Ngày 27/1/2011, Trung Quốc chính thức công bố, hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu bắt đầu hoạt động phục vụ, người phán ngôn của dự án nhấn mạnh, Bắc Đẩu sẽ cung cấp các dịch vụ đo vẽ bản đồ, nghề cá, giao thông, khí tượng và viễn thông.
Nhưng, tờ “United Daily News” Đài Loan ngày 28/12 tỏ ra quan ngại rằng, sau khi hoàn thành, hệ thống Bắc Đẩu sẽ đe dọa đến an ninh Đài Loan.
Thậm chí có chuyên gia cho rằng: “Sóng điện định vị tàng hình phát từ vệ tinh đã trở thành mối đe dọa mới của Đài Loan, mối đe dọa sẽ lớn hơn so với tên lửa và máy bay chiến đấu”.
Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu - Trung Quốc |
Quân sự hóa vệ tinh Bắc Đẩu?
Tờ “United Daily News” cho rằng, hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu về cơ bản chủ yếu đáp ứng dịch vụ thương mại, tuy hiện nay tác dụng quân sự vẫn có hạn, nhưng nó vẫn có tiềm năng ứng dụng quân sự to lớn, đây cũng là trọng điểm phát triển tương lai của Trung Quốc, mức độ đầu tư thậm chí sẽ vượt cả công trình lên Mặt Trăng và hàng không vũ trụ mang theo con người.
Bài báo cho rằng, tuy rằng trong những năm gần đây ứng dụng định vị dẫn đường vệ tinh của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, nhưng hầu hết phạm trù ứng dụng quân sự và dân sự đều thiết lập trên hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS của Mỹ.
Do đó, một khi xảy ra chiến tranh, Mỹ đóng GPS hoặc dùng cách trì hoãn gửi tín hiệu để tăng báo lỗi tín hiệu dân sự, sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho quân đội Trung Quốc.
Tờ “United Daily News” còn đặc biệt nhấn mạnh đến tác dụng nâng cao uy lực cho hệ thống tên lửa Trung Quốc từ vệ tinh Bắc Đẩu. Bài báo cho biết, số lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc đứng thứ ba thế giới, nhưng so với Mỹ, Nga, vẫn thiếu khả năng dẫn đường chính xác.
Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào đầu tư cho hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu |
Tuy nhiên, cùng với việc hình thành chùm vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu và nâng cao mức độ định vị chính xác của nó, độ chính xác dẫn đường và khả năng tác chiến tầm xa của các loại vũ khí của Trung Quốc cũng tăng lớn, chắc chắn đe dọa đến an ninh của Đài Loan và quân đồn trú Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Tờ “United Daily News” còn lấy bom thông minh dòng LS (Lôi Thạch), được Trung Quốc ra sức chào hàng trong những năm qua, để giải thích về “giá trị quân sự” của hệ thống dẫn đường vệ tinh.
Bài báo cho biết, khoảng cách tấn công tối đa của loại bom này chỉ 65 km, nhưng phụ thuộc vào dẫn đường của tín hiệu định vị vệ tinh, thiết bị phóng không cần phải tới gần khu vực mục tiêu, sau khi trực tiếp phóng ở ngoài biển sẽ tự bay tới mục tiêu.
Có chuyên gia quân sự cho rằng, chi phí chế tạo bom LS rẻ, trong khi đó Đài Loan mua một quả tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 phải chi một khoản tiền lớn là 3 triệu USD, cơ bản không thể chống lại bom LS khi được phóng tập trung.
“Mối đe dọa Bắc Đẩu” đã có hơn 10 năm
Trên thực tế, từ khi hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu thế hệ thứ nhất được bắt đầu nghiên cứu phát triển vào thập niên 1990 đến nay, báo chí Đài Loan đã tập trung chú ý đến sự phát triển của nó.
Do vệ tinh Bắc Đẩu thế hệ thứ nhất áp dụng công nghệ định vị tương đối đơn giản, vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo cao 36.000 km, mức độ định vị chính xác khá thấp, không gây được nhiều chú ý, trái lại các đơn vị quân sự và dân sự Trung Quốc nhập nhiều thiết bị thu tín hiệu GPS lại gây lo ngại.
Nhưng, những năm gần đây, sau khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ hai hoàn toàn mới trên cơ sở vệ tinh Bắc Đẩu-2, mức độ quan tâm của giới quân sự và dư luận Đài Loan tăng lên rõ rệt.
Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu sẽ cung cấp nhiều dịch vụ hữu ích cả dân sự và quân sự |
Chuyên gia quân sự Đài Loan Cao Trí Dương từng có bài viết “Chống lại Bắc Đẩu” cho rằng, hệ thống Bắc Đẩu trong tương lai ngoài tác dụng tăng cường hiệu quả tấn công chính xác cho quân đội Trung Quốc, điều quan trọng hơn là giống như GPS cung cấp dịch vụ dẫn đường chính xác cho máy bay, tàu nổi và tàu ngầm, định vị nhanh cho các vị trí phóng của các loại vũ khí như xe phóng cơ động tên lửa đạn đạo (TEL), pháo tự hành và pháo nhiều nòng, rút ngắn thời gian phản ứng đối với các hành động đặc biệt như tìm kiếm cứu nạn, định vị gỡ mìn trên mặt nước.
"Kích hoạt Bắc Đẩu có lợi cho dân sinh hai bờ"
Về việc báo giới Đài Loan liên hệ giữa việc kích hoạt Bắc Đẩu với tình hình quân sự ở eo biển Đài Loan, tại một cuộc họp báo thường lệ ngày 28/12/2011, người phát ngôn của Ủy ban Đài Loan Trung Quốc Dương Nghị Minh cho biết, sự lo ngại này là quá thừa, “các loại dịch vụ do vệ tinh Bắc Đẩu cung cấp còn có thể tăng thêm lợi ích cho nhân dân hai bờ, phục vụ cho đồng bào Đài Loan”.
Trung Quốc phóng vệ tinh Bắc Đẩu |
Ngày 28/12/2011, người phát ngôn thông tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, các hệ thống dẫn đường vệ tinh trên thế giới đều là hệ thống lưỡng dụng (quân sự và dân sự), Trung Quốc xây dựng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu là để đáp ứng nhu cầu dân dụng đa dạng, cũng có lợi cho xây dựng quốc phòng của Trung Quốc.
Điều cần nói rõ là, Trung Quốc luôn cố gắng thúc đẩy tích hợp giữa hệ thống Bắc Đẩu với các hệ thống dẫn đường vệ tinh khác của thế giới.