Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Theo quy định của luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành quy định về khung học phí. Trước đây chúng ta có Nghị định 86, hiệu lực đến hết năm học 2020-2021. Khung học phí đối với các năm học tiếp theo, đối với giáo dục phổ thông thì năm 2022 khung học phí đã đưa cụ thể trong Nghị định 81.
Từ các năm sau trở đi, Hội đồng Nhân dân các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân… để quyết định khung học phí hoặc mức học áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5% /năm.
Theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí, đã kéo dài trong chủ trương tại Nghị quyết 19 của Trung ương. Nghị định quy định khung học phí, mức trần, sàn, các địa phương quy định mức học phí theo khung học phí...
Trao đổi về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) chia sẻ: “Học phí của giáo dục đại học trước đây chỉ là một phần bù chi của các trường, tuy nhiên, đối với các trường tự chủ, học phí phải bù đắp cho toàn bộ chương trình. Vì vậy, tăng học phí là điều tất nhiên, tuy nhiên, trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, người dân vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, các trường cũng nên tính các phương án khác để bù đắp khó khăn.
Đặc biệt là khi chúng ta đang thực hiện chính sách về kiểm soát lạm phát, thì chỉ đạo mang tính chất khuyến cáo không nên tăng học phí trong thời gian tới, (nếu có, cũng chỉ nên điều chỉnh ở mức rất vừa phải), để vừa đảm bảo cho đối tượng người học còn khó khăn, cũng đảm bảo góp phần cho bình ổn, kiểm soát lạm phát”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. (Ảnh: H.B). |
Vị Đại biểu Quốc hội cho biết: “Trên thực tế, cũng rất nhiều trường không thực hiện tăng học phí trong những năm vừa qua. Chẳng hạn như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hoàn toàn tự chủ, trong suốt 3 năm qua, nhà trường không tăng học phí và năm nay cũng vậy.
Theo xu hướng tất yếu, học phí phải thực hiện theo nguyên tắc về giá là “tính đúng, tính đủ”, đảm bảo thu đó phải đủ bù chi phí, khi nhà nước dã không thực hiện cấp nguồn thường xuyên.
Về nguyên tắc và về lâu dài, học phí sẽ tăng như thế. Tuy nhiên, phải thực hiện theo lộ trình, đặc biệt, trong lúc người dân gặp khó khăn, đất nước đang cần kiểm soát lạm phát, thì khuyến cáo nên chưa tăng học phí trong năm học này. Giai đoạn này thực sự là giai đoạn khó khăn với người học, vì vậy, các nhà trường nên có chính sách góp phần bình ổn xã hội.
Tôi cũng xin khẳng định thêm, đây là do chính sách của mỗi nhà trường cũng như trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội, đối với người học, còn đứng về Nhà nước, chỉ mang tính chất khuyến cáo, mang tính chất đề nghị, không thể bắt buộc.
Luật đã quy định cho phép, không thể đưa ra quy định mang tính chất ngăn cấm”.
“Đây là lúc mọi người nên chia sẻ, trong giai đoạn bị ảnh hưởng Covid-19. Các nhà trường nên tính đến những phương án bù đắp chi phí hợp lý. Chẳng hạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phải lấy các phần tích lũy để bù cho những phần thâm hụt, kể cả sinh viên hay cán bộ giảng viên, nhân viên mắc Covid-19, nhà trường cũng phải có khoản trợ cấp, lấy từ phần tích lũy này” - ông nhấn mạnh.
Về chiến lược lâu dài hỗ trợ cho sinh viên, học viên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết: “Để hỗ trợ cho sinh viên, học viên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn lại có năng lực học tốt, các nhà trường phải có nhiều phương pháp hỗ trợ, để các em tiếp cận với điều kiện học tập tốt nhất, kể cả những chương trình chất lượng cao,
Theo tôi, có hai mặt hỗ trợ: Thứ nhất, đứng về mặt Nhà nước, khi không cấp ngân sách đào tạo cho các cơ sở đào tạo, thì phần kinh phí đó phải được dành để thành lập các quỹ hỗ trợ cho học sinh, chẳng hạn quỹ học bổng để đặt hàng cho những cơ sở giáo dục đào tạo sẽ đào tạo cho những sinh viên, học viên thuộc diện chính sách xã hội, có năng lực tốt. Như vậy sẽ ưu tiên đúng đối tượng, không để tràn lan.
Thứ hai, bản thân các trường dù là các trường tự chủ, cũng phải có chính sách đối với đối tượng sinh viên, học viên, dành quỹ học bổng cho các em. Nếu làm tốt cả hai giải pháp thì chúng ta không e ngại chuyện tự chủ, tăng học phí mà những học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tập”.
Về vấn đề lo ngại chất lượng khi có nhiều phương thức tuyển sinh ở mỗi trường, vị Đại biểu cho rằng: “Năm nay, các trường rất nhiều phương thức tuyển sinh. Đây không phải vấn đề “làm khó” cho các thí sinh mà là gây khó cho các trường.
Trước nay tuyển sinh thường chỉ có một phương thức, sẽ rất dễ cho các trường. Tuy nhiên, một phương thức, đôi khi lại làm mất cơ hội lựa chọn của người học. Bởi vì các đối tượng người học, mỗi thí sinh có năng lực học rất khác nhau. Nếu mỗi trường chỉ căn cứ điểm thi, điểm thi lại chỉ căn cứ vào tổ hợp xét tuyển 3 môn nào đó, rõ ràng là có những bạn rất giỏi nhưng lại có những bạn mà điểm ở 3 môn đó không cao hoặc ở thời điểm thi, làm bài lại không tốt... sẽ dễ vuột mất cơ hội...
Các trường mở ra nhiều phương thức xét tuyển là mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng tuyển sinh, ở nhiều điểm mạnh khác nhau, năng lực, sở trường phù hợp phưng thức nào thì đăng ký xét tuyển phương thức đó. Lúc này, áp lực dồn lên các cơ sở giáo dục chứ không phải người học. Đây là phương thức chọn tốt hơn, nhiều cơ hội người học có năng lực đặc thù khác nhau”.