Cần quy định lương GV cao nhất hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

01/11/2023 10:15
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Hà Ánh Phượng, thực hiện cải cách tiền lương lần này, cần quy định lương của GV ở mức cao nhất hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 01/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Cần quy định lương giáo viên cao nhất hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nữ đại biểu cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, bảo đảm đủ các điều kiện, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội đã đề ra.

Đối với công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng.

Theo nữ đại biểu, ngành giáo dục đã có nhiều thành tích nổi bật đã được đề cập rất chi tiết trong báo cáo.

Tuy nhiên, Đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn, làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024-2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nữ đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: quochoi.vn.

Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, Đại biểu Hà Ánh Phượng nhận thấy: “Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, ở nội dung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, có nêu:

Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Song, thực tế qua 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc làm thêm... Vì vậy, dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.

Bên cạnh đó, nhân viên trường học là một bộ phận thường chiếm tỉ lệ ít hơn 10% tổng biên chế một trường học, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường. Mặc dù, họ làm việc 8 tiếng/ngày nhưng lại không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức, cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo. Dù làm cùng trong ngành giáo dục, nhưng phụ cấp của họ rất thấp, hoặc thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì”.

Chính vì vậy, nữ đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ: “Trong cải cách tiền lương lần này, cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay”.

Vấn đề thứ ba mà Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng tham gia thảo luận là về dự thảo lần 2 Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT).

Trên thực tế, việc chọn sách giáo khoa ở nhiều tỉnh, trong đó có tỉnh Phú Thọ, trong thời gian qua, được tổ chức nghiêm túc, khách quan, đảm bảo đúng quy trình với các quy định của Thông tư 25, đảm bảo chất lượng và điều kiện của địa phương. Việc chọn sách giáo khoa theo Thông tư, theo tôi đã đảm bảo bổ sung đối tượng các cơ sở giáo dục thường xuyên được tham gia lựa chọn và tôn trọng sự lựa chọn của giáo viên ở các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, theo dự thảo, mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng lựa chọn sách.

“Theo tôi, quy định này còn dẫn đến một số khó khăn sau: Thứ nhất, nhiều cơ sở giáo dục trên thực tế chỉ có 1-2 giáo viên một bộ môn, trong khi số lượng đầu sách là quá nhiều, ví dụ môn Tiếng Anh có 9 đầu sách giáo khoa. Các thầy cô sẽ phải đọc, nghiên cứu rất nhiều sách mà chỉ lựa chọn có 1, tôi cho rằng, đây là một công việc khá vất vả, độ chính xác chưa cao do năng lực giáo viên chưa đồng đều.

Trước đây, thành viên hội đồng chọn sách của các tỉnh là các giáo viên cốt cán, rất nhiều giáo viên có chuyên môn tốt và trách nhiệm cao, được lựa chọn từ các cơ sở giáo dục, nên việc đọc nhận xét, đánh giá và lựa chọn chính xác hơn. Thứ hai, tôi nghĩ, điều này có thể sẽ gây khó khăn trong việc cung ứng là tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa. Đặc biệt, khó khăn cho học sinh khi phải học lại hoặc chuyển trường.

Cuối cùng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa được lựa chọn của từng cơ sở giáo dục trên địa bàn là không phù hợp với thực tế, bởi số lượng này rất lớn.

Xuất phát từ những khó khăn trên và thực tế, các trường sẽ chỉ lựa chọn sách giáo khoa cho năm học sắp tới, tức là lớp 5, 9, 12, tôi đề nghị sẽ giữ nguyên quy định chọn sách giáo khoa như quy định hiện hành tại Thông tư 25”.

Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tuyển dụng giáo viên

Góp ý đối với vấn đề việc làm cho thanh niên, Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu rõ, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ độ tuổi 15 -24 tuổi trong quý 3 năm 2023 là 7,86%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,60%... Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội, đến chính thu nhập và đời sống của thanh niên và gia đình, gây áp lực cho an sinh xã hội, cũng là nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội.

“Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh niên thất nghiệp, trong đó có nguyên nhân đến từ công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Để khắc phục tình trạng trên, tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đánh giá lại công tác phân luồng học sinh, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác dự báo nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đánh giá lại quá trình, kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Đồng thời, rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên, ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên nói riêng và lao động nói chung trong khu vực phi chính thức.

Hơn nữa, có cơ chế, chính sách thu hút thanh niên có trình độ vào làm việc tại khu vực chính thức để tránh lãng phí nguồn nhân lực”.

Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: quochoi.vn.

Bân cạnh đó, nữ đại biểu cho biết: “Về tình trạng mất cân đối giáo viên giữa các bộ môn trong cùng một cấp học, việc thiếu giáo viên đối với các bộ môn như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật, tình trạng thiếu nhân viên trường học, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội. Đây là một vấn đề không mới, nhưng tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành vẫn chưa thực sự đủ thu hút giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn. Các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học vẫn còn hạn chế. Nhiều địa phương không có nguồn tuyển giáo viên các bộ môn vừa nêu trên, do thí sinh không đáp ứng được yêu cầu về trình độ.

Từ thực tế trên, Đại biểu Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ: “Tiếp tục rà soát, có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút, tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học. Ưu tiên tuyển dụng đối với thí sinh là con em đồng bào dân tộc đang sinh sống ở trên địa bàn.

Riêng đối với các bộ môn mang tính đặc thù, đề nghị cho phép tuyển dụng từ trình độ cao đẳng trở lên và sau đó tiếp tục đào tạo để những giáo viên đó hoàn thiện về trình độ theo quy định trước năm 2030”.

Huệ Phương