ĐBQH: Đoàn giám sát cần rà soát báo cáo của trường, Phòng, Sở GD có chính xác?

25/09/2022 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Hồ Thị Minh, tiến độ và hiệu quả triển khai 2 nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK vẫn đang là “tâm điểm” của dư luận, khi còn quá nhiều hạn chế.

Cần làm rõ chất lượng thực sau hơn 2 năm triển khai chương trình

Cuối tháng 8/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Ngay sau đó, đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh thành đã có những buổi làm việc với đại diện ngành giáo dục địa phương, khảo sát tình hình thực hiện 2 nghị quyết trên về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2020-2022.

Là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và luôn quan tâm, theo sát những chuyển biến trong quá trình triển khai đổi mới giáo dục thời gian qua, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, bà có rất nhiều trăn trở với tiến độ và hiệu quả quá trình thực hiện 2 nghị quyết trên.

Bà đánh giá: “Có thể thấy, 2 nghị quyết (Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14) của Quốc hội đã được ban hành khá lâu, nhưng hiệu quả của Nghị quyết đi vào thực tiễn thì hiện nay rất đáng quan tâm.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đại biểu quốc hội khóa XIV, XV, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị). (Ảnh: NVCC).

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đại biểu quốc hội khóa XIV, XV, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị). (Ảnh: NVCC).

Chẳng hạn, đối với Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới sách giáo khoa, đến thời điểm này, đã thực hiện 3 năm ở bậc tiểu học, 2 năm ở trung học cơ sở và triển khai năm đầu tiên ở bậc trung học phổ thông.

Tuy nhiên, chất lượng sách giáo khoa (cả về nội dung kiến thức lẫn giá thành) vẫn đang là vấn đề nổi cộm, và đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là câu chuyện giá sách giáo khoa dường như chưa từng “hạ nhiệt” qua các năm học.

Vì vậy, tôi rất mong Đoàn giám sát chỉ rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của địa phương trong từng vấn đề, từ đầy rẫy “sạn” trong sách giáo khoa đến giá sách “tăng phi mã” .

Đồng thời, Đoàn giám sát cũng cần làm rõ, làm thế nào để sách giáo khoa được đưa vào nhà trường là một công cụ hỗ trợ học tập của học sinh, tránh tình trạng trước thềm năm học mới, sách giáo khoa “khan hiếm”, phụ huynh phải đi lùng mua sách cho con lại gặp phải tình trạng: sách cần thì không có, sách có thì không phù hợp”.

“Còn về Nghị quyết 88/2014/QH13, rất cần Đoàn giám sát đánh giá thực trạng, để xem các địa phương triển khai như thế nào… Vì trước khi có Nghị quyết 88/2014/QH13, cũng đã có rất nhiều chương trình 134,135, các dự án, chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đời sống của họ vẫn nằm trong “lõi nghèo”, cuộc sống không mấy thay đổi. Bởi, có thấy được thực trạng mới triển khai đúng.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình lớn, nhưng đến nay, mới chỉ có 3 tỉnh triển khai (Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội), còn lại vẫn đang chờ hướng dẫn (Hướng dẫn, Thông tư ban hành nhưng vẫn vướng mắc không triển khai được).

Từ thực tế đó, có thể thấy, sự vào cuộc của các Bộ ngành được giao nhiệm vụ quá chậm. Có thể số tiểu dự án, dự án không triển khai được vì chờ khung, định mức, ủy thác… Văn bản ban hành mà vẫn không tháo gỡ được thì cơ sở đâu để triển khai?!”, nữ Đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cũng chỉ ra: “Còn một vấn đề nữa, đó là, sau hơn 2 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, các địa phương đánh giá chất lượng khả quan, với những con số tích cực…

Tuy nhiên, cũng như rất nhiều đại biểu, tôi băn khoăn về chất lượng thực, bởi hiện tại, vẫn còn nhiều khoảng cách trong giáo dục, đặc biệt giữa các vùng miền. Nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đương đầu với “làn sóng” dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, nhiều nhà trường, nhiều địa phương trong nhiều thời điểm phải tổ chức dạy học online. Rất khó để có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào một kết quả tốt như vậy trong thời điểm hiện tại, khi mà vẫn còn tồn tại nhiều bỡ ngỡ, bất cập trong thực tiễn triển khai.

Nguy hại nhất là từ chính một “căn bệnh” đã xuất hiện từ lâu, mang tên bệnh thành tích. Bệnh thành tích ở một số nơi dường như đã “ăn sâu bén rễ” vào tư duy của một số bộ phận, một số cá nhân… có thể làm “méo mó” đi những đánh giá thực chất về hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hơn 2 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng là lúc học sinh cả nước phải làm quen với học online do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Hơn 2 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng là lúc học sinh cả nước phải làm quen với học online do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Không biết đến khi nào ngành giáo dục mới “cắt” được bệnh thành tích. Có quá nhiều vấn đề, có thể ví dụ, thí sinh thi 30 điểm vẫn trượt đại học; hay học sinh mới lớp 4, lớp 5 đã tham gia hàng chục cuộc thi trên mạng… Ngành đang quá nặng hình thức; các trường đang quá nặng phong trào… thì khó mà đánh giá đúng chất lượng học sinh.

Bởi vậy, tôi cũng mong Đoàn giám sát có thể rà soát, làm rõ chất lượng được báo cáo từ các nhà trường, các phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, có thực sự khách quan, chính xác?”.

Nên bố trí cả đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm

Để nâng cao hiệu quả giám sát, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất như sau: “Đề nghị Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành cần tháo gỡ những vướng mắc mà tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã kết luận; nhất là các kiến nghị đề xuất từ cơ sở (vì chính họ là những nhân tố quyết định trong quá trình triển khai).

Bởi, có chỉ ra được những vướng mắc trong thực tiễn quá trình triển khai, mới đề xuất được những giải pháp tháo gỡ “đúng”, “trúng” và kịp thời.

Ví như với Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2020, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2020, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Mặc dù đã có văn bản nhưng trên thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc nên không thực hiện được.

Công tác kiểm tra, giám sát là để tránh những sai sót trong quá trình thực hiện chủ trương trên.

Đối với những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, cũng chỉ đề xuất, kiến nghị đến các Bộ ngành, nên khâu tháo gỡ còn chậm.

Đại biểu quốc hội Hồ Thị Minh mong Đoàn giám sát làm rõ chất lượng được báo cáo từ các nhà trường, các phòng, Sở, có thực sự khách quan, chính xác? (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Đại biểu quốc hội Hồ Thị Minh mong Đoàn giám sát làm rõ chất lượng được báo cáo từ các nhà trường, các phòng, Sở, có thực sự khách quan, chính xác? (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Chưa kể đến, hiện tại, hậu giám sát chỉ mới nắm qua các báo cáo văn bản, chứ chưa thấy thành lập đoàn để kiểm tra lại việc thực hiện kết luận của Đoàn giám sát, như vậy, rất khó để kiểm soát và đánh giá đúng mực về hiệu quả giám sát”.

“Việc thành lập các Đoàn giám sát nên bố trí cả đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm, vì chính những đại biểu kiêm nhiệm là người đang thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14, chính những đại biểu kiêm nhiệm sẽ hiểu rõ bản chất của vấn đề và có những kiến nghị sát hơn”, vị Đại biểu nhấn mạnh.

Ngân Chi