Trong phiên thảo tại Quốc hội vào ngày 30/5, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) - Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói thẳng kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước "chậm dần đều".
Theo ông Giang, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại nhiều hạn chế, trong nhiều báo cáo đã chỉ ra như việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn theo đúng kế hoạch, còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối đặc biệt là tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước.
Việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, còn vi phạm.
Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả.
"Qua theo dõi, tôi thấy số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2018 cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ đạt 17% với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyến sang năm 2020, chiếm 23% và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành", ông Giang nói.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang. ảnh: quochoi.vn |
Về nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân khách quan tồn tại đã lâu, nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước nên việc xác định giá trị doanh nghiệp gặp khó khăn; một số quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn dược ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, thời gian thực hiện dài, nhất là về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa; công tác xác định giá trị doanh nghiệp bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước dẫn đến quy trình, thời gian thực hiện kéo dài hơn, các quy định về cổ phần hóa chưa xử lý triệt để.
Một số vướng mắc liên quan đến nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Về nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong việc thực thi chính sách pháp luật chưa nghiêm; nhiều cấp, nhiều ngành chưa tích cực chủ động triển khai nhiệm vụ; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn, gây bức xúc trong dư luận; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, việc xác định xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu ra 3 thí dụ cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua cho thấy thiếu công khai, minh bạch; lợi ích nhóm; có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của phát luật:
Thứ nhất, trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ Bộ Giao thông vận tải với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn, không đúng với đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ trước đó phê duyệt.
Trong chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành hai văn bản trái phép cho phép công ty Hợp Thành sở hữu 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu bộ hủy bỏ hai văn bản kiến nghị và thu hồi 75% cổ phần cảng Quy Nhơn đã bán cho công ty Hợp Thành.
Rõ ràng đây là sự vi phạm từ phía cơ quan quản lý nhà nước là chính nếu loại trừ yếu tố cấu kết của doanh nghiệp với cơ quan quản lý, lợi ích nhóm; cho thấy điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa.
Thứ hai, quá trình cổ phần hóa Công ty rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn. Ở đây, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, các khoản nợ của doanh nghiệp đối với nhà nước thì ý kiến của các cơ quan nhà nước rất khác nhau. Do đó, sau quá trình cổ phần hóa thoái vốn nhà nước rất khó khăn trong việc thu hồi các khoản nợ đối với ngân sách nhà nước.
Thứ ba, cổ phần hóa Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. Có thể thấy, việc cổ phần hóa đối với công ty rất thành công. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, do sự tranh chấp của các nhóm cổ đông và các nhóm cổ đông không có quyền yêu cầu Tòa án thụ lý quyết định giải quyết vụ việc tranh chấp thương mại nhưng đã có yêu cầu và tòa án đã thụ lý ra quyết định giải quyết vụ việc này, đồng thời với đó là ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Sau đó, cũng chính tòa xác định là các cổ đông không có thẩm quyền yêu cầu và cũng đã hủy quyết định thụ lý và sau đó hủy áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tôi cho rằng như vậy ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể thấy, với cách làm trên đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, góp phần làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước.
Về giải pháp trong thời gian tới, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái hóa vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch đã đề ra. Thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp, có lộ trình thời gian cụ thể để cổ phần hóa, thoái vốn.
Thứ hai, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như các cơ quan tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Cũng trong phiên thảo luận ngày 30/5, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng từ các vụ án kinh tế một cách triệt để.
Ông Hận nói: "Thu hồi triệt để tài sản liên quan vụ án kinh tế tham nhũng trong nhiệm vụ giải pháp thứ 5 mà Chính phủ đề ra. Đây là giải pháp hiệu quả, cần thiết ở các khía cạnh sau: trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta còn khó khăn, nhiều công trình, hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn để đầu tư thì các vụ án kinh tế tham nhũng được phanh phui làm thất thoát của nhà nước hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tỷ đồng. Các cá nhân gây ra vấn đề này là tội đồ đáng lên án và bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Theo tôi, với hành vi cố ý gây thoát thoát và tham nhũng hàng chục tỷ đồng cho dù bản án cao nhất là tử hình vẫn chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng xã hội, bởi với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng thì chúng ta có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, suối xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, lũ quét, lũ ống thì góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng do các hiện tượng thiên tai gây ra trong thời gian qua.
Vì vậy, ngoài chế tài nặng vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát là một nội dung hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, chống được tư tưởng hy sinh đời bố ở tù chỉ vài chục năm nhưng gia đình, vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời.
Nếu chúng ta thu hồi đầy đủ tài sản do tham nhũng gây ra, cùng với sự tù tội của bản thân, sự ô nhục của dòng họ, cộng thêm gia đình phải gánh chịu, khắc phục hậu quả kinh tế do mình gây ra thì tôi tin chắc nhiều người sẽ cân nhắc, không dám phạm tội".