Dân muốn biết nhân sự được giới thiệu vào Trung ương đã làm được gì?

09/05/2020 07:09
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh về việc giới thiệu đúng người, bổ nhiệm đúng vị trí trong công tác nhân sự cho Đại hội Đảng sắp tới.

Công tác cán bộ luôn được dư luận quan tâm, đặc biệt là trước thời điểm Đại hội Đảng khóa 13.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu mới đây về vai trò của công tác nhân sự đã nhấn mạnh: “Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

Ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: giaoduc.net.vn
Ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: giaoduc.net.vn

Với 60 năm tuổi Đảng, nhiều năm gắn bó với vị trí thanh, kiểm tra trong Đảng, ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc lựa chọn nhân sự, đặc biệt là các nhân sự được giới thiệu vào Trung ương tới đây

Ông nêu thực tế: “Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô đã cho chúng ta rất nhiều bài học, trong đó có bài học về việc lựa chọn cán bộ.

Đảng có mạnh hay không thì một trong vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện tốt chiến lược công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt”.

Vị nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, Bác Hồ đã nói “Muôn việc thành, bại đều do công tác cán bộ”.

Làm sao lựa chọn được người cán bộ vừa có tài, vừa có đức để phục vụ cho sự nghiệp của Đảng, của đất nước và nhân dân là nhiệm vụ rất khó.

Từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, có đến gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm đến mức kỷ luật, kể cả xử lý hình sự.

Thực tế trên cho thấy, dù đã có nhiều thay đổi, cố gắng nhưng chúng ta chưa đạt yêu cầu, hay nói cách khác vẫn còn để lọt vào cơ quan cao cấp của Đảng, Nhà nước những cán bộ không tốt, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích dân tộc.

Ông Sửu cho rằng: “Cán bộ mà vừa được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn đã “tâm tư” về chế độ xe cộ, đãi ngộ thì cũng đủ biết cán bộ đó thế nào?

Cán bộ đối xử với người dân trong khu phố, với gia đình như như thế nào dân cư quanh đó phải biết.

Còn nếu sống ở biệt thự xa hoa, làm quan các vị và gia đình không tiếp xúc với người dân quanh đó thì nó cũng phần nào nói lên con người của các vị ra sao”, ông Sửu nói.

Cán bộ nào thì phong trào đó
Cán bộ nào thì phong trào đó

Vì thế, theo ông Sửu, phải xem xét rất cụ thể, phân tích rất chi tiết, từng giai đoạn của cán bộ nhân sự được giới thiệu.

“Cán bộ đó được giao nhiệm vụ có hoàn thành không hay báo cáo hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng thực tế ở ngành anh phụ trách thì quản lý yếu kém, dự án triển khai thì bết bát thua lỗ?

Lãnh đạo địa phương thì lùm xùm ưu ái cho doanh nghiệp sân sau trúng thầu dự án…?

Tôi mong rằng, từng nấc thang tiến lên của cán bộ được giới thiệu vào Trung ương sẽ được đánh giá rất cụ thể, chi tiết.

Anh làm chủ tịch, bí thư tỉnh, cả một khóa nhưng dấu ấn không có gì nổi bật. Trong khi đó, địa phương lại tồn tại vi phạm về đất đai, thất thoát nguồn lực thì có nên tiếp tục giới thiệu vào Trung ương không?

Hay có vị “án binh bất động”, nói không làm hoặc chỉ “đi nhẹ, nói khẽ”, không làm gì hết nhưng vẫn tín nhiệm cao, vẫn hoàn thành nhiệm vụ thì rõ ràng không phản ánh đúng bản chất vấn đề.

Vì thế, nếu không xem xét, phân tích cụ thể thì làm sao đánh giá được con người, làm sao đặt họ đúng vị trí sở trường”, ông Sửu phân tích.

Theo ông Sửu, chúng ta đang tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó công tác nhân sự bao giờ cũng được quan tâm hàng đầu bởi đó là sự kế tiếp của đội ngũ lãnh đạo mới để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Người dân đều mong mỏi việc lựa chọn cán bộ phải dựa vào thực chứng ở từng vị trí cụ thể, chứ không phải những tiêu chí hình thức chung chung.

Cách thức làm công tác nhân sự phải hết sức dân chủ, minh bạch mới có thể chọn được cán bộ phù hợp đủ đức, đủ tài.

Về lâu dài, theo vị nguyên Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương: “Việc lựa chọn cán bộ nhân sự trong Đảng cần phải có sự đổi mới thay vì chủ yếu dựa vào quy hoạch như hiện nay. Nếu cứ làm theo quy hoạch, làm tuần tự thì có thể dễ bỏ sót người tài”.

Nhật Minh