Thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập
Vào cuối tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đánh giá: “Trước hết, chúng ta phải kể đến một số hiệu quả khi triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14, như:
Về mục tiêu giáo dục: Đã đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở các cấp học thành công, đưa vào thực hiện ở 3 cấp tại tất cả các địa phương. Đồng thời, chương trình phát huy được sự tập trung trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.
Đại biểu quốc hội Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên). (Ảnh: NVCC). |
Nghị quyết 88/2014/QH13 cũng góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương...”.
Theo đó, Đại biểu Quàng Thị Nguyệt nhìn nhận: “Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các báo cáo, khâu tổ chức biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương còn chậm so với tiến độ đề ra, quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bộc lộ nhiều bất cập...”.
Cụ thể, vị Đại biểu chỉ ra: “Có tình trạng nhiều sách giáo khoa chỉ dùng được một lần do cho học sinh ghi trực tiếp vào sách. Tại một số nơi còn có tình trạng xuất hiện nhiều sách tham khảo, nâng cao, khó kiểm soát.
Về chất lượng, trình độ của giáo viên để phù hợp với nội dung đổi mới chương trình, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, cần được bồi dưỡng thêm về chuyên môn.
Chưa kể, một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được về năng lực, trình độ, chuyên môn, yêu cầu theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Một phần nguyên nhân do công tác tập huấn tại một số nơi còn gặp khó khăn, loay hoay và chưa đạt hiệu quả.
Một vấn đề nữa, đó chính là khó khăn đối với các môn học tích hợp, các môn học lựa chọn/bắt buộc, có sự thay đổi so với chương trình cũ, nên đòi hỏi có sự thay đổi cơ cấu giáo viên, dẫn đến thừa - thiếu giáo viên ở các cơ sở giáo dục.
Chẳng hạn, khi thực hiện chương trình mới, do không có giáo viên dạy môn tích hợp ngay từ đầu, nên có nơi, các trường sẽ phải phân công giáo viên tham gia giảng dạy thêm một môn khác trong cùng tổ hợp, giáo viên sẽ dạy kỹ hơn ở môn chính vốn được đào tạo trước đó.
Một vấn đề mà tôi cho là khó khăn cả với học sinh lẫn nhà trường phổ thông, đó là do chưa có sự nhất quán về vị trí các môn học ngay từ đầu, nên việc cho học sinh lựa chọn môn học và phân chia lớp được tiến hành còn chậm, kéo theo đó, khiến nhà trường đăng ký sách giáo khoa để trang bị cho học sinh còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Hay như một thông tin mới được báo chí phản ánh, có tình trạng nội dung Hoạt động trải nghiệm với giáo dục địa phương và hướng nghiệp bị “chồng chéo”. Cụ thể, ở bậc trung học cơ sở, học sinh được học Hoạt động trải nghiệm, trong đó cũng lặp lại nội dung giáo dục địa phương và hướng nghiệp nhưng chương trình lại tách riêng là Giáo dục địa phương... Vấn đề này nên được giải quyết như thế nào?
Tất cả những bất cập trên đều xuất phát từ việc khi xây dựng chương trình, những người làm chương trình chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, lường trước những thách thức sẽ phải “đối mặt” để đề ra giải pháp phù hợp ngay từ đầu. Chính điều đó đã khiến chúng ta bị động, lúng túng khi đứng trước mỗi khó khăn trong thực tiễn triển khai”.
Cần đánh giá khách quan, toàn diện để triển khai tốt hơn
Từ những bất cập đã phân tích, nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên kiến nghị: “Tôi cho rằng, để khắc phục những hạn chế đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo cấp Trung ương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, kế hoạch, chương trình hành động của các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đầu tư xây dựng, bổ sung các phòng học chức năng (Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ) phòng thư viện, thí nghiệm... Đồng thời, tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, cơ cấu.
Đặc biệt, đối với việc lựa chọn các môn học của học sinh ở vùng đồng bằng và miền núi có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết của các chuyên gia ở cấp trung học phổ thông.
Và điều cần phải làm tốt nhất ngay từ lúc này, đó là hỗ trợ miễn phí sách giáo khoa cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... để các nhà trường có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học”.
Theo Đại biểu quốc hội Quàng Thị Nguyệt, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần được quan tâm hơn nữa. (Ảnh minh họa: N.T.P). |
Cuối cùng, Đại biểu quốc hội Quàng Thị Nguyệt bày tỏ: “Theo lộ trình, chỉ 2 năm nữa (năm học 2024-2025), sẽ hoàn thành chương trình đầu tiên về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông toàn cấp học.
Chính vì vậy, việc Quốc hội thực hiện giám sát ở thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời về ưu điểm, khuyết điểm của việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51.
Tôi hy vọng, Đoàn giám sát luôn luôn lắng nghe, tận dụng mọi kênh thông tin để tiếp cận với những góc nhìn chân thực nhất, làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương.
Đồng thời, Đoàn giám sát sẽ đánh giá khách quan, giống như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng phát biểu, quán triệt: “Giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng. Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để”, tôi mong các thành viên Đoàn giám sát sẽ phát huy hết khả năng để làm tròn vai trò, trách nhiệm.
Từ những đánh giá khách quan, toàn diện, sẽ đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tiếp theo”.