“Tại sao con lại đánh cô giáo”?

16/04/2011 15:41
Vừa tới cửa lớp, tôi đã thấy con đứng ở cửa lớp, mặt cau lại vẻ rất bực tức. Cô giáo chỉ chờ tôi tới và tuôn trào mọi sự: “Hôm nay Mít rất hư, đánh cả cô giáo”.

Trong nhiều trường hợp, trẻ sau khi bị áp đặt cảm xúc, thường có xu hướng thu mình lại, không bày tỏ bản thân nữa và trở nên lầm lũi hơn. Các bậc cha mẹ sau đó tiếp tục tự chuẩn đoán con mình bị tự kỉ và ra sức đưa các bé đi chữa chạy, uốn nắn.

1. Con đánh cô giáo – Mẹ có mắng ngay?
 
Sau một ngày mệt nhoài làm việc, tôi chạy vội tới trường để đón cô con gái 3 tuổi rưỡi đang học lớp mẫu giáo nhỡ ở một trường tư có tiếng. Vừa tới cửa lớp, tôi đã thấy con đứng ở cửa lớp, mặt cau lại vẻ rất bực tức. Bên cạnh cháu, cô giáo cũng đang đứng như thể chỉ chờ tôi tới thôi là sẽ tuôn trào mọi sự: “Hôm nay Mít rất hư, đánh cả cô giáo”. Mới nghe đến đó, Mít – con tôi đã ấm ức khóc ầm lên.
 
May sao, lúc đó, tôi không phản ứng như mọi khi mình vẫn làm: mắng cháu ngay ở đó và bắt khoanh tay xin lỗi cô giáo.
 
Về tới nhà, Mít khóc, nhất định không chịu vào nhà, kéo thế nào cũng không được. Tôi hỏi: “Tại sao con không vào nhà?” – “Vào nhà mẹ sẽ nói xấu con với ông bà, với các cô” – “Không, mẹ hứa mẹ sẽ không nói gì cả”.  Hóa ra, tâm lý xấu hổ của trẻ con là đây.
 
Tôi bế con lên nhà, ôm nó vào lòng và hỏi: “Tại sao con lại đánh cô giáo” – Nó vừa nấc vừa kể: “Cô giáo bảo con đánh bạn Nam, con không đánh bạn Nam nên con đánh cô giáo”. Nếu như tôi mắng cháu ngay lúc đó, trước mặt cô giáo, trước mặt các bạn, trước mặt hết thảy mọi người, có lẽ lúc về nhà, nó sẽ chẳng bao giờ kể ra với tôi mà cứ ấm ức mãi như thế.
 
Tôi chợt nghiệm ra một điều. Bình thường chúng ta bao lâu nay vẫn được bố mẹ dạy cho mọi thứ logic vận hành trong cuộc sống: con không được đánh bố, con không được cãi mẹ, … Thật ra, với một đứa trẻ chưa hình thành ý thức, khi tức giận, chúng sẽ có nhu cầu đập phá, khi không vừa lòng, chúng sẽ phản ứng dữ dội. Thay vì cấm chúng có những cảm xúc rất tự nhiên đó, kìm nén chúng trong khuôn khổ đạo đức, logic của người lớn, có phải chúng ta nên có một cách giáo dục nào đó phù hợp hơn chăng?


 
“Tại sao con lại đánh cô giáo”? ảnh 1

2. Dạy trẻ cách hành xử hay cách giết chết cảm xúc?

Trong nhiều trường hợp, trẻ sau khi bị áp đặt cảm xúc, chúng thường có xu hướng thu mình lại, không bày tỏ bản thân ra nữa và trở nên lầm lũi hơn. Các bậc cha mẹ sau đó tiếp tục tự chuẩn đoán con mình bị tự kỉ và ra sức đưa các bé đi chữa chạy, uốn nắn.
 
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Kim Thanh, Trưởng phòng Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện nghiên cứu Xã hội học về tình huống này:
 
PV: - Cách giáo dục trẻ theo mọi chuẩn logic đúng - sai có thật sự sẽ làm cho trẻ trở thành một con người tốt không?

 
T.S Vũ Kim Thanh: - Trước nhiều vấn đề của cuộc sống, không phải lúc nào cũng chỉ có hai phương án: đúng hoặc sai. Về một vấn đề nào đó, không phải quan điểm của bố mẹ thì đúng còn của con thì sai, mà đơn giản chỉ là quan điểm của bố mẹ khác của con. Sự khác biệt này có nhiều lí do, như chúng ta thường nói: thời của bố mẹ khác với thời các con. Do đó, nếu cứ áp đặt suy nghĩ của bố mẹ, bắt con trẻ nghe theo là điều vô lý.
 
Nói như vậy, không có nghĩa rằng con tát bố là đúng, có những giá trị vẫn luôn luôn là giá trị đúng. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên có sự chuẩn bị tâm lý để đón nhật các hành động, các phản ứng cảm xúc của trẻ để giúp chúng có cách hành xử tốt hơn, như bà mẹ ở câu chuyện trên.
 
PV: - Sự kìm kẹp trong chuẩn mực đúng - sai này có làm cho tư duy và các cảm xúc bản năng của trẻ bị hạn chế?

TS. Vũ Kim Thanh:
- Có một điều về nhận thức cần thay đổi là: Khi các con dám trình bày, dám bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình (có thể khác với bố mẹ) thì hoàn toàn không có nghĩa là trẻ hỗn láo, cãi lại bố mẹ và các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ làm thế.
 
Việc này nói dễ hơn làm nhưng cần thiết phải làm. Đứa trẻ ngoan không phải là đứa trẻ phục tùng, lệ thuộc, luôn vâng lời một cách vô điều kiện (dù chúng không thích thế). Nếu người lớn hiểu như vậy, trẻ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và trưởng thành. Các con sẽ tự tin, năng động, sáng tạo ra những điều rất cần thiết cho cuộc đời mình.
 
PV: - Vậy thì chúng ta nên giáo dục trẻ theo cách như thế nào để vừa cho chúng biết được cách vận hành của xã hội, vừa khuyến khích bản năng tốt đẹp của chúng?
 
TS. Vũ Kim Thanh: - Rõ ràng, đúng như nhà giáo dục Usinsky có nói: “Muốn giáo dục con người đầy đủ cần hiểu đầy đủ về con người”. Trong việc giáo dục trẻ cũng vậy, người lớn cần lắng nghe trẻ, hiểu chúng và trên cơ sở đó có những tác động giáo dục phù hợp. Người lớn tuyệt đối không nên dùng quyền làm cha mẹ áp đặt ý kiến, cảm xúc cho con.
 
Nếu không, có thể nhất thời (hoặc vì một vài lí do, áp lực nào đó) trẻ buộc phải nghe theo, làm theo cha mẹ, nhưng sẽ có cách phản ứng riêng sau đó. Hiệu quả giáo dục vì thế mà hạn chế, thậm chí phản giáo dục. Lâu dần, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa.
 
PV: - Xin cảm ơn chị!

Q&A (T.S Vũ Kim Thanh tư vấn)



1. Tình huống: Khi bố uống rượu, quăng đồ đạc bừa bãi. Bình thường, con được dạy phải để mọi thứ ngăn nắp, nếu không là hư. Thấy bố làm thế, con ra mắng bố và nhận lại thái độ quát nạt. Trong trường hợp này, người mẹ nên phản ứng như thế nào? (Hà Anh, 29 tuổi)

Tư vấn: Trẻ rất hay bắt chước và học thông qua hành động của người lớn. Người bố quăng đồ bừa bãi là sai, con góp ý là đúng. Vấn đề là thái độ của con như thế nào. Góp ý với thái độ đúng mực là đúng, nhưng quát nạt, mắng bố là sai, chính vì thế bố mới quát nạt lại. Việc bố quát nạt ở đây là hành vi mắng bố của con.

Người mẹ cần khách quan, giải thích cho con hiểu: Khi bố uống rượu để đồ đạc vương vãi lung tung là do bố uống rượu không làm chủ được mình, mẹ con mình sẽ góp ý với bố sau, mẹ con mình cứ dọn dẹp cho nhà cửa gọn gang trước đã. Khi nào bố tỉnh, mình sẽ nói với bố”. Làm như vậy, đứa trẻ sẽ thấy được tôn trọng, thấy được hiểu, chúng sẽ càng tôn trọng bố mẹ hơn chứ không phải ngược lại là coi thường.

2. Tình huống: Một bác bạn của bố đến nhà chơi. Con làm đổ nước vào người bác nhưng nhất định không chịu xin lỗi và khóc. Mẹ hỏi, con bảo rằng: "Lúc nãy bác nói dối. Con không làm bẩn áo nhưng bác làm con bẩn. Bác phải xin lỗi con thì con mới xin lỗi". Thông thường, mẹ vì xấu hổ sẽ vẫn ép con xin lỗi bằng được. Chúng ta cần xử lý như thế nào để khiến trẻ cảm thấy hợp lý nhất? (Thu Giang, 32 tuổi)

Tư vấn: Khi chúng ta nói với trẻ: “Làm sai thì phải xin lỗi và hứa sửa chữa” thì người lớn cũng phải gương mẫu và làm đúng như vậy. Nếu khách chưa làm được điều đó, người mẹ có thể thay họ xin lỗi con (nếu sự việc đúng là như vậy) sau đó yêu cầu con xin lỗi khách. Người mẹ có thể động viên con “Với vai trò là chủ nhà, con nên tỏ ra lịch sự, mẹ sẽ góp ý với bác ấy sau”.

(Theo Phunutoday)