ĐBQH Vương Quốc Thắng: Nên có Nghị định riêng vận hành cơ sở GDĐH tự chủ

01/11/2023 12:02
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH Vương Quốc Thắng kiến nghị nên ban hành Nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình và cơ chế giám sát

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội vào sáng ngày 01/11, Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề cập đến việc tiếp tục dành sự quan tâm lớn cho đại học, phát huy tự chủ đại học.

Theo Đại biểu Vương Quốc Thắng, đại học có vai trò rất lớn trong việc nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, giữ gìn và lan tỏa văn hóa, thúc đẩy quốc gia đổi mới sáng tạo. Các quan điểm hiện đại về phát triển kinh tế - xã hội đều nhìn nhận đại học là mắt xích quan trọng để xây dựng đất nước thịnh vượng và tự cường.

Để đại học thực hiện được sứ mệnh này, Đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng: “Cần tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn cho đại học, trong đó chính sách phát huy tự chủ đại học, phát huy vai trò của Hội đồng trường gắn với đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cần được đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn.

Hội đồng trường là thiết chế giúp cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng quản trị, giám sát và trách nhiệm giải trình. Thành viên Hội đồng trường quyết định khả năng triển khai hoạt động, thực hiện quản trị chiến lược hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, thành viên Hội đồng trường là Trưởng đơn vị cấp 2 (như Trưởng phòng, Trưởng khoa) là đối tượng dưới quyền trực tiếp của Hiệu trưởng vẫn còn chiếm đa số, thành viên Hội đồng trường là giảng viên, người lao động, không tham gia quản lý là rất ít.

Với thành viên Hội đồng trường là người bên ngoài, đây là động lực để đội ngũ lãnh đạo của cơ sở giáo dục đại học chuyển đổi tư duy quản trị, tự chủ, phát triển gắn với sứ mệnh, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo và tuân thủ pháp luật. Thành viên Hội đồng là người ngoài trường vẫn chưa có nhiều gắn kết mật thiết với trường đại học do chưa quen hoạt động của đại học cũng như chưa có cơ chế gắn trách nhiệm, quyền hạn được quy định trong các văn bản pháp quy. Các thành viên bên ngoài gắn kết với trường đại học chủ yếu trên tinh thần khát vọng cống hiến cá nhân hoặc đảm nhận nhiệm vụ được giao. Vì thế, chưa phát huy hết vai trò tự chủ thực chất, hiệu quả và thực hiện đầy đủ chức năng của Hội đồng trường”.

Về hoạt động của Hội đồng trường, Đại biểu Vương Quốc Thắng cũng nhấn mạnh: “Chỉ Chủ tịch là chuyên trách, các vị trí còn lại đều là kiêm nhiệm.

Theo Luật số 34/2018, Hội đồng trường được sử dụng bộ máy tổ chức của trường để hoạt động, nhưng thực tế còn thiếu hướng dẫn cụ thể nên hoạt động của Hội đồng trường còn bị động.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ chưa đề cập đến Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường nên các bộ phận như Thường trực Hội đồng trường, Ban Thư ký và các ban chuyên môn (nếu có) của Hội đồng trường được triển khai ở mỗi trường theo mỗi cách khác nhau.

Vai trò giám sát của Hội đồng trường vẫn còn rất hạn chế và hình thức do thiếu định hướng và thiếu liên thông chức năng với cơ quan chủ quản, thiếu nguồn nhân lực, thiếu hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học một cách chủ động. Kiểm toán nội bộ được quy định bắt buộc tại Nghị định 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ nhưng có rất ít cơ sở giáo dục đại học thành lập kiểm toán nội bộ”.

Vị đại biểu cho biết: “Tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình và cơ chế giám sát đánh giá bên trong, bên ngoài thông qua thiết chế Hội đồng trường và cơ chế Kiểm định chất lượng giáo dục đã được quy định trong Luật số 34. Hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng đã có nhiều đóng góp cho phát triển đại học.

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn khó khăn, chưa phát huy hết hiệu quả như tinh thần của Luật số 34. Vì thế, cần sớm củng cố và ổn định hệ thống này, đặc biệt tính độc lập của Đơn vị kiểm định và kiểm định viên, tính minh bạch trong công bố thông tin kiểm định, cần chuyển đổi số trong hoạt động kiểm định nhằm thực hiện tốt vai trò giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục một cách tường minh, công bằng và khách quan”.

Nên ban hành Nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ

Để thúc đẩy tự chủ đại học, Đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị các giải pháp sau:

Một là, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99 trong đó đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để một Cơ sở giáo dục đại học được coi là tự chủ. Quy định cụ thể cơ cấu thành viên của Hội đồng trường gắn với trách nhiệm, quyền hạn; thể chế hóa nội dung “Hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường” được nêu rõ trong Nghị quyết 19 của ban Chấp hành Trung ương và Quy định 125 của Ban Bí thư; Quy định quan hệ giữa Hội đồng trường, Chủ tịch hội đồng trường với Ban giám hiệu, Hiệu trưởng; Quy định các ban chuyên môn để Hội đồng trường hoạt động chủ động, hiệu quả. Quy định địa vị pháp lý của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học. Quy định phương thức công khai kết quả kiểm định và giám sát khách quan chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Hai là, Chính phủ nên ban hành Nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Trong đó, nhất quán với quan điểm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, quy định mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học tự chủ; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ cấu quản trị, điều hành, khung tổ chức và hoạt động, bộ công cụ giám sát hoạt động bên trong cũng như thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học tự chủ; quy định rõ cơ chế và chức năng giám sát của Hội đồng trường đồng bộ với kế hoạch và hoạt động giám sát của cơ quan chủ quản, tránh giám sát chồng chéo, hình thức.

Ngoài nội dung về tự chủ đại học, vị đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Theo báo cáo kinh tế - xã hội mà Thủ tướng trình bày trước Quốc hội, giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao làm việc cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn, xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị được gì và sẽ làm thế nào để hệ thống giáo dục đại học thực hiện được nhiệm vụ theo tôi là rất lớn, rất khó này?” - vị đại biểu băn khoăn.

Huệ Phương