Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được đánh giá là bước đột phá thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khi lần đầu tiên nước ta xây dựng và xuất bản sách giáo khoa hoàn toàn bằng xã hội hóa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019. Việc thẩm định sách giáo khoa thông qua một Hội đồng thẩm định quốc gia, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.
Sau 5 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, đến nay, cả nước có 3 bộ sách chính với hàng trăm đầu sách đang được sử dụng trong các nhà trường. Đó là bộ “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà xuất bản Giáo dục chủ trì và Bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC phối hợp chủ trì.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tải ngân sách nhà nước
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đánh giá: “Qua 5 năm thực hiện, công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã dần đi vào nền nếp và nhận được sự đồng thuận ngày càng cao từ các địa phương và người dân”.
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới để đảm bảo tính đa dạng và sáng tạo trong giáo dục. Chính vì vậy, trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, giúp sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục; đồng thời khắc phục hạn chế về độc quyền trong in ấn, biên soạn, phát hành sách giáo khoa từ nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, việc triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng giúp huy động rộng rãi nguồn lực trí tuệ xã hội cùng tham gia vào biên soạn sách, từ đó giúp hoàn thiện và nâng cao chất lượng các bộ sách giáo khoa. Việc triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cũng giúp giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn về sách hơn, đảm bảo phù hợp với phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng, miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, từ quá trình tiếp xúc cử tri, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa cũng chỉ ra một số điểm bất cập trong công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cần được khắc phục như có trường năm trước chọn bộ sách giáo khoa này, năm sau có thể chọn bộ sách giáo khoa khác gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, việc chuyển trường trong quá trình học tập của học sinh giữa các địa phương gặp khó khăn do các nơi học khác bộ sách.
Xã hội hoá nhưng không "thả nổi"
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, giúp huy động hiệu quả nguồn lực xã hội và đáp ứng được yêu cầu một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, là duy nhất, “đồng phục” trên toàn quốc. Vì vậy, xã hội hóa sách giáo khoa đã giúp tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, huy động tối đa trí tuệ toàn dân cùng tham gia biên soạn sách; tạo nên nguồn học liệu phong phú, chất lượng, giúp đáp ứng nhu cầu đa dạng của các trường học và học sinh.
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa không chỉ giải quyết bài toán về chất lượng giáo dục mà còn tạo ra một môi trường đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng nền giáo dục năng động, hiệu quả, và đáp ứng nhanh chóng những thay đổi của xã hội và tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh, quá trình thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn có cập cần khắc phục, trong đó có vấn đề về giá sách.
“Xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, nhưng cần có giải pháp để quản lý chất lượng, đồng thời có giải pháp để giá sách ở mức phù hợp nhất có thể”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, đồng thời khắc phục các khó khăn, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ để giá sách giáo khoa có thể giảm hơn… làm sao để giá sách giáo khoa có thể tiếp cận tới đại đa số người dân. Đồng thời, phát hành sách giáo khoa bản điện tử dùng song song với sách giáo khoa truyền thống, giúp học sinh và phụ huynh có thể lựa chọn phiên bản sách phù hợp với nhu cầu, tránh lãng phí.
Mặc dù còn tồn tại phải khắc phục nhưng theo ý kiến từ nhiều chuyên gia, xã hội hóa sách giáo khoa là bước đi cần thiết để hiện đại hóa nền giáo dục. Đồng thời, đây cũng là khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thực hiện chủ trương này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn cần sự tham gia tích cực từ toàn xã hội, bao gồm các nhà xuất bản, nhà khoa học, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng.