Sự việc trên xảy ra vào khoảng 2h45 ngày 6/9 tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sau khi nhậu say, Nguyễn Văn Hữu (26 tuổi, ở huyện Phú Quốc, Kiên Giang) tìm đến nhà chị Trương Thị Cam Ly, khống chế những người trong gia đình, dùng gạch đập liên tục vào đầu khiến chị Ly bất tỉnh.
Nửa tiếng sau khi nhận tin báo, Công an thị trấn Dương Đông và công an huyện Phú Quốc đã đến nơi xảy ra sự việc.
Trong suốt 2h đồng hồ, mặc dù lực lượng công an kiên trì thuyết phục nhưng Hữu vẫn không buông tha. Thậm chí khi lực lượng công an bắn chỉ thiên cảnh cáo Hữu vẫn ngoan cố nhúng bé Ngọc vào bồn nước.
Trước tình thế cấp bách nguy hiểm đến tính mạng bé Bảo Ngọc, Thiếu tá Lê Minh Chánh đã – Trưởng Công an Thị trấn Dương Đông nổ súng bắn vào bụng đối tượng dìm rồi lao vào cứu cháu bé ra khỏi bồn nước. Đối tượng Hữu sau đó đã chết.
Nói về vụ việc này, Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh - Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho rằng, hành động của thiếu tá Lê Minh Chánh trong vụ việc công an nổ súng bắn hạ đối tượng dìm bé 13 ngày tuổi vào bồn nước là đúng.
Đề cập tới sự việc này, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) nói: “Pháp luật bao giờ cũng lấy giáo dục con người làm đầu, nhưng trong trường hợp này tôi ủng hộ đồng chí công an làm nhiệm vụ đã nổ súng để bảo đảm tính mạng cho cháu bé. Tôi tin rằng cực chẳng đã đồng chí ấy mới phải làm như vậy thôi. Hành vi của kẻ này quá dã man, chỉ riêng hành vi túm cháu bé dốc ngược đã là quá giới hạn rồi chứ chưa nói tới chuyện còn dìm cháu bé vào thùng nước”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An. ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng theo bà Bùi Thị An, hiện nay xã hội đang có nhiều biến chuyển rất khó lường, nhiều kẻ phạm tội hung hãn, sử dụng các loại vũ khí hết sức nguy hiểm, ra tay tàn độc, do đó cần phải có những biện pháp mạnh trấn áp để giữ gìn đời sống bình yên cho nhân dân.
“Nhiều kẻ hung hãn, giết người rất tàn ác, trong số đó nạn nhân có cả trẻ nhỏ. Với những kẻ sẵn sàng cướp đi tính mạng của người khác như vậy thì không thể để cho chúng cơ hội, không thể để sự sống của những kẻ tàn ác này tiếp tục gây ra đau thương cho biết bao người dân lương thiện khác”, bà An bày tỏ.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho hay: “Tôi đồng tình với cách hành xử của đồng chí công an trong trường hợp này để đảm bảo tính mạng cho cháu bé thì cần thiết nổ súng. Tôi nghĩ đa số người dân sẽ có suy nghĩ giống như tôi. Ranh giới giữa sự sống và cái chết với cháu bé lúc ấy quá mong manh, cháu chỉ hơn chục ngày tuổi bị xách dốc ngược như vậy đã là quá dã man rồi chứ chưa nói tới chuyện còn bị đe dọa thả vào thùng nước.
Nếu không quyết đoán trong tình huống ấy tính mạng của cháu bé còn nguy hiểm hơn nhiều, chỉ ít giây bị ngạt nước có thể lấy đi mạng sống của cháu bé, hoặc gây tổn hại nghiêm trọng tới não của trẻ”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo. ảnh: Ngọc Quang. |
Trong quá khứ đã xảy ra nhiều vụ việc mà lực lượng công an buộc phải nổ súng trước sự hung hãn của các đối tượng, trong đó có ba vụ việc điển hình:
Vụ thứ nhất, vào năm 2011, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp truy bắt và bắn chết Bùi Văn Trung (24 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) khi tên này liên tiếp sử dụng súng cướp xe của người dân và bắn chết anh Lê Thanh Tâm (cảnh sát tập sự tại Công an huyện Cẩm Mỹ).
Điều 257 Bộ luật hình sự quy định: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu chưa đến mức truy cứu hình sự, người vi phạm bị xử phạt theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt 2 triệu - 3 triệu đồng đối với hành vi: b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Phạt 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ. |
Vụ thứ hai, vào tháng 11/2014, tại TP.HCM cảnh sát đã truy đuổi 2 tên tội phạm cướp giật chiếc điện thoại của người đi đường. Hai kẻ liều lĩnh ném mũ bảo hiểm vào cảnh sát, áp sát đạp xe cảnh sát. Sau khi bắn chỉ thiên nhiều phát, lực lượng truy đuổi đã phải nổ súng vào đùi trái của đối tượng, bắt gọn 2 tên cướp.
Vụ thứ ba xảy ra vào cuối tháng 5/2015, Đại uý Lương Văn Phong (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự – cơ động Công an huyện An Dương) làm nhiệm vụ tại khu vực nhà trọ ở thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi đã phải nổ súng tiêu diệt Bùi Đức Ngọc sau khi bị tên này dùng kiếm truy sát, chém nhiều nhát vào người.
Đây là những vụ việc điển hình khi đối tượng táo tợn sử dụng vũ khí nhằm triệt hạ lực lượng làm nhiệm vụ và cả những người dân vô tội.
Liên quan đến câu chuyện các đối tượng chống người thi hành công vụ, trước đây đã xảy ra nhiều tranh luận về việc Cảnh sát giao thông có được nổ súng không (súng sử dụng đạn cao su) khi bị tấn công hoặc đối tượng gây nguy hiểm cho những người khác đang tham gia giao thông?
Mặc dù pháp luật đã quy định rất rõ những trường hợp được phép bắn đối tượng, tuy nhiên qua tìm hiểu, nhiều Cảnh sát giao thông cho biết, họ chỉ cố gắng kiềm chế đối tượng sau đó báo lực lượng công an phường, Cảnh sát 113 phối hợp bắt giữ, do việc nổ súng (dù là đạn cao su) nhưng sau đó phải làm giải trình mất rất nhiều thời gian, đôi khi còn có cả những phiền phức ảnh hưởng tới công việc.
Đề cập tới các vụ việc nhiều kẻ “máu lạnh” tấn công người dân và lực lượng chức năng bằng nhiều loại vũ khí nguy hiểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Pháp luật là để nhằm ngăn chặn cái ác, tạo cho những người mắc sai lầm trở về với cộng đồng, nhưng trong một số trường hợp cái ác ấy quá tàn bạo thì phải có biện pháp mạnh, đấy cũng là cách răn đe giáo dục cho nhiều kẻ khác. Tôi lấy thí dụ trong trường hợp này, nếu nhân đạo với một kẻ vô lương tâm như tên Hữu thì vô tình lại vô nhân đạo với cháu bé và người mẹ trẻ”.