ĐB đề xuất Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống khủng bố

21/05/2013 13:20
Mai Nguyễn
(GDVN) - Đa số các ý kiến đồng tình, song cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải thành lập ban chỉ đạo phóng chống khủng bố, vì ban này chẳng khác nào Ủy ban Quốc gia phòng chống tội phạm.

Thảo luận tại hội trường ngày 21/5 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo luật phòng chống khủng bố do Bộ Công an soạn thảo. Những vấn đề chính được đa số đại biểu đề cập là việc có nên thành lập ban chỉ đạo phòng chống khủng bố? Ngoài cấp trung ương, ở các địa phương, các bộ ngành có cần ban chỉ đạo? Trách nhiệm của người đứng đầu được quy định cụ thể ra sao?

Ông Phạm Trường Dân, ĐBQH đoàn Quảng Nam cho rằng phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố. Ban này không thể nằm trong ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, mà cần phải tách riêng ra.

Theo ông Dân, đối với cấp trung ương sẽ đơn vị thường trực sẽ do Bộ trưởng Bộ Công an đảm nhiệm, còn ở địa phương sẽ do giám đốc công an phụ trách. Ngoài ra đơn vị này cần phải có bộ phận tham mưu giúp việc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các ĐBQH đề nghị đảm nhiệm thêm chức vụ mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các ĐBQH đề nghị đảm nhiệm thêm chức vụ mới


Theo phân tích của ĐB Trương Minh Hoàng thì vai trò của Bộ Công an đã được thể hiện rõ, nhiều nội dung đã được giao trách nhiệm cho Bộ Công an. Ông Hoàng dẫn dụ các vụ việc biểu tình, hay bạo động thì lực lượng công an đều trực tiếp có mặt, phụ trách.  

Tuy ở Việt Nam chưa xảy ra khủng bố, nhưng ông Nguyễn Kim Kha (đoàn TP Cần Thơ) nhận định “nguy cơ ngày càng hiện hữu”. Ông cho rằng việc ban hành luật khủng bố vào thời điểm này là thực sự cần thiết.

Phản ánh về việc phân cấp, ĐB Kha cho rằng ban chỉ đạo phòng chống khủng bố cần được phân ra thành hai cấp: trung ương và địa phương. Ông đề nghị cấp trung ương sẽ do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, còn phó ban do Bộ trưởng Bộ Công an đảm nhận.

Ngược lại với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Anh Sơn, thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định lại nêu quan điểm, cấp tỉnh không cần có cơ quan tham mưu giúp việc. Đối với các bộ ngành, Chính phủ sẽ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để quy định. Đặc biệt ông lưu ý các bộ ngành nhạy cảm có nguy cơ bị khủng bố cao như Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao…

Cũng có ĐB cho rằng, đối với các bộ ngành nếu chỉ quy định “có thể” thành lập ban chỉ đạo phòng chống khủng bố sẽ không rõ trách nhiệm. Ngược lại cũng có đại biểu cho rằng không cần thiết thành lập ở các bộ ngành, và chỉ cần cơ quan phòng chống khủng bố trung ương và các địa phương là đủ. 

Ông Sơn cũng đề nghị quy định rõ ràng về trách nhiệm “người đứng đầu”. Luật cần quy định người chỉ huy là người được ban chỉ đạo ra quyết định. Khi chưa có sự phân công thì người đứng đầu nơi xảy ra khủng bố phải có trách nhiệm.

Ủng hộ phương án thành lập ban chỉ đạo phòng chống khủng bố, nhưng ĐB Nguyễn Thái Học lại cho rằng, quy định Bộ trưởng Bộ Công an, giám đốc công an các tỉnh làm thường trực ban chỉ đạo phòng chống khủng bố trung ương và cơ sở là không rõ. Luật nên quy định là phó ban thường trực sẽ rõ ràng cụ thể hơn.
Nằm trong số ít các ý kiến đưa ra, ĐB Nguyễn Công Hồng, thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm: không nên có ban chỉ đạo phòng chống khủng bố.

Ông Hồng lý giải, tội phạm khủng bố cũng giống như tội phạm về ma túy, tội phạm mua bán người. Mặt khác thành phần của Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố không khác gì Ủy ban Quốc gia về phòng chống tội phạm. Vì thế ông Hồng cho rằng chỉ cần có bộ máy tham mưu sẽ tốt hơn việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố.

Mai Nguyễn