Trong 2 ngày, 24 -25/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UNESCO tổ chức “Hội thảo về quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường kỹ thuật số: Thách thức và thích nghi của Việt Nam”. Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Đ.T |
Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam, các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng internet ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Mục tiêu chính của hội thảo nhằm nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số.
Đồng thời, đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam cũng như xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số, hướng tới mục tiêu chung của UNESCO về bảo vệ và xây dựng năng lực cho các nhà báo.
Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên UNESCO trong việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc đạo đức báo chí để thích ứng trong môi trường số. Hội thảo gồm 4 chủ đề chính: Khái niệm đạo đức báo chí và hệ quả; Kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện mới và sai phạm thường gặp khi đưa tin trên mạng; Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại châu Âu và một số nước thành viên UNESCO; Thực tiễn triển khai các quy định liên quan đến đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam.
Dựa trên kinh nghiệm của UNESCO, Liên minh châu Âu và một số nước, liên hệ tình hình thực tế tại Việt Nam, thông qua các phiên thảo luận giữa các diễn giả, các nhà quản lý và các nhà báo tham dự, hội thảo dự kiến sẽ đưa ra các khuyến nghị về Bộ quy tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam.
Trong bài tham luận của mình, bà Sasion Kamon, chuyên gia dự án Phát triển truyền thông của UNESCO tại Bangkok, cho rằng, sự phát triển của môi trường số đã thay đổi hoàn toàn cách sản xuất và truyền đạt thông tin, từ đó khái niệm “nhà báo” và “báo chí” cũng được mở rộng.
"Ngoài những người làm báo chuyên nghiệp, còn có các nhà báo không chuyên, những người làm truyền thông, các blogger và những "nhà báo công dân" khi họ tham gia vào các hình thức tự xuất bản trên Internet. Trước sự thay đổi đó, các tiêu chuẩn đạo đức báo chí cũng cần cải tiến để phù hợp với xu thế," bà Sasion Kamon nói.
Báo chí là một hoạt động cần tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức, truyền tải những thông tin đã được kiểm chứng vì lợi ích cộng đồng. Vì vậy, nguyên tắc cốt lõi của báo chí là đảm bảo tính chính xác, sự độc lập, công bằng, bảo mật, tính nhân đạo, trách nhiệm xã hội và sự minh bạch.
Trong phần thảo luận chiều ngày 24/5, đại biểu đến từ Cục Báo chí nêu vấn đề vi phạm bản quyền trong môi trường số hiện nay đang ngày càng nghiêm trọng và phức tạp và cho rằng đó là một phạm trù đạo đức báo chí.
Vị đại biểu này đặt câu hỏi đến ông Mogens Blicher Bjerregard – Chủ tịch Liên đoàn báo chí EU về kinh nghiệm của EU trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền báo chí trên không gian mạng? Như chia sẻ của ông Mogens Blicher Bjerregard về mô hình Hội đồng báo chí ở một số nước, vậy việc mời đại diện của Google và Facebook vào Hội đồng báo chí có thể tăng cường việc ngăn chặn phát tán các tin, bài vi phạm bản quyền báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới hay không?
Ông Mogens Blicher Bjerregard cho hay, ở các nước EU đã có luật bản quyền EU, đó là cơ sở để báo chí, các nhà xuất bản sẽ cấp phép cho các nơi sử dụng. Nếu làm được, thì các nền tảng xã hội cũng phải có giấy phép khi sử dụng thông tin. Công dân cũng sẽ sử dụng các nền tảng này an toàn hơn.
Ông cho rằng, duy trì được bản quyền thì sẽ bảo vệ được đạo đức của nhà báo. Vấn đề bản quyền, đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng, việc sử dụng hình ảnh cần cân nhắc, để làm sao bạn đọc tin tưởng nhà báo. Hình ảnh chỉ được sử dụng khi nó có giá trị thông tin chính xác… Cũng theo Chủ tịch Liên đoàn báo chí EU, các Hội đồng có từng quốc gia nên việc mời đại diện của Google và Facebook tham gia là khó.
Trong phiên thảo luận ngày 25/6, các chuyên gia sẽ đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các nước khác, các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cách thức xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số hướng tới mục tiêu chung của UNESCO về bảo vệ và xây dựng năng lực cho các nhà báo.