Nếu có giải về “sự kiện đáng quên nhất năm 2016” ở Thanh Hóa, người viết xin mạnh dạn đề cử vụ việc “Quan đóng cửa đi chùa”, xảy ra cách đây không lâu tại Ban quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung - Tiểu dự án Thanh Hóa (trực thuộc sự quản lý của UBND thành phố Thanh Hóa).
Tờ Vnexpress.net hôm 19/2 đưa tin, sáng cùng ngày, nhiều người đến Ban quản lý dự án này để liên hệ công tác, nhưng bắt gặp cảnh “cửa đóng, then cài” ngay trong giờ làm việc (thứ 6).
Không chỉ cổng chính ra vào cơ quan đóng mà tại thời điểm trên, phòng làm việc của ông Trịnh Văn Bản - Trưởng ban quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung - Tiểu dự án Thanh Hóa và các phòng Phó ban cũng như nhiều phòng làm việc khác đều khóa trái cửa.
Hỏi ra mới biết, hóa ra cả cơ quan đóng cửa trong ngày làm việc để… đi chùa.
Cũng thật không may cho cán bộ Ban quản lý, khi những hình ảnh nhậu nhẹt, chơi bời trong ngày hôm đó đều được ghi lại một cách cụ thể, rõ ràng.
Nếu không có bằng chứng cụ thể như vậy, có lẽ chuyến hành hương lên chùa của cán bộ đơn vị này rất có thể bị “biến tướng” thành… chuyến đi tập huấn?
Ngày làm việc nhưng công sở Ban quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung (TP. Thanh Hóa) cửa đóng then cài. Ảnh: Lam Sơn/Vnexpress.net). |
Có trách chỉ nên trách cán bộ Ban quản lý này một phần. Phần còn lại là lỗi thuộc về cái lễ hội ở đền, chùa kia.
Ai bảo nó diễn ra vào ngày làm việc, để cán bộ cơ quan phải "nhấp nhổm", rồi vi phạm kỷ luật vì bỏ nhiệm sở đi chùa.
Và nếu đưa ra một lý do hợp lý nhất để bao biện cho việc cán bộ bỏ cơ quan đi chùa chắc cũng không ngoài câu: “Cán bộ đi chùa mong cải thiện môi trường bằng… tâm linh?”, bởi một số dự án do đơn vị quản lý từng “được tiếng” là chậm tiến độ.
Sau khi sự việc được phát giác, Chủ tịch UBND tỉnh
Thành phố Thanh Hóa dựa vào đâu để nói người dân "không có quyền khiếu nại?" |
Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm của Ban quản lý dự án cải thiện môi trường miền Trung tiểu dự án Thanh Hóa.
Và cụm từ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” tiếp tục được vận dụng trong xử lý cán bộ.
Mà ở thành phố Thanh Hóa không chỉ có riêng chuyện bi hài như thế này đâu! Có những chuyện dân tức ứa ước mắt nhưng cũng đành chịu chết.
Câu chuyện mà người viết muốn đề cập dưới đây liên quan tới vụ cán bộ UBND thành phố Thanh Hóa giả mạo hồ, sơ cấp sai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái luật tại địa chỉ nhà 38 Tống Duy Tân, đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Câu chuyện xuất phát từ việc Bà Nguyễn Thị Kỳ nhận chuyển nhượng thửa đất 124 từ bà Nguyễn Thị Cúc tại địa chỉ 38 Tống Duy Tân với số tiền 3.5 tỷ đồng.
Nhưng thật không may, sau khi nhận chuyển nhượng, hộ dân này phát hiện bà Cúc có một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác số BĐ 473970, được UBND thành phố cấp “đè” lên diện tích đã được cấp sổ đỏ trước đó (thửa đất 124, bà Cúc đã chuyển nhượng cho bà Kỳ)...
Mặc dù đã chỉ rõ cán bộ lập khống, giả mạo hồ sơ, cấp sổ đỏ vụ 38 Tống Duy Tân, nhưng UBND thành phố Thanh Hóa chỉ khắc phục hậu quả“nửa vời”, thoái thác trách nhiệm.
Trong khi đó, người dân có nguy cơ mất tiền tỷ từ việc làm tắc trách của cán bộ UBND thành phố Thanh Hóa.
Nói như cách nói của Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, thì đây là hành vi cố ý làm trái, có mục đích, có chủ ý. Trong khi đó, cán bộ vi phạm vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật (GDVN hôm 14/3).
Đọc xong loạt bài này, có lẽ nhiều người cũng cảm thấy chua chát, cay đắng, cảm thông với bà Kỳ trên hành trình đi tìm công lý.
Bởi suốt gần 2 năm qua, người phụ nữ này đã cầm hàng trăm lá đơn, gõ cửa quan, “cầu cứu”, mong tìm lại công lý nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Cái người dân nhận được từ cán bộ UBND thành phố Thanh Hóa trong vụ việc này chỉ là thái độ thái độ vô cảm, hạch sách, gây phiền nhiễu của những người được gọi là "công bộc", là "đầy tớ" của dân.
Những quyết định sai trái, tắc trách của cán bộ thành phố Thanh Hóa, có nguy cơ gây thiệt hại tiền tỷ cho dân, đến nay vẫn được dung túng.
Và lời hứa của ông Đào Trọng Quy, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa “sẽ xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm, trả lại quyền lợi cho dân”, bao giờ mới được thực hiện?
Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa từng hứa “sẽ xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm, trả lại quyền lợi cho dân” (ảnh: ĐỨC THIỆN). |
Rõ ràng, khi đặt câu chuyện "Quan đóng cửa đi chùa" và chuyện dân mòn mỏi chờ công lý (vụ 38 Tống Duy Tân), liên quan tới trách nhiệm quản lý của UBND thành phố Thanh Hóa, mới thấy hết sự đối lập, nghịch lý đang diễn ra tại chốn công quyền.
Đến đây, người viết ước ao, giá như cán bộ UBND thành phố Thanh Hóa giải quyết quyền lợi cho dân trong vụ 38 Tống Duy Tân, cũng được "nhiệt tình" như chuyện cả cơ quan bỏ nhiệm sở đi chùa trong giờ làm việc thì dân đã được nhờ.
Ngược lại, dân không cần cán bộ thuộc bài, giỏi nói suông đâu, thưa Chủ tịch!