hoạch nhưng bị cản trở thì họ có thể khởi kiện ra tòa hành chính để đòi bồi thường cho họ.
“Về phía chính quyền, muốn có được niềm tin với doanh nghiệp thì cần phải có sự đối thoại xem họ có ý kiến gì, họ cần bồi thường như thế nào và phải giải trình rõ là vì sao lại đình chỉ, lại rà soát này kia…
Tốt nhất là có đối thoại và mời các chuyên gia độc lập để họ tham gia, góp ý kiến. Đồng thời phải công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, dự án như thế nào để có sự kiểm tra, giám sát”, Tiến sĩ Doanh nói.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng cho hay, ngày 4/5, ông có tham dự cuộc họp của Thường trực Thành ủy để lắng nghe một số vướng mắc về mặt thủ tục của các dự án trên địa bàn, trong đó có các dự án ven sông Hàn mà báo chí đề cập.
Ông Quang cho hay, Bí thư Đà Nẵng là Trương Quang Nghĩa trực tiếp chủ trì cuộc họp này, lắng nghe các nhà đầu tư và đang khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho họ.
Tuy nhiên, để giải quyết các khó khăn này cần có thời gian để hai bên (doanh nghiệp và chính quyền) hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật.
“Quan trọng là thống nhất với nhau về cách tiếp cận. Từ đó, tạo điều kiện cho nhà đầu tư vì thành phố cũng muốn thu hút đầu tư để phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Quang nói.