ĐBQH Trương Thị Huệ |
Thảo luận tại hội trường về dự thảo hiến pháp sửa đổi 1992, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn đề cập, góp ý để hoàn thiện hơn cho điều 4 trong dự thảo hiến pháp.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, theo ĐBQH Ya Duck đoàn Lâm Đồng, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được kiểm chứng trong lịch sử, thực sự đem lại lợi ích trong nhân dân và được nhân dân ghi nhận. Khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCS trong hiến pháp là hợp lòng dân.
Tuy nhiên ông Ya Duck cũng đề nghị sửa khoản 1 điều 4, qua đó ĐCS Việt Nam phải được quy định rõ là “lực lượng duy nhất lãnh đạo” nhà nước và xã hội. Vì là lực lượng lãnh đạo “duy nhất” nên phải thêm cụm từ “chịu trách nhiệm” trước nhân dân về sự lãnh đạo của mình.
Đối với quy định tổ chức của Đảng và Đảng viên, ĐB đề nghị bổ sung và sửa theo hướng: các tổ chức của Đảng và Đảng viên phải gương mẫu và hoạt động theo hiến pháp và pháp luật. Vì Đảng viên và tổ chức của Đảng là đội tiên phong nên phải chấp hành nghiêm hiến pháp và pháp luật để làm gương.
Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam tại Điều 4 hiến pháp sửa đổi, nhưng để quy định thêm chặt chẽ, ĐBQH Trương Thị Huệ, đoàn Thái Nguyên đề nghị bổ sung vào khoản 2, với nội dung: Ngoài nội dung Đảng chịu “chịu trách nhiệm” trước nhân dân còn phải có thêm quy định Đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bà Huệ lý giải: “Sở dĩ tôi bổ sung cụm từ Đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật vì trong thời gian qua bên cạnh những thành tự to lớn đạt được do có sự lãnh đạo của Đảng là điều không thể phủ nhận, cử tri còn nhiều băn khoăn về những thiết sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng. Nếu chỉ ghi trách nhiệm trước nhân dân mà không ghi trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể”.
Đồng tình với một số quan điểm đã nêu, ĐBQH Huỳnh Thế Kỳ, đoàn Ninh Thuận cũng khẳng định Điều 4 trong hiến pháp là sự kế thừa của hiến pháp trước đó. Nhưng để góp phần loại bỏ các thế lực thù địch, phản động, ông Kỳ đề nghị dự thảo hiến pháp bổ sung theo hướng ĐCS Việt Nam là “lực lượng duy nhất lãnh đạo” nhà nước và xã hội.
Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Phạm Đức Châu - Quảng Trị cũng thể hiện sự nhất trí cao với việc khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 của Hiến pháp.
ĐB Phạm Đức Châu, đoàn ĐB tỉnh Quảng Trị phát biểu sáng 3.6 |
Tuy nhiên theo ông Châu, tại Khoản 1, Điều 4 chỉ nên quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là đầy đủ. Theo loại ý kiến này, các nội dung về bản chất, lợi ích và nền tảng tư tưởng của Đảng đã được quy định trong điều lệ và cương lĩnh của Đảng.
Quy định như dự thảo là đúng đắn và đầy đủ. Vì vẫn biết rằng giữa điều lệ cương lĩnh của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta không bao giờ mâu thuẫn khi nước ta tôn chỉ mục đích và lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân là thống nhất.
“Điều lệ cương lĩnh của Đảng được quy định là sự ghi nhận của Đảng nhưng đây là Hiến pháp, là văn bản chính trị pháp lý cao nhất được Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thông qua sau khi lấy ý kiến nhân dân, thể hiện ý chí của toàn dân là sự ghi nhận của nhân dân và Nhà nước đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chắc chắn rằng nhân dân ta, Nhà nước ta chỉ thừa nhận một Đảng phải là Đảng Cộng sản không chỉ là tên gọi mà phải là một Đảng mang bản chất giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Cũng theo ĐB việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn một lần nữa khẳng định sự đoàn kết gắn bó giữa Đảng, nhân dân. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định nhân dân tuyệt đối tin tưởng và cao hơn nữa là nhân dân trao trọng trách cho Đảng, yêu cầu Đảng cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam phải xứng đáng ở vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng với bản chất và hệ tư tưởng mà Đảng đã lựa chọn.
Mai Nguyễn