ĐB Nguyễn Anh Trí: Nạn “tham nhũng vặt” ngay cả trong... phong học hàm, học vị

09/11/2022 06:20
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, tình trạng “tham nhũng vặt” với vòi bạch tuộc đeo đẳng gây xói mòn lòng dân, cần có sự vào cuộc của cả xã hội.

Ngày 8/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97%

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022.

Theo kết quả thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: quochoi.vn.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ ra một số loại tội phạm gia tăng như: Giết người tăng 13,17%, cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật. Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cấp cao.

Một số vụ xâm hại trẻ em với hành vi dã man, có vụ việc chỉ khi xảy ra hậu quả chết người mới bị phát hiện. Kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp.

Ngoài ra, năm 2022, công tác điều tra, xử lý tội phạm áp dụng biện pháp ngăn chặn và công tác thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn còn một số hạn chế: Tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 82,96%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, năm 2022, vẫn còn 20 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Về công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm giảm mạnh so với năm 2021 và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội...

Thẩm tra Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án, năm 2022, còn 17 vụ, việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Các Tòa án đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết án hành chính, tỉ lệ giải quyết án tăng nhiều so với năm trước, tuy nhiên, tỉ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (bị hủy 2,71%, bị sửa 2,5%)...

Nạn “tham nhũng vặt” ngay cả trong... phong học hàm, học vị

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề cập đến nạn “tham nhũng vặt”: “Hình thức của “tham nhũng vặt” rất đa dạng và ngày càng tinh vi, có thể đó là gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt và thậm chí là hù dọa.

Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp, biếu xén..., nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi “phí bôi trơn”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề cập đến nạn “tham nhũng vặt”. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề cập đến nạn “tham nhũng vặt”. Ảnh: quochoi.vn.

Đáng sợ là việc này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như khám, chữa bệnh, các thủ tục về hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị, các kỳ thi âm nhạc, nghệ thuật...

Họ lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, họ tranh thủ cả sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công dân, họ tận dụng tối đa vị trí công tác của họ đang nắm giữ để đòi hỏi “lót tay”, để yêu cầu “bôi trơn”.

Tình trạng “tham nhũng vặt” với vòi bạch tuộc vừa nhiều vòi, vừa đeo đẳng, bám chặt, đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, cho doanh nghiệp, đã làm chùn bước các nhà đầu tư, đã làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, thậm chí bị đổ vỡ, đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân tới đội ngũ cán bộ được coi là công bộc của dân.

Trong buổi chất vấn vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã thừa nhận có sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với người dân. Bởi vậy, tại diễn đàn này, tôi xin được bày tỏ mong muốn của cử tri, của Nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống tham nhũng vặt, chống tiêu cực trong xã hội”.

Vị đại biểu cho biết thêm: “Qua báo cáo của các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao..., tôi xin đánh giá cao những nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm, góp phần ổn định xã hội của các cơ quan nói trên. Chúng tôi thấy được sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhất là vụ Việt Á - một vụ án rúng động xã hội.

Tuy vậy, hoạt động phòng, chống “tham nhũng vặt” có vẻ chưa được nhiều. Số liệu cho thấy, năm 2022, đã xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, theo tôi, như vậy là còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra.

Tôi cũng biết chống “tham nhũng vặt” rất khó, vì tính phổ biến và đôi khi rất mơ hồ, có khi chính người bị nhũng nhiễu cũng chậc lưỡi cho qua, cho nên rất khó.

Tôi đồng ý với Báo cáo của thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Lê Thị Nga vừa trình bày, đặc biệt là đã chỉ ra 3 nguyên nhân của những hạn chế chống tham nhũng, tiêu cực.

Đó là vai trò của người đứng đầu, năng lực, đạo đức cán bộ, công chức, viên chức, việc thể chế hóa chủ trương, nhiệm vụ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và kể cả thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Riêng tôi, xin được nhấn mạnh thêm, việc phòng, chống “tham nhũng vặt” chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của Nhân dân và của quần chúng”.

“Bởi vậy: Một là, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn cho Nhân dân, để Nhân dân hiểu được pháp luật mà tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn. Chỉ khi Nhân dân vào cuộc nói ra, phát hiện ra thì mới thấy được nhiều, thì phòng, chống “tham nhũng vặt” mới hiệu quả.

Hai là, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân các cấp và kể cả Quốc hội, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Ý kiến này tôi vừa nghe được trong Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày sáng nay.

Ba, Chính phủ, các ban ngành, các tổ chức, các cơ quan cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát lại thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn cho được “tham nhũng vặt”.

Hy vọng công cuộc phòng, chống tiêu cực, “tham nhũng vặt” ở Việt Nam sẽ bước sang một trang mới tốt hơn, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân” - Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Kiểm soát tổ chức tín dụng, hạn chế tội phạm lừa đảo qua mạng

Góp ý vào các báo cáo công tác tư pháp, Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, với sự chỉ đạo của các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cùng sự nỗ lực của cán bộ ngành tư pháp trong năm qua, công tác điều tra, truy tố xét xử đã hoàn thành vào hoàn thành vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Quan tâm đến tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội, Đại biểu Lý Văn Huấn nêu rõ, thực tế việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỉ lệ thấp và thường kéo dài.

Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiến đoạt tài sản qua mạng. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiến đoạt tài sản qua mạng. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ.

Cụ thể: “Việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên các mạng xã hội, việc dùng giấy chứng minh nhân dân giả để mua tài khoản sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành các tài khoản cũng chưa chặt chẽ.

Thứ hai, tình trạng đối tượng phạm tội là người bị tâm thần trong thời gian qua chiếm tương đối cao. Loại tội phạm này chủ yếu là tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như tội cố ý gây thương tích và tội giết người. Các vụ án này sau khi khởi tố, điều tra thường phải đình chỉ vì lý do không cấu thành tội phạm.

Nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm này gia tăng chủ yếu là công tác quản lý đối với đối tượng tâm thần. Những trường hợp này, bị gia đình ruồng bỏ, xã hội không quan tâm, đặc biệt là sự quản lý không chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương.

Thứ ba, tình trạng Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc người đại diện của những người này không chấp hành quy định của Luật tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia các phiên tòa”.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản, việc sử dụng các tài khoản của các cá nhân, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần ban hành các quy định về cơ chế quản lý đối với các đối tượng tâm thần, các cấp, các ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu phát bệnh của các đối tượng này. Tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương để ra quyết định bắt buộc chữa bệnh theo quy định.

Mộc Trà