Hệ lụy của dạy thêm trái phép không chỉ gây bất công, bất bình đẳng, mất đoàn kết nội bộ,… trong giáo viên và học sinh mà còn gây bất bình, bức xúc trong phụ huynh vì các vụ “ép” học sinh học thêm, vì nhiều phụ huynh đã vắt kiệt sức để có tiền cho con học thêm,… nhiều học sinh học thêm thì mất thời gian tự học, mất đi thời gian rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, tình yêu quê hương, đất nước,...
Có rất nhiều nguyên nhân, có thể từ giáo viên muốn tăng thu nhập nhưng trong đó có một phần từ cấp quản lý không muốn hạn chế mà còn muốn tăng dạy thêm, học thêm vì họ cũng được hưởng lợi.
Trong bài viết này, tôi chỉ xin phân tích nguyên nhân dẫn đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm đều có các văn bản quản lý dạy thêm, học thêm tuy nhiên thực tế việc dạy thêm, học thêm không giảm mà còn lại tăng nhiều hơn gây bức xúc trong nhân dân nhiều hơn.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Laodongthudo.vn) |
Tổ chức dạy thêm thì lãnh đạo trường được hưởng lợi
Chính vì nguyên nhân khi tổ chức dạy thêm học thêm các lãnh đạo nhà trường có một khoản thu không nhỏ nên rất khó hạn chế học thêm.
Đối với các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường đều được hưởng lợi từ dạy thêm, học thêm. Thế nên sao lại hạn chế khi mà các vị ngồi không cũng được trích 1 khoản không nhỏ từ đây. Do đó, họ không những không muốn hạn chế mà họ còn tìm cách để giáo viên dạy ngày, dạy đêm.
Theo quy định của thu, chi tiền dạy thêm, học thêm được quy định tại Điều 7. Thu và quản lý tiền học thêm – của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm được quy định như sau:
“Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;
c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.”
Thông thường định mức chi cho hoạt động dạy thêm trong nhà trường gồm 80% chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; 20% chi phí phục vụ trực tiếp cho việc dạy thêm, học thêm. Bao gồm các nội chi cụ thể: Chi phí công tác quản lý, tổ chức và kiểm tra lớp học thêm tối đa, cơ sở vật chất,….
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:
“a) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
b) Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.”
Như vậy lý giải tại sao các Hiệu trưởng lại luôn muốn có càng nhiều lớp dạy thêm, học thêm càng nhiều càng tốt vì họ cũng được hưởng một phần không nhỏ từ dạy thêm, học thêm.
Đó là dạy thêm trong nhà trường, còn vấn đề ngoài nhà trường thì do các trung tâm, cơ sở dạy thêm bên ngoài quản lý.
Dư luận cho rằng để việc dạy thêm, tổ chức dạy thêm thì muốn được cấp phép, muốn được “yên ổn” thì phải “biết điều” với cán bộ quản lý phòng/ sở giáo dục và đào tạo.
Do đó ở một số nơi một số cán bộ quản lý muốn giáo viên dạy thêm càng nhiều càng tốt vì họ cũng sẽ được hưởng lợi chỉ có phụ huynh và học sinh là chịu thiệt.
Hiện nay, hiện nay ở các địa phương đã trở lại trường học và một số nơi vẫn còn đang giảng dạy trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tình trạng dạy thêm cả trực tiếp và trực tuyến vẫn đang diễn ra tiếp tục gây những hệ lụy lớn nếu không có những biện pháp, chỉ đạo cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành cả nước.
Hơn lúc nào hết, giai đoạn này nhiều gia đình học sinh vô cùng vất vả, khó khăn rất cần sự chung tay, giúp đỡ của toàn xã hội tiếp sức các em được đến trường.
Việc dạy thêm, học thêm tràn lan lúc này vừa làm tăng gánh nặng lên phụ huynh, xã hội làm bào mòn niềm tin trong nhân dân, tiếp tục gây thêm bức xúc, bất công, bất bình đối với phụ huynh và học sinh.
Về giải pháp hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Cần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ thi khó, “học một đằng thi một nẻo”…”
Năm học mới đã diễn ra hơn 1 tháng, vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo hay văn bản nào về dạy thêm để tiến tới giảm dạy thêm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trường công lập gánh vác sứ mệnh đảm bảo phúc lợi cho con em nhân dân trong lĩnh vực giáo dục thì không thể dạy thêm thu tiền. Nếu em nào học yếu thì nhà trường cần có kế hoạch phụ đạo miễn phí, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi / thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT để giảm được dạy thêm bền vững, ổn định lấy lại niềm tin trong nhân dân.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.