Theo lịch làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng.
Buông lỏng quản lý
ĐB Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Theo ĐH Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, qua nhiều giai đoạn phát triển và nhất là từ khi có Luật công chứng 2006 thì công tác công chứng, chứng thực đã đạt được những thành tựu nhất định, đưa hoạt động này vào nề nếp, quy củ; tính chuyên môn, tính chuyên nghiệp được tăng cường rõ rệt.
Các Phòng công chứng nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng, đầu tầu trong hệ thống các tổ chức công chứng trên phạm vi cả nước. Văn phòng công chứng đi vào hoạt động đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác công chứng, chứng thực và làm giảm đáng kể áp lực trước nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, lĩnh vực công chứng, chứng thực đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém và đặt ra một số vấn đề cho quản lý nhà nước, với ba vấn đề nổi cộm:
Một là, việc thành lập các Văn phòng công chứng (VPCC) tư nhân thời gian vừa qua không theo một quy hoạch nào. Các Văn phòng công chứng này phát triển quá nhiều vượt quá quan hệ cung cầu. Đó là mới nói trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chứ chưa nói đến trên phạm vi cả nước.
“Thế mới có chuyện một số VPCC và công chứng viên cầm con dấu đến gõ cửa doanh nghiệp và các gia đình mời chào công chứng. Cơ sở để phát triển các tổ chức công chứng là không rõ ràng”, ông Cương nhấn mạnh.
Hai là, việc bổ nhiệm Công chứng viên (CCV): Do quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV quá dễ dàng, nhiều người có thể đáp ứng được nên số lượng CCV được bổ nhiệm khá tràn lan và chất lượng không cao.
“Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sai phạm nhiều của CCV trong thời gian qua theo báo cáo của Bộ Tư pháp được nêu trong báo cáo. Hiện trạng hiện nay là: cùng là CCV nhưng chất lượng rất rất khác nhau trong khi nghề công chứng là một nghề đòi hỏi tính chuyên môn và chuyên nghiệp rất cao”, ông Cương cho hay.
Ba là hoạt động công chứng bản dịch: Kể từ khi công chứng bản dịch trước đây do các Phòng Công chứng nhà nước thực hiện được giao về cho Phòng tư pháp cấp quận, huyện thực hiện thì xuất hiện nhiều hạn chế.
Ông Cương chỉ rõ: “Thứ nhất, chất lượng bản dịch kém do chất lượng của các cộng tác viên dịch là rất yếu, không đồng đều và các Phòng tư pháp quận, huyện không quản lý được chất lượng của đội ngũ cộng tác viên dịch này và càng không quản lý được chất lượng bản dịch. Trong khi việc dịch thuật không chỉ căn cứ vào bằng cấp của người dịch. Đôi khi người dịch chẳng có bằng cấp mà vẫn có thể dịch tốt. Vấn đề đặt ra là cần có tiêu chuẩn của người dịch được Bộ tư pháp quy định.
Thứ hai, giá cả bị thả nổi, mặc dù Nhà nước chưa bao giờ quy định giá dịch thuật nhưng trước đây các Phòng công chứng nhà nước thống nhất đưa ra một mức giá chung mà xã hội có thể chấp nhận được. Từ khi chuyển giao cho Phòng tư pháp quận, huyện thì giá bản dịch là do người dịch tự quyết định sau khi thỏa thuận với khách hàng. Họ muốn thu bao nhiêu thì thu miễn là khách hàng đồng ý, Phòng tư pháp chỉ thu lệ phí chứng thực người dịch mà thôi.
Thứ ba, kể từ khi hoạt động công chứng bản dịch được chuyển về quận, huyện thì nếu khách hàng có gì thắc mắc liên quan đến nội dung của bản dịch thì không thuộc trách nhiệm của Phòng tư pháp. Khách hàng thì không bao giờ gặp được người ký chứng thực và nếu có thắc mắc thì cũng không giải quyết được.
VPCC hoạt động theo Luật doanh nghiệp có khả thi?
Về tổ chức và hoạt động của các Phòng công chứng nhà nước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật công chứng lần này đưa ra định hướng chuyển đổi hoạt động đối với các Phòng công chứng nhà nước, đó là việc chuyển dần từ cớ chế tự chủ sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhận định: “Trong tình hình hiện nay không phải Phòng công chứng nhà nước nào cũng đủ điều kiện để chuyển đổi. Chỉ có một số ít phòng ở các khu vực thành phố, trung tâm là có điều kiện để chuyển đổi vì có nguồn thu lớn, ổn định.
Còn ở nhưng nơi khác, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhu cầu thì có nhưng không nhiều thì việc tự hạch toán, chuyển sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp là rất khó khăn. Vấn đề này cần được cân nhắc vì công chứng, chứng thực là một loại hình dịch vụ công mà Nhà nước phải luôn luôn bảo đảm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Ngoài ra, ông Cương cũng chỉ rõ những khó khăn trong thực hiện sao văn bản: Từ khi việc chứng thực bản sao, bản dịch và chứng thực chữ ký được giao cho cấp xã phường, huyện quận thực hiện thì xuất hiện không ít khó khăn, ách tắc cho người dân.
Mặc dù mục đích của việc chuyển giao cho cấp xã phường, huyện quận là để giảm tải cho các Phòng công chứng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thường xuyên của người dân nhưng trong thực tế thì lại chậm hơn vì việc chứng thực chỉ là một nhiệm vụ thứ yếu của cấp chính quyền xã phường, huyện quận. Nhanh hay chậm đôi khi phụ thuộc vào sự có mặt của người quản lý, nhiều khi là rất chậm.
Ông Cương nêu lên một thực tế: “Việc sao các văn bản song ngữ (có những giấy tờ rất đơn giản như hộ chiếu) cứ phải lên quận và nhiều khi chạy đến vài quận mà không sao được vì không có người ký. Vấn đề trên đặt ra là có nên tiếp tục giao việc công chứng, chứng thực cho cơ quan hành chính nhà nước nữa hay không?! Làm thế nào để thực sự thuận lợi cho người dân trước sự phát triển của hệ thống các Phòng công chức nhà nước và các VPCC tư nhân?”.