Hai vấn đề cần làm rõ
Thời gian qua đề xuất góp vốn thành lập mới hãng hàng không VASCO của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo đó, Công ty CP Hàng không VASCO sẽ được thành lập dựa trên việc cơ cấu lại Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO và 2 đơn vị đối tác.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng trước những vấn đề chưa được làm rõ trong đề xuất thành lập hãng hàng không cổ phần VASCO Bộ Giao thông vận tải không nên vội vàng - ảnh nguồn VASCO |
Cụ thể, VNA sẽ góp vốn cùng đối tác bằng tài sản hiện hữu tại VASCO, còn 2 đối tác khác sẽ góp vốn bằng tiền mặt.
Số vốn góp của VNA và đối tác là 300 tỷ đồng - quy mô vốn của hãng hàng không cổ phần VASCO, trong đó VNA sẽ nắm giữ 51% cổ phần (khoảng 153 tỷ đồng), còn lại 49% của đối tác (khoảng 147 tỷ đồng).
Sẽ không có gì đáng bàn nếu việc góp vốn được công khai giá trị mỗi cổ phần, thực hiện đấu giá cổ phần, chọn nhà đầu tư chiến lược dựa trên cơ sở nhà đầu tư nào có phương án tài chính hấp dẫn, hợp lý nhất.
Đằng sau đề xuất thành lập hãng bay mới gây tranh cãi của Vietnam Airlines(GDVN) - Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn với Báo Giao dục Việt Nam xung quanh đề xuất thành lập VASCO của Vietnam Airlines |
Tuy nhiên, thay vào đó VNA đã lựa chọn sẵn đối tác là một cổ đông cũ của mình.
Mặt khác, quy mô vốn điều lệ của hãng hàng không cổ phần mới đặt ra câu hỏi về việc phát triển, cạnh tranh trên thị trường.
Những vấn đề được dư luận đặt ra xung quanh đề xuất thành lập Công ty CP hàng không VASCO cũng chính là những băn khoăn của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không, nguyên Chủ nhiệm khoa Hàng không - Đại học Bách khoa TP.HCM.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, trong đề xuất thành lập hãng hàng không cổ phần VASCO, có hai vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất vấn đề định giá tài sản hiện hữu đang có ở VASCO. Theo đó dù thời điểm này VNA chưa công bố hay khẳng định giá trị tài sản hiện hữu ở VASCO là bao nhiêu tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, trong đề xuất của VNA đã có ngầm ý định giá.
Phân tích cụ thể, vị chuyên gia này cho biết, việc VNA đưa ra quy mô vốn 300 tỷ đồng trong đó đối tác đã góp đến 49% cổ phần tức gần 150 tỷ đồng, như vậy vô hình chung tài sản hiện hữu tại VASCO đã được hiểu ở mức trên dưới 150 tỷ đồng.
“Cần phải đánh giá tài sản VASCO trên phương diện tài sản hữu hình: Máy bay, thiết bị kỹ thuật, máy móc… Nhưng bên cạnh đó còn tài sản vô hình là thương hiệu VASCO, uy tín thị trường, giá trị thương hiệu doanh nghiệp đôi khi còn lớn hơn giá trị vật chất”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề nếu tài sản VASCO được định giá cao hơn con số 300 tỷ đồng, có nghĩa đề xuất của VNA không đúng với thực tế.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - ảnh H.Lực/giaoduc.net.vn. |
Thứ hai, quy mô vốn của VASCO quá nhỏ. Với kinh nghiệm hàng chục năm giảng dạy nghiên cứu hàng không PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định quy mô vốn 300 tỷ đồng với một hãng hàng không là quá nhỏ. Trong khi việc tăng vốn hoàn toàn có thể thực hiện bằng việc kêu gọi thêm nhà đầu tư.
Mục tiêu của việc chuyển đổi VASCO từ công ty phụ thuộc sang công ty cổ phần nhằm tăng vốn cho doanh nghiệp, tự hạch toán và cạnh tranh song phẳng trên thị trường, không còn lệ thuộc vào VNA. Muốn thực hiện điều này hãng hàng không cổ phần mới phải thêm vốn.
Đề nghị bác đề xuất của VNA
Từ 2 vấn đề chưa được làm rõ, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng: Bộ Giao thông vận tải không nên vội vàng phê duyệt đề xuất VNA, cần yêu cầu VNA hoàn chỉnh lại đề án thành lập hãng hàng không cổ phần.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nếu vội vàng phê duyệt đề án của VNA sẽ vô tình tạo tiền lệ xấu cho vấn đề chuyển đổi doanh nghiệp phụ thuộc sang công ty cổ phần. Nhất là khi luật chưa có quy định, hướng dẫn chuyển đổi từ công ty phụ thuộc tại doanh nghiệp nhà nước có vốn sang công ty cổ phần như hiện nay.
Trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Giao thông vận tải cho rằng, hiện nay chỉ có quy định về quy trình chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV nhà nước sang công ty cổ phần, chưa có quy trình thủ tục chuyến đổi từ công ty, công ty TNHH trực thuộc tổng công ty sang công ty cổ phần. |
Nhấn mạnh vấn đề công khai minh bạch trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị doanh nghiệp có vốn nhà nước, GS. Nguyễn Lang – thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết: “Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là đúng đắn, vấn đề là cách làm”.
Theo GS. Nguyễn Lang, phải công khai minh bạch vấn đề định giá tài sản trước cổ phần hóa, vốn góp của VNA phải được định giá minh bạch. Trong đó phải nêu rõ quy trình định giá, phương pháp định giá, tránh định giá sai, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Thông tin trên Pháp luật Việt Nam cho biết, năm 2007 Pacific Airline đang trên bờ vực phá sản đã kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và thuê ngân hàng nước ngoài định giá. Thời điểm đó, đơn vị này đã định giá Pacific Airline là 180 triệu đô la (4.000 tỷ đồng). Sau đó đã bán được cho Quantas 27% cổ phần thu về 50 triệu đô, đổi thành hãng hàng không Jetstar Pacific.
Theo tờ báo, hiện VASCO được Vietnam Airlines báo cáo hoạt động tốt, có nhiều lợi thế do kinh doanh thị trường ngách mà Vietjet và Jesstar chưa khai thác được, thế nhưng Vasco chỉ được định giá 300 tỷ đồng (gần 15 triệu đô la) có bất hợp lý không? So sánh với thương vụ của Pacific thì vốn nhà nước có thể thất thoát hàng trăm triệu đô la vì mức tài sản của Vasco được định giá quá "bèo".