Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận vừa được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua và đang xin ý kiến các bộ ngành, trước khi báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, thành phố đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40-70 tầng, trong đó có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: Khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); Khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40-60 tầng); Khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng).
Ngoài các khu cao tầng còn có 3 khu vực thấp tầng gồm: Khu văn hóa thấp tầng (phía bắc khu đất); khu công viên (phía đông khu đất); khu thương mại quốc tế (phía tây nam khu đất).
Hiện, Thành phố Hà Nội vừa gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận có tổng diện tích 98,1 ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người.
Ngay khi đề xuất trên được đưa ra lấy ý kiến đã có nhiều ý kiến trái chiều về hàng loạt công trình cao chọc trời từ 40-70 tầng sẽ được xây dựng gần khu vực Ga Hà Nội.
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khu vực này vốn đã tắc nghẽn giao thông sẽ càng tắc nghẽn hơn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại về lợi ích nhóm, bởi vị trí này là “đất vàng” của trung tâm Thủ đô.
Kiến trúc sư Lê Văn Lân cho rằng, đề xuất trên phải đánh giá hết sức thận trọng. Ảnh: Trung Lương. |
Xung quanh đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Kiến trúc sư Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, người dành tình yêu đặc biệt cho Hà Nội thẳng thắn cho rằng: “Đề xuất xây dựng đối với những công trình cao tầng có quy mô lớn đặc biệt ở những vị trí như Ga Hà Nội phải rất thận trọng.
Hà Nội muốn phá vỡ quy hoạch vốn có của Thủ đô thì phải có những lập luận thuyết phục được các chuyên gia, người dân Thủ đô. Nếu Hà Nội thuyết phục được thì rất đáng hoan nghênh và người dân sẽ ủng hộ phương án đó.
Còn đề xuất xây khu đô thị hiện đại trên đưa ra mà thiếu thuyết phục là trái với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt”.
Vấn đề được dư luận quan tâm là đề xuất trên có mang lại lợi ích gì cho xã hội hay có lợi ích nhóm trong đó. Về việc này, kiến trúc sư Lê Văn Lân đánh giá: “Chưa thể nói đề xuất đó có lợi ích nhóm hay mang lại lợi ích gì cho xã hội thời điểm này.
Điều người dân Hà Nội mong muốn giản đơn nhất là chỉ một cái ga tàu thuận tiện, văn minh, lịch sự. Bởi vậy, thay vì dự án đô thị như vậy là công viên, vườn hoa sẽ bớt ngánh nặng cho Thủ đô.
Chắc chắn tắc đường sẽ xảy ra nếu xuất hiện ở đây thêm một đô thị với những ngôi nhà cao mấy chục tầng như vậy. Đây là vấn đề mà Hà Nội đang đối mặt chưa có giải pháp hiệu quả, nay lại xây thêm khu đô thị này nữa chắc vấn đề tắc đường sẽ còn kinh khủng hơn”.
Có ý kiến cho rằng, thay vì xây nhà cao tầng gần Ga Hà Nội là công viên, vườn hoa Thủ đô sẽ đẹp hơn. Ảnh: Hồng Vũ/Realtimes. |
Thực tế, nhiều vị trí được xem là “đất vàng” giữa Thủ đô trước đây vốn là các nhà máy, xí nghiệp sau khi di dời được hy vọng sẽ trở thành trường học, vườn hoa, nhưng thực tế đã được thay bằng các trung tâm thương mại, chung cư.
Và sau đề xuất xây dựng tòa nhà cao 40-70 tầng tại khu vực ga Hà Nội, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo lắng Hà Nội đang phát triển thiếu định hướng, không theo quy hoạch nào mà cứ vị trí nào “đất vàng” lại đưa ra những đề xuất xây khu đô thị hiện đại với những tòa cao ốc chọc trời?
Xây lại ga Hà Nội cao 40 – 70 tầng là vi phạm luật Thủ đô |
Về việc này, kiến trúc sư Lê Văn Lân chỉ ra: “Có thể nói việc xây dựng tùy hứng đó chưa đến mức bị đảo lộn tất cả, nhưng phần nào đã cho thấy sự phức tạp, lộn xộn. Và, chúng ta phần nào đang thấm thía bởi việc xây dựng phức tạp đó.
Hà Nội cần phải tỉnh táo, khôn ngoan trong xây dựng Thủ đô. Còn xây dựng Thủ đô theo kiểu vươn lên cao hay xây dựng ồ ạt thì quá dễ. Điều quan trọng là làm sao xây dựng một Thủ đô bên vững, có trật tự và quy hoạch văn minh hiện đại.
Kiến trúc, quy hoạch Thủ đô như thế nào được nhân dân cho là tốt thì cứ thế mà làm, còn đưa ra những đề xuất thụt lùi thì không nên”.
Có không ít ý kiến người dân cho rằng, nhiều vị trí bất động sản ở trung tâm Thủ đô dần dần rơi vào tay các đại gia bất động sản, phải chăng có lợi ích nhóm.
Kiến trúc sư Lê Văn Lân cho rằng: “Những đại gia bất động sản có vai trò quan trọng trong việc phát triển, thay đổi bộ mặt Thủ đô theo hướng ngày càng hiện đại. Nhưng việc họ bỏ tiền ra xây ở đâu, xây cái gì thì người lãnh đạo phải hướng họ theo.
Còn không hướng được họ, để họ tự làm, tự quyết thì rất nguy hiểm, bởi họ là doanh nghiệp chỉ cần lợi nhuận.
Còn hướng họ vì mục đích Thủ đô phát triển bền vững, lâu dài đòi hỏi người lãnh đạo phải công tâm, nhiệt huyết, có trách nhiệm đặt lợi ích Thủ đô lên trên hết”.
Theo ông Lân, xây nhà cao tầng không khó, bởi anh không có tiền anh có thể liên kết, hợp tác với nhau cùng có lợi là xây được ngay.
Bởi vậy, việc xây dựng ra sao, như thế nào rất quan trọng làm sao để phù hợp với quy hoạch Thủ đô vốn có mà thuyết phục được người dân mới khó, chứ xây nhà 40-70 tầng thì quá dễ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Xuân Cậy (Đại học Giao thông vận tải) cho rằng "Ga Hà Nội là kiến trúc cổ cần phải bảo tồn", đây cũng là nơi gắn với lịch sử - văn hóa của Hà Nội rất nhiều năm.
biết: “Tôi cũng mới nghe thông tin đề xuất này. Còn cụ thể ra sao chưa nắm rõ. Nhưng xung quanh nhà ga một số nước cũng có các trung tâm thương mại, ngân hàng.
Phó Giáo sư Cậy cũng cảnh báo, khu vực ga Hà Nội sẽ là đầu mối của tàu điện ngầm, bây giờ lại xây khu đô thị cao tầng như vậy sẽ khó khăn cho giao thông.