Đại biểu Quốc hội lo số liệu tăng trưởng lên xuống đột ngột, không theo logic

01/11/2017 06:09
Lại Cường
(GDVN) - Chiều 31/10, trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đảm bảo số liệu tăng trưởng là tin cậy.

Trong phiên làm việc buổi sáng 31/10, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến về các số liệu tăng trưởng, đặc biệt Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho biết, nhiều cử tri cho rằng số liệu tăng trưởng các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột không theo logic thông thường.

Các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột.

Nếu lý giải là do quý I vào dịp Tết nên sản xuất giảm sút thì không thuyết phục vì được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch nên có giảm sút cũng không thể giảm quá sâu.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Do quy trình ngân sách theo năm nên đầu năm chí ít cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh vì quý I có thể giảm chi đầu tư nhưng các khoản chi khác vẫn phải chi và chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng. 

Đồng thời, sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng để GDP rơi tự do như diễn biến mấy năm gần đây, rất kỳ lạ. Nếu quý IV năm 2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01% thì quý I năm 2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%, giảm hơn 22%.

Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao là 6,68% ở quý IV năm 2016 nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý tiếp theo liền kề quý I năm 2017, giảm xuống còn 5,1%. Và GDP lại đang tăng tốc rất thần kỳ ở các quý cuối năm 2017, quý III đạt 7,46% và dự báo quý IV là 7,31%. Còn quý I năm 2018 có thoát khỏi quy luật bất thường này không thì chưa rõ. 

"Với số liệu trên cử tri cho rằng nếu thống kê tốt không có nghi vấn gì thì tăng trưởng đã có những điểm nghẽn rất bất hợp lý, trái với logic thông thường nên đề nghị Chính phủ phải làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay không để tình trạng này tiếp tục xảy ra ở quý 1/2018 và quý 1 các năm sau", ông Hàm nêu kiến nghị. 

Chiều 31/10, trong phần trình bày của mình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng đã phúc đáp ý kiến của Đại biểu Hoàng Quang Hàm.

Bộ trưởng Dũng cho biết: “Thứ nhất, về tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2017, phải khẳng định về mặt số liệu là đáng tin cậy, phương pháp thống kê là có cơ sở khoa học và khách quan, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thống kê, đã áp dụng nhiều năm nay, được các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế công nhận.

Thứ hai, tăng trưởng GDP quý III đạt mức cao, 7,46%, là quý có khả năng quyết định hoàn thành nhiệm vụ cả năm. Như vậy, quý IV chúng ta chỉ cần đạt 7,31% là cả năm có thể đạt 6,7%.

Theo quy luật, quý IV bao giờ cũng tăng trưởng cao nhất, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được quý IV sẽ đạt kết quả 7,31% để đảm bảo cả năm đạt 6,7%. Tôi xin báo cáo để Quốc hội yên tâm".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định số liệu tăng trưởng là đáng tin cậy (Ảnh: VTV)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định số liệu tăng trưởng là đáng tin cậy (Ảnh: VTV)

Bộ trưởng Dũng cũng báo cáo Quốc hội số liệu tăng trưởng của riêng tháng 10 và 10 tháng trong năm 2017 để chứng minh cho nhận định của mình.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp đạt 8,7%. Cao hơn cùng kỳ đó là 7,3% và 9 tháng đã báo cáo Quốc hội đó là chỉ tăng 7,1%, trong đó ngành chế biến, chế tạo đã tăng cao (13,6%).

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Cả năm ước đạt khoảng 13 triệu và đạt hơn 1 triệu khách/năm. 

Đại biểu Quốc hội lo số liệu tăng trưởng lên xuống đột ngột, không theo logic ảnh 3Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đừng ham dự án mà phát triển nóng

Vốn FDI đăng ký đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so cùng kỳ.

Xuất khẩu tăng mạnh, đạt 125,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cả năm ước xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD.

Bộ trưởng Dũng cũng đánh giá: “Kết quả 10 tháng đang diễn biến tích cực cho thấy tín hiệu khả quan để đạt mục tiêu cả năm”.

Dù đồng ý với ý kiến của đại biểu Hoàng Quang Hàm là có sự khác biệt giữa các quý trong năm nhưng Bộ trưởng lý giái các chỉ tiêu chịu sự ảnh hưởng của chu kỳ sản xuất và yếu tố mùa vụ theo quy luật.

Trước lo ngại quý I năm sau sẽ thấp hơn quý IV của năm trước, Bộ trưởng Dũng cho rằng việc này đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như IFM tổng kết.

Tính bình quân, GDP quý I chiếm 18%, GDP quý II chiếm 24%, quý III 26% và quý IV là 32% tổng giá trị GDP cả năm.

Để đánh giá tổng quan về chất lượng tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí DŨng cho rằng cần đánh giá cả năm, trung hạn và dài nạn.

Trong pần tranh luận của mình với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại biểu Hoàng Quang Hàm đã thống nhất rằng Chính phủ rất quyết tâm, có ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ, chu kỳ. Tuy nhiên, Đại biểu Hàm cũng lưu ý thêm 2 nguyên nhân mà Bộ trưởng cần phải quan tâm.

Cụ thể, đại biểu quốc hội của đoàn Phú Thọ cho rằng hiện tượng chênh lệch tăng trưởng rất lớn giữa các quý chỉ diễn ra trong 3 năm gần đây, các năm 2013, 2014 không như vậy.

“Đầu tiên là chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá, giải pháp đưa ra các quý cuối năm là giải pháp ngắn hạn, như năm 2016 ta khai thác thêm dầu, để đảm bảo quý III, quý IV tăng trưởng, nên quý sau chúng ta bị hụt hơi, giảm sút.

Quý IV năm nay vẫn trông vào ngắn hạn, ví dụ ta đẩy tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 21%, trong khi chỉ còn 3 tháng, hay đẩy mạnh đầu tư công. Các động thái này đều có hệ lụy của nó.

Ta đẩy tín dụng nhưng không xác định tín dụng đi về đâu, thì kiểm soát lạm phát về lâu dài rất ảnh hưởng. Tăng trưởng thì tốt, nhưng tăng trưởng phải bền vững, giải pháp phải căn cơ, lâu dài, chứ không phải ngắn hạn, trước mắt”, Đại biểu Hàm cho biết.

Ông Hoàng Quang Hàm cũng nêu thực trạng tiếp theo là mô hình tăng trưởng không bền vững, dễ bị tổn thương, chưa xuất phát từ nội lực của nền kinh tế.

Cuối phiên tranh luận Đại biểu Hàm cũng chỉ ra: “Chỉ riêng Samsung có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay. Chúng ta phải đẩy mạnh xu hướng tăng trưởng bền vững, dựa vào nội lực của nền kinh tế chứ không phải quá phụ thuộc vào yếu tố tác động bên ngoài.”

Lại Cường