Xung quanh đề xuất phương án thành lập Công ty cổ phần Hàng không VASCO của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) gửi lên Bộ Giao thông vận tải, không ít ý kiến cho rằng đề xuất này không minh bạch công khai, không tạo cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp.
Bởi hãng hàng không mới được thành lập dưới dạng công ty cổ phần mà thương hiệu, tài sản của doanh nghiệp cổ phần không được định giá và bán công khai minh bạch.
Mặt khác, trong đề xuất Vietnam Airlines thì Tổng công ty Hàng không Việt Nam vẫn là cổ đông chính, như vậy về bản chất VASCO vẫn như một chi nhánh của Vietnam Airlines như hiện nay.
Công ty cổ phần Hàng không VASCO được thành lập dựa trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) - ảnh nguồn VASCO |
Trước những vấn đề được dư luận đặt ra, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải cho biết: Về chủ trương tại năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1567 phê duyệt kế hoạch đội bay giai đoạn 2015 - 2020.
“Trong quyết định 1567 Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến cho phép Tổng công ty hàng không Việt Nam xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO với sự tham gia của Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam và các cổ đông khác”, ông Vũ Anh Minh nói.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải, Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO là một công ty TNHH độc lập, sau đó được sáp nhập vào Vietnam Airlines trở thành đơn vị phụ thuộc, chi nhánh của Vietnam Airlines.
Thực hiện chủ trương trong quyết định 1567, sau khi cổ phần hóa Vietnam Airlines sẽ tiến hành cơ cấu lại các doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có VASCO.
Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải trao đổi với phóng viên - ảnh: H.Lực |
Ban đầu, Vietnam Airlines định hướng thành lập Công ty TNHH một ành viên (MTV) nhà nước nhưng sau đó lại chuyển hướng đề xuất thành lập công ty cổ phần.
Lý giải điều này ông Vũ Anh Minh cho hay: Trước hết, mục tiêu của chúng ta là xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho các dự án đầu tư, phát triển.
Với VASCO, mục tiêu cuối cùng là thành lập một công ty cổ phần. Để làm được điều này có hai hình thức. Thứ nhất, là chuyển thành mô hình Công ty TNHH MTV, sau đó chuyển thành công ty cổ phần. Hình thức thứ hai là sử dụng chính nguồn lực của Chi nhánh này để góp vốn thành lập công ty cổ phần.
Biến tướng thu hồi vốn nhà nước trong đề án thành lập hãng hàng không mới(GDVN) - Nhận định trước đề xuất tách VASCO thành công ty riêng, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, đây là biến tướng của việc thu hồi vốn nhà nước. |
Kết quả cuối cùng sẽ như nhau nhưng về tiến độ thời gian, thực hiện theo phương án sử dụng chính nguồn lực của Chi nhánh để góp vốn thành lập công ty cổ phần chính là cách làm hiện Vietnam Airlines đang đề xuất sẽ nhanh hơn.
Theo ông Minh, khi tách ra trở thành công ty cổ phần, VASCO sẽ có đường hướng phát triển riêng dựa trên ý kiến của cổ đông chứ không phải dựa trên chỉ đạo chung của Vietnam Airlines như thời gian là chi nhánh của Vietnam Airlines.
Trước câu hỏi: Tại sao không công khai kế hoạch cổ phần VASCO, niêm yết giá trị cổ phần để nhà đầu tư tham gia? Ông Vũ Anh Minh cho biết, đề xuất của Vietnam Airlines là thành lập mới một công ty cổ phần chứ không phải cổ phần hóa.
Theo ông Minh, VASCO đã có kinh nghiệm về vận tải hàng không. Cái doanh nghiệp này thiếu là nguồn lực về tài chính để có thể thúc đẩy phát triển. Tính khả thi trong lựa chọn nhà đầu tư các cổ đông sẽ phải tự cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.
“Hiện pháp luật không cấm cá nhân, tổ chức đầu tư vào một hãng hàng không, tuy nhiên việc thành lập công ty cổ phần khác với đấu thầu chọn một dự án, đấu thầu chọn cổ đông chiến lược hay niêm yết cổ phần mà ở đây là mời gọi những doanh nghiệp có mong muốn đầu tư.
Doanh nghiệp được lựa chọn phải phù hợp với chiến lược phát triển tương lai, mỗi doanh nghiệp sẽ định hướng tìm một nhà đầu tư chiến lược khác nhau”, ông Vũ Minh Anh lý giải đề xuất của Vietnam Airlines.
Cũng theo ông Minh, hiện nay chỉ có quy định về quy trình chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV nhà nước sang công ty cổ phần, chưa có quy trình thủ tục chuyến đổi từ công ty, công ty TNHH trực thuộc tổng công ty sang công ty cổ phần.
Về định hướng phát triển của VASCO cũng như lựa chọn nhà đầu tư, ông Vũ Anh Minh khẳng định sẽ do cổ đông của Vietnam Airlines quyết định.
Vietnam Airlines đề ra định hướng phát triển, trong định hướng đó Vietnam Airlines thấy nhà đầu tư nào phù hợp sẽ có thư mới hợp tác cùng thành lập công ty cổ phần hãng hàng không VASCO.
Để đảm bảo tài sản nhà nước không bị thất thoát tại VASCO, theo ông Minh sau đây sẽ có các tổ chức tư vấn định giá độc lập, được pháp luật cho phép.
Tổ chức đó chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc định giá. Chúng ta sẽ sử dụng kết quả định giá đó làm giá cơ sở để đưa ra đàm phán với nhà đầu tư. Tất cả quy trình này sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Vietnam Airlines dự định quy mô vốn của Công ty cổ phần Hãng hàng không VASCO 300 tỷ đồng, sau khi định giá tài sản VASCO sẽ biết liệu tài sản có đủ đảm bảo 51% tỷ lệ cổ phần sở hữu của Vietnam Airlines hay không. Nếu không đủ, Vietnam Airlines phải bù thêm tài chính để đảm bảo sở hữu 51% cổ phần.
Cũng theo ông Minh, hiện Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đồng ý về chủ trương của Vietnam Airlines về việc tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hàng không VASCO theo đề xuất của Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines.