Đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý hình sự cá nhân gây nợ xấu và chây ì trả nợ

07/06/2017 14:07
Trinh Phúc
(GDVN) - "Cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành song song và khẩn cấp về xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu".

Nợ xấu các tổ chức tín dụng đang là lực cản để phát triển kinh tế và gây nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao cho toàn hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, cần thiết giải quyết nợ xấu hiện nay là một yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, xử lý như thế nào để vừa đảm bảo được tính thượng tôn pháp luật lại đảm bảo sự an toàn cho nền kinh tế trở thành vấn đề bàn luận sôi nổi của các Đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận tại nghị trường về Nghị quyết xử lý nợ xấu sáng 7/6.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt đoàn Gia Lai ( ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt đoàn Gia Lai ( ảnh nguồn quochoi.vn).

Theo Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai): “Tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn là cục máu đông gây ách tắc nền kinh tế, chậm bị xử lý ảnh hưởng đến nguồn vốn, doanh nghiệp khó vay, khó trả lãi suất ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và cơ hội phát triển của các doanh nghiệp.

Nợ xấu không hoàn toàn phải lỗi hết từ các tổ chức tín dụng và đương nhiên Nhà nước không có trách nhiệm xử lý hết nợ xấu cho ngân hàng.

Nhưng thực tế, sự quan tâm của toàn xã hội đối với các vụ đại án nghì tỷ đưa ra xét xử lộ rõ các quan chức thuộc các tổ chức tín dụng gây ra và còn không ít vụ tương tự chưa bị lộ và mối liên hệ với các dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu gây xót xa trong dư luận.

Do đó, điều cần thiết phải chỉ rõ tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, đánh giá xếp theo thứ tự để có giải pháp phù hợp.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm chủ quan trong từng giai đoạn của các lãnh đạo. Nếu không làm rõ trách nhiệm từng giai đoạn thì vô hình trung đã tạo điều kiện để phủi, đùn đẩy trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm, thậm chí bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực này, tạo ra tiền đề xấu”.

Đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý hình sự cá nhân gây nợ xấu và chây ì trả nợ ảnh 2Xử lý hình sự cá nhân gây ra nợ xấu để tránh lạm dụng và vô trách nhiệm

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng: “Nhiều người dân không thực hiện đúng mục đích khi vay vốn, kinh doanh mạo hiểm sai mục đích, thậm chí còn dùng vốn vay mua xe sang để đi nên mới có câu 'Tiền thì tiền ngân hàng, người thì người trại giam'. Chưa nói đến chuyện một số trường hợp cho vay có chỉ đạo.

Vì vậy, Quốc hội ban hành Nghị quyết là cấp bách cần thiết, song đây là giải pháp tạm thời chứ không phải lâu dài”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn, đoàn Hà Tĩnh đóng góp ý kiến: “Đồng thời với việc xử lý nợ xấu, Chính phủ cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu sao cho công khai minh bạch”.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh nguồn quochoi.vn).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Nghị quyết này là mang tính chất nhất thời, cá biệt.

Nghị quyết phải xây dựng sao cho hết sức minh trị và minh bạch, đọc lên cử tri hài lòng và tham gia giám sát được. Nghị quyết xử lý nợ xấu không phải là Nghị quyết xử lý trách nhiệm về nợ xấu.

Trách nhiệm về hình sự, dân sự của các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu phải được xử lý theo luật hiện hành.

Quốc hội cần ghi rõ trong Nghị quyết này giao cho Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành song song và khẩn cấp về xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu.

Đặc biệt yêu cầu Chính phủ truy tìm thu hồi tài sản do tham nhũng đang được tẩu tán điều này tạo nên nguồn lực để xử lý nợ xấu. Quy định trách nhiệm thi hành giám sát việc thực hiện nợ xấu rõ ràng.

Đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý hình sự cá nhân gây nợ xấu và chây ì trả nợ ảnh 4Cần làm rõ và xử lý trách nhiệm người gây ra nợ xấu

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ghi rõ các khoản nợ xấu nào của ngân hàng nào và vì sao để Quốc hội theo dõi và giám sát và Quốc hội quy định giải trình trong các kỳ họp”.​

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn Nghệ An: “Nợ xấu và nợ công hai thứ nợ mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Nhiều đại biểu yêu cầu quy trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này.

Người đi vay nợ khi đến vay tìm mọi cách để vay được, mang về tiền tươi, tóc thật nhưng khi đến hẹn trả nợ thì không chịu trả, không thực hiện cam kết, tìm cách chây ì.

Rất đồng tình xử lý hình sự các trường hợp vay, mượn, thuê tài sản nhưng đến hạn trả chây ì nhưng có điều kiện để trả.

Do đó, luật pháp cần thiết phải nghiêm khắc để đòi nợ, nên tôi rất ủng hộ điều Nghị quyết này.

Trong xử lý nợ xấu, không dùng công quỹ, ngân sách để trả nợ xấu. Phải xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân gây ra nợ xấu. các tổ chức tín dụng tăng lên quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu”.

Trinh Phúc