ĐH công lập đầu tiên mở Chương trình Thiết kế và phát triển game có gì đặc biệt?

11/03/2024 06:36
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chương trình Thiết kế và phát triển game mà HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông là chương trình đầu tiên được mở trong khối các trường ĐH công lập tại Việt Nam.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2024.

Theo đó, học viện này dự kiến tuyển 5.200 chỉ tiêu cho hai cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với 22 ngành/chương trình, tăng 3 ngành/chương trình so với năm 2023.

Trong đó, Chương trình Thiết kế và phát triển game sẽ chính thức được tuyển sinh từ năm học này. Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều email, cuộc gọi qua số hotline của thí sinh và phụ huynh bày tỏ sự quan tâm đến chương trình và mong muốn có thêm thông tin chi tiết.

Để độc giả có cái nhìn rõ hơn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với “cha đẻ” của chương trình này là Tiến sĩ Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDIT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Theo Tiến sĩ Thắng, để chương trình này được chính thức thực hiện việc tuyển sinh như hiện nay thì ông và cộng sự của mình tại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã có hơn 10 năm nung nấu ý tưởng và trải qua quá trình chuẩn bị rất công phu.

GDVN_TS Thắng.jpg
Tiến sĩ Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDIT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình Thiết kế và phát triển game mà Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ tuyển sinh và đào tạo trong năm nay là chương trình đầu tiên được mở ra trong khối các trường đại học công lập ở Việt Nam.

Nếu so sánh với những trường đại học ngoài công lập có đào tạo chương trình thiết kế game thì chương trình mà Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ đào tạo có điểm khác biệt rõ ràng, đó là về thời lượng đào tạo dài hơn và có tính chuyên sâu, toàn diện hơn.

“Năm 2011, chúng tôi bắt đầu triển khai tuyển sinh ngành Công nghệ Đa phương tiện, một ngành học rất thành công và có nhiều đóng góp nhân lực sản xuất nội dung số (đồ hoạ, hoạt hình, video, web, ứng dụng di động,…) cho nhiều lĩnh vực của xã hội.

Trong các sinh viên đã tốt nghiệp, có một số em đã và đang tham gia vào thị trường game trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lượng sinh viên này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhân lực chất lượng cao của nền công nghiệp game Việt Nam hiện nay, một phần cũng vì chương trình chưa đủ hàm lượng kiến thức và kỹ năng chuyên biệt của ngành công nghiệp game.

Để giải quyết vấn đề trên, ngay từ những năm 2015 chúng tôi đã dự thảo một chuyên ngành về sản xuất game trong ngành Công ngành Đa phương tiện. Tuy nhiên với bối cảnh lúc đó, khi game chưa được coi là một nghề và xã hội còn nhiều định kiến với game thì việc mở một chương trình đào tạo chuyên sâu về game là không khả quan.

Thời điểm đó, dư luận chỉ coi game là một thứ giải trí, trò tiêu khiển. Thậm chí nhìn theo hướng tiêu cực thì lúc đó game còn được coi là một trò giải trí gây nghiện, có người còn gọi đó là “ma túy số”.

Hiện nay, cách nhìn về game đã thay đổi. Nó được coi là công cụ để xả stress, là phương tiện để giao tiếp với bạn bè và cộng đồng của mình cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại, y tế,... Làm game hiện nay cũng được coi là một nghề có sức hút nhưng cũng đòi hỏi người làm game phải có trình độ cao. Chính vì vậy, cần một ngành đào tạo chính quy ở bậc đại học để đào tạo nhân lực phục vụ cho nghề này.

Quan trọng nhất, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chủ quản của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông rất ủng hộ chúng tôi trong việc đào tạo nhân lực ngành game và coi đó là khâu then chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp game. Vì thế, việc triển khai chính thức chương trình đào tạo Thiết kế và phát triển game ở thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của công nghệ và sự phát triển của xã hội”, lãnh đạo Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT cho biết thêm.

GDVN_làm game.jpg
Ảnh Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDIT) cung cấp.

Cũng theo chia sẻ của Tiến sĩ Thắng, quá trình hiện thực hóa ý tưởng về việc mở một chương trình đào tạo chuyên sâu về game như hiện nay đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trong đó có việc tìm kiếm đội ngũ nhân sự phục vụ cho quá trình đào tạo.

Với các ngành đào tạo có tính chất liên ngành như Công nghệ Đa phương tiện và bây giờ là Thiết kế và Phát triển game, việc tập hợp được một đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ luôn là một thách thức với các trường đại học.

Trong suốt 15 năm phát triển ngành đào tạo Công nghệ Đa phương tiện, Học viện đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự cơ hữu giàu kinh nghiệm cùng các giảng viên trẻ được đào tạo bài bản về thiết kế và phát triển game tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Tuy vậy, để tăng cường tính thực tiễn, áp lực với chúng tôi là luôn phải kết hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong nền công nghiệp game để mời được các chuyên gia hàng đầu tham gia giảng dạy.

Trong toàn khoá học, sinh viên sẽ được tiếp xúc với các chuyên gia qua các hội thảo, các giờ giảng chuyên đề và đặc biệt là các học phần dự án, nơi các thầy và các chuyên gia sẽ giảng dạy, huấn luyện cũng như tư vấn để các em có thể hoàn thành được các sản phẩm game hoàn chỉnh và tiếp cận với thị trường ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Các dự án có triển vọng sẽ được chính các chuyên gia và doanh nghiệp đối tác của nhà trường tiếp nhận để hỗ trợ phát triển.

Thông qua mối hợp tác chặt chẽ này, chương trình đào tạo Thiết kế và Phát triển game đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ về chuyên gia cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm thực hành từ các tổ chức cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước như VNG, VTC Games, Hiệp hội Phát triển game,….

GDVN_Viên CNTT.png
Tiến sĩ Thắng cho biết, để chương trình này được chính thức thực hiện việc tuyển sinh, ông và cộng sự của mình tại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT đã có hơn 10 năm nung nấu ý tưởng và trải qua quá trình chuẩn bị rất công phu. Ảnh: Viện CNTT và TT cung cấp

Nêu kỳ vọng về chương trình đào tạo này, Tiến sĩ Thắng cho rằng, bất cứ một ngành học nào mới mở ra thì người “khai sinh” ra nó đều mong muốn nó phát triển và thu hút người học.

Tuy nhiên vị này nhấn mạnh rằng, yếu tố về lượng người học đăng ký theo học chưa hẳn đã là quan trọng đối với chương trình này mà mong muốn lớn nhất là tìm được người học phù hợp.

“Đối tượng học phù hợp ở đây chính là những học viên có động lực học tập. Người học đó có thể thích chơi game hoặc không nhưng phải có mong muốn và đam mê làm ra các sản phẩm game phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn tuyển được những học viên có nền tảng tư duy logic và ngoại ngữ tốt để có thể "thẩm thấu" những kiến thức về thiết kế và phát triển game mà mình muốn truyền đạt.

Tất nhiên nếu có số lượng người học đăng ký theo học đông thì mình sẽ có nhiều cơ hội để chọn lựa được những học viên phù hợp. Tuy nhiên, nếu số lượng đăng ký vào nhiều nhưng học viên chưa hội đủ các yếu tố như tôi vừa đề cập thì xác suất thành công của họ chưa chắc đã cao. Khi đó, tâm huyết của những người tạo ra chương trình này kỳ vọng có thể không đạt được.

Từ đó tôi thấy rằng, nếu học viên nào tham gia chương trình đào tạo này có được nền tảng kiến thức vững chắc, có hệ thống và bài bản về ngành game thì thu nhập trong tương lai của em đó chắc chắn sẽ tốt so với mặt bằng xã hội", Tiến sĩ Thắng bày tỏ.

Tại khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023. Tại Việt Nam, 10 năm qua, ngành công nghiệp game cũng phát triển nhanh chóng. Doanh thu ngành game đã vượt 500 triệu USD đã giúp Việt Nam đứng thứ 5 tại Đông Nam Á. Hiện nay, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.

Tại Diễn đàn Game Việt 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD.

Để ngành công nghiệp game phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng lộ trình 5 năm phát triển lĩnh vực game từ năm 2022 - 2027, tập trung giải quyết các vấn đề lớn, trong đó có xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, quản lý thị trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành game...

Cùng với việc hỗ trợ kết nối các nhà sản xuất trong nước với doanh nghiệp game nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kêu gọi quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, hợp tác tại Việt Nam. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://bnews.vn/lam-gi-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-game-tai-viet-nam/314810.html

Trung Dũng