Đã tìm ra "chìa khóa" hóa giải áp lực nhắn tin, gọi điện miễn phí

31/05/2013 06:45
Hân Ni
(GDVN) - “Chúng tôi nhanh chóng tìm cách hóa giải áp lực mang tên OTT bằng việc tạo lập một quỹ kiểu phòng tránh rủi ro – dành để phát triển các ứng dụng; dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động…” - ông Kim Moon Hak – Trưởng đại diện Korea Telecom tại Việt Nam cho biết. 
LTS: Thực tế cho thấy các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí (OTT) nổi bật như Line, Kakao Talk đều có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây cũng là 2 thị trường có lượng người dùng cài đặt ứng dụng OTT nhiều nhất hiện nay. Câu hỏi đặt ra là tại 2 quốc gia này, các nhà mạng ứng xử như thế nào với các dịch vụ OTT? Họ bị ảnh hưởng như thế nào trước áp lực mang tên ứng dụng miễn phí này? Chia sẻ của một số chuyên gia viễn thông internet quốc tế làm việc tại Việt Nam trên VTC2 có thể sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn, đầy đủ hơn về câu chuyện cạnh tranh mới trên thị trường viễn thông VN thời gian này.

Ứng phó với OTT, Hàn Quốc lập quỹ phòng tránh rủi ro

Tại Hàn Quốc, các ứng dụng OTT phát triển bùng nổ vào cuối năm 2011. Nổi bật là Kakao Talk được ví như cục nam châm nhiều hấp lực khi mà đến thời điểm hiện tại, lượng người đăng kí riêng cho ứng dụng này đạt đến hơn 40 triệu. Doanh thu của nhà mạng ở dịch vụ SMS giảm liên tục vài năm qua, đơn cử tại Sk Telecom mỗi năm giảm khoảng 30%. Tại 2 nhà mạng lớn còn lại là KT và LG U+ cũng ở chung tình cảnh này.
Trước thực tế bị ảnh hưởng nặng nề cho nguồn doanh thu, bước đầu các nhà mạng viễn thông đề nghị Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc-KCC can thiệp, điều tiết, cấm các dịch vụ OTT, và đề nghị đơn vị cung cấp OTT phải trả 1 khoản phí nào đó do sử dụng hạ tầng mạng lưới của nhà mạng tuy nhiên, KCC bác bỏ đề nghị này và cho rằng ứng dụng nhắn tin gọi điện qua VOIP là thể hiện cho sự phát triển của công nghệ.

Tại Hàn Quốc, Kakao Talk được ví như cục nam châm nhiều hấp lực khi mà đến thời điểm hiện tại, lượng người đăng kí riêng cho ứng dụng này đạt đến hơn 40 triệu.
Tại Hàn Quốc, Kakao Talk được ví như cục nam châm nhiều hấp lực khi mà đến thời điểm hiện tại, lượng người đăng kí riêng cho ứng dụng này đạt đến hơn 40 triệu.
Ông Kim Moon Hak – Trưởng đại diện Korea Telecom tại Việt Nam chia sẻ trên kênh VTC2: “Quan điểm của KCC là người dùng đã trả phí cho nhà mạng khi họ sử dụng dịch vụ dữ liệu internet rồi…”.
Một thời gian sau khi các dịch vụ gọi miễn phí tiếp tục phát triển, các nhà mạng cố gắng tự hạn chế, ngăn cản các dịch vụ OTT như KaKao Talk Voice bằng việc làm giảm chất lượng gọi…, tuy nhiên về mặt luật pháp thì không có điều khoản nào cho phép làm như thế. 
Không thể cấm đoán, hạn chế dịch vụ này, trong khi mỗi ngày lưu lượng gọi, nhắn tin qua nền VoIP liên tục tăng, cuối cùng các nhà mạng tại Hàn Quốc đành buộc phải chấp nhận OTT như một xu hướng và thả lỏng để các công ty cung cấp OTT tự do phát triển. 
Ông Kim Moon Hak – Trưởng đại diện Korea Telecom tại Việt Nam cho biết: “Tại Korea Telecom, chúng tôi nhanh chóng tìm cách hóa giải áp lực mang tên OTT bằng việc tạo lập một quỹ kiểu phòng tránh rủi ro – dành để phát triển các ứng dụng; dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động. Chúng tôi phải tìm mọi cách nghĩ xem làm thế nào để nội dung đó tốt, hay hơn. Và không hề đơn giản chút nào, trong cuộc tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, OTT cũng là cú hích để chúng tôi chuyển động và năng động hơn”.

Nhà mạng Nhật Bản tự cung cấp dịch vụ OTT để tăng doanh thu

Nếu Kakao Talk có thị phần vượt trội tại Hàn Quốc thì tại Nhật Bản, Line lại là ứng dụng có nhiều người đăng kí nhất. Ghi nhận trong tháng 1 vừa qua, tại Nhật Bản số người sử dụng Line lên tới 41 triệu tài khoản. Cũng giống như tại Hàn Quốc, ban đầu các nhà mạng cố gắng hạn chế dịch vụ này như hạn chế đường truyền mạng internet, hạn chế luồng truy cập.
Trao đổi với phóng viên, ông Ichikawa Syunsuke - Trưởng phòng kinh doanh nước ngoài công ty cổ phần GMO Internet (Nhật Bản) nhận xét: “Ngay sau đó, các mạng nhận ra hạn chế dịch vụ OTT không khác gì với việc làm cho ngành công nghiệp Internet trong nước trở nên tụt hậu so với thế giới . Và đến thời điểm này, cả những nhà mạng viễn thông lớn của Nhật như KDDI cũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác để cùng chia sẻ lợi nhuận với các nhà cung cấp OTT. Còn nhà mạng viễn thông lớn NTT Docomo cũng đang xúc tiến tự cung cấp dịch vụ OTT nhằm tăng doanh thu”.
Hợp tác - bắt tay với các đơn vị cung cấp OTT là lựa chọn của 1 số nhà mạng của Nhật. Song với 1 số khác như NTT Docomo hay các mạng ở Hàn Quốc thì tự chủ xây dựng dịch vụ OTT và khai thác theo một quy trình khép kín lại là một trong những giải pháp chính để nhằm tạo thêm nguồn doanh thu.
Ông Kim Moon Hak – Trưởng đại diện Korea Telecom tại Việt Nam cho hay: “Cả 3 mạng SK, KT và LG U+ cùng liên minh thiết lập dịch vụ OTT của riêng mình mang tên Joynn nhằm cạnh tranh với các dịch vụ như Line, Kakao Talk. Đây có thể hiểu là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để cạnh tranh. Tuy nhiên, lượng người dùng đăng kí Joynn lại không cao như kì vọng”.
Vì nhiều lý do, sản phẩm OTT của nhà mạng Hàn Quốc không đạt được thành công như mong đợi. Nên hiện tại, để có thêm nguồn thu mới, bù lấp khoản thâm hụt bởi ứng dụng OTT, họ tập trung nhiều hơn vào đầu tư các dịch vụ nội dung gia tăng khác, tận dụng hạ tầng 4G đáp ứng nhu cầu dùng dữ liệu cao của người sử dụng. 
Đồng thời, với mạng 3G, các mạng như SKTelecom đã chính thức tung ra gói cước chia sẻ dữ liệu mới “TNT Sharing” cho phép gọi không giới hạn tới thuê bao nội mạng SkTelecom và nhắn tin không giới hạn tới thuê bao ngoài mạng. Chỉ sau 1 tuần tung ra gói cước mới, nhà mạng đã có thêm được 480.000 thuê bao đăng kí. 
Trong khi các giải pháp như tạo dịch vụ OTT riêng biệt; phối hợp với nhà cung cấp OTT ngoài… còn chưa mang lại giá trị rõ nét, thì gói cước linh hoạt, mang lại lợi ích kinh tế cho người sử dụng được xem là giải pháp hữu hiệu trong cuộc cạnh tranh viễn thông tại Hàn Quốc. 
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hân Ni