Đặt sách qua trang thương mại điện tử, "rước" bực tức vì mua phải SGK giả

23/01/2025 08:46
Gia An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Đặt mua sách qua trang thương mại điện tử, PH, HS phát hiện SGK giả, chất lượng giấy mỏng, có nhiều đoạn chữ bị in nhòe, một số trang bị lệch, dính vào nhau.

Thời gian qua, một số phụ huynh và học sinh đã chia sẻ đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những trải nghiệm mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu qua các sàn thương mại điện tử, trên sạp bày bán trên vỉa hè…

Những câu chuyện này không chỉ phản ánh thực trạng đáng lo ngại, mà còn cảnh báo về những rủi ro khi lựa chọn sách không rõ nguồn gốc. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh và uy tín của các nhà xuất bản.

Mua nhầm sách giáo khoa giả online với giá thành cao, chất lượng thấp

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Mỹ Giang - phụ huynh có con đang theo học tại một trường phổ thông song ngữ liên cấp tại Hà Nội không giấu được sự không hài lòng khi mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu cho con.

Chị kể: “Từ đầu năm học, tôi đã đăng ký mua sách giáo khoa tại nhà trường cho con. Việc mua sách tại trường giúp tôi yên tâm về chất lượng của sách và phù hợp với yêu cầu của từng môn học.

Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ đông vừa qua, con về quê thăm ông bà nội mà quên mang sách vở theo. Tôi quyết định đặt thêm một số cuốn sách để con ôn tập trong thời gian này, con vừa được nghỉ ngơi mà không quên việc ôn tập kiến thức. Tôi tìm mua sách trên một trang thương mại điện tử và gửi hỏa tốc về quê cho con.

Do bận rộn công việc và cần gấp, tôi không kiểm tra kỹ các thông tin về nhà cung cấp. Tôi thấy giá sách cao hơn so với giá sách tôi mua tại nhà trường, nhưng nghĩ rằng con sẽ có sách học sớm nên cũng không bận tâm. Tôi nhanh chóng đặt hàng, chọn dịch vụ giao hàng hỏa tốc để sách kịp đến tay con. Tối hôm đó, sau khi nhận được sách, con gọi điện cho tôi: “Mẹ ơi, sách mẹ gửi khó đọc quá. Giấy mỏng, chữ mờ, lại có nhiều chỗ bị lem mực”.

Nghe con nói, tôi cảm thấy bất an. Tôi lập tức kiểm tra lại đơn hàng, vào phần đánh giá và phát hiện mình đã mua sách từ một nhà bán hàng không uy tín. Có rất nhiều phụ huynh đã đánh giá “1 sao”, cảnh báo về sách giả, bán giá cao hơn giá bìa, thậm chí còn giao hàng nhầm khi đặt sách Ngữ văn nhưng giao sách Hóa học,... Thế mà tôi lại vô tình mua sách kém chất lượng cho con, tôi vô cùng hối hận”.

Thiết kế Triệu Mẫn ẢnhNVCC (2).png
Những phản ánh không tích cực của phụ huynh, học sinh khi mua nhầm sách giáo khoa giả online.

Cũng gặp phải tình trạng tương tự em M.H. (sống tại Long Biên, Hà Nội) thất vọng, kể về trải nghiệm mua nhầm sách giáo khoa giả môn Toán lớp 11: “Gần đến ngày thi cuối kỳ, em tranh thủ mọi thời gian để học bài kể cả khi ngồi trên xe buýt. Những ngày gần thi, áp lực học tập khiến em luôn cảm thấy mệt mỏi. Một hôm trên đường về nhà, em ngủ quên trên xe buýt vì quá mệt .

Khi xuống xe em vô tình để quên cuốn sách giáo khoa Toán, cuốn sách em đang rất cần để ôn tập. Lo lắng cho kỳ thi đang đến gần, em quyết định đặt mua sách mới qua một trang thương mại điện tử vì tin lời quảng cáo hấp dẫn “Sách chuẩn, giao hàng sau 2 tiếng”. Giá sách hơi cao, nhưng do đang cần gấp và thấy giao hàng nhanh, nên em tin tưởng đặt mua ngay.

Tuy nhiên, khi nhận sách trên tay, em nhận ra sách không giống sách giáo khoa mua trực tiếp từ nhà trường. Bìa sách mỏng, có nhiều đoạn chữ bị in nhòe, một số trang còn bị lệch và dính vào nhau. Em cảm thấy rất buồn và lo lắng vì sách kém chất lượng. Để kịp ôn bài, em đã nhờ bạn chụp ảnh các trang sách của bạn để ôn tập, nhưng cách này rất tốn thời gian và bất tiện”.

Sự việc khiến M.H. thêm mệt mỏi giữa những ngày ôn thi đầy áp lực. “Sau trải nghiệm không hay lần này, em rút kinh nghiệm sẽ không bao giờ mua sách ở nơi không rõ nguồn gốc, dù cần gấp đến đâu”, em chia sẻ.

Thiết kế Triệu Mẫn ẢnhNVCC.png
Sách giáo khoa giả chữ in mờ, có nhiều trang in bị nhòe, hằn chữ ở trang sau lên trang trước. Ảnh: NVCC.

Tâm lý vội vàng khiến nhiều người mua phải sách giáo khoa giả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang phối hợp với các đơn vị phát hành sách uy tín, có đầy đủ giấy tờ pháp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ tốt nhất cho việc học tập của học sinh.

Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát không bắt buộc phụ huynh phải mua sách giáo khoa tại nhà trường. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu và tổ chức đăng ký mua sách. Phụ huynh có nhu cầu, có thể đăng ký mua sách giáo khoa tại trường. Sau khi có danh sách, nhà trường tiến hành tổng hợp và làm việc với các đơn vị cung ứng của nhà xuất bản để đảm bảo học sinh được nhận sách chính thống.

May mắn, đến nay, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp nào từ phía phụ huynh hoặc học sinh phản ánh về việc mua phải sách giả hay sách lậu”.

Theo thầy Thuận, sách giáo khoa giả chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh. Sách giả thường có hình ảnh mờ, giấy kém chất lượng, màu sắc không rõ nét và nội dung không được kiểm duyệt. Điều này làm giảm hứng thú học tập của học sinh, gây khó khăn trong quá trình học tập do nội dung không chính xác hoặc không đầy đủ.

469164337_975873884349562_3838440388221328053_n.jpg
Thầy Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Hoàng Đức Thuận chia sẻ thêm về lý do phụ huynh, học sinh mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu trên các sàn thương mại điện tử, các sạp bán hàng trên vỉa hè... thường bắt nguồn từ một số yếu tố như sau: “Thứ nhất, thiếu thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Một số phụ huynh, học sinh với tâm lý vội vàng, cần gấp mà không kiểm tra kỹ thông tin nhà cung cấp, dẫn đến việc mua nhầm sách giáo khoa từ các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng, nhà sách không uy tín.

Thứ hai, có nhiều sản phẩm sách giáo khoa giả, sách in lậu được rao bán với mức giá thành thấp hơn nhiều so với sách giáo khoa chính thống, khiến phụ huynh và học sinh dễ bị thu hút. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu rất cao.

Thứ ba, một số gian hàng trên sàn thương mại điện tử sử dụng hình ảnh hoặc mô tả sản phẩm sách không đúng với thực tế, khiến phụ huynh và học sinh nhầm lẫn rằng đó là sách giáo khoa thật. Ngoài ra, nhiều người khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, có thể chưa biết cách xác minh uy tín của người bán hoặc tìm kiếm đánh giá sản phẩm, dẫn đến việc mua nhầm sách giáo khoa giả, kém chất lượng”.

Để vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu sớm được giải quyết, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát chia sẻ: “Nhà trường nên định hướng, tư vấn cho học sinh và phụ huynh về việc lựa chọn sách giáo khoa chính thống, tránh mua sách ở các cơ sở không rõ nguồn gốc như sạp bày bán trên vỉa hè, sách online hoặc các cửa hàng sách không uy tín. Sách bán tại các khu vực này, thường tiềm ẩn nguy cơ là sách giả, sách in lậu không đảm bảo chất lượng, nội dung chính xác.

Ngoài ra, phụ huynh cần được hướng dẫn cụ thể về sự khác nhau giữa sách giáo khoa thật và sách giáo khoa giả. Do đó, nhà trường khuyến khích học sinh, phụ huynh chỉ nên mua sách tại nhà trường hoặc các nhà sách lớn, nhằm đảm bảo quyền lợi học tập và chất lượng giáo dục”.

Gia An